| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu đột phá: Dùng giun kim để tầm soát ung thư

Thứ Bảy 20/11/2021 , 13:08 (GMT+7)

Một công ty công nghệ sinh học Nhật Bản đã thử nghiệm táo bạo, dùng giun siêu nhỏ để tầm soát các dấu hiệu sớm của ung thư tuyến tụy thể hiện trong nước tiểu.

Các chuyên gia công ty công nghệ Nhật Bản Hirotu Bio Sciece trình bày công trình nghiên cứu. Ảnh: AFP.

Các chuyên gia công ty công nghệ Nhật Bản Hirotu Bio Sciece trình bày công trình nghiên cứu. Ảnh: AFP.

Phát kiến mới mẻ và đầy bất ngờ của các chuyên gia Nhật Bản đang mở ra nhiều hy vọng, có thể giúp tăng cường tầm soát định kỳ loại bệnh nan y phổ biến là ung thư tuyến tụy.

Cơ sở để các nhà khoa học Nhật Bản tiến hành thử nghiệm này là họ nắm bắt được rằng, các chất dịch trong cơ thể của bệnh nhân ung thư thường có mùi khác lạ so với chất dịch của người khỏe mạnh. Bằng chứng này từng được ngành y thế giới dùng những con chó được huấn luyện, để phát hiện các chứng bệnh qua hơi thở hoặc mẫu nước tiểu của con người.

Tuy nhiên, hãng công nghệ sinh học Nhật Bản Hirotu Bio Science đã biến đổi gen một loại giun có tên là "C. elegans" - chiều dài khoảng 1 mm, có khứu giác nhạy bén - để phản ứng với nước tiểu của những người bị ung thư tuyến tụy, vốn nổi tiếng là khó phát hiện sớm.

"Đây là một tiến bộ công nghệ lớn", giám đốc điều hành hãng Hirotu Bio Science, ông Takaaki Hirotu, một chuyên gia kỳ cựu nghiên cứu về loài giun nhỏ được gọi là giun tròn (nematodes) nói với AFP.

Theo đó, công ty có trụ sở tại thủ đô Tokyo đã sử dụng loại giun kim này để phát hiện chứng bệnh ung thư trong các xét nghiệm sàng lọc, mặc dù không chỉ định loại nào.

Các xét nghiệm mới không nhằm mục đích chẩn đoán ung thư tuyến tụy, nhưng có thể giúp tăng cường kiểm tra định kỳ vì mẫu nước tiểu có thể được thu thập tại nhà mà không cần đến bệnh viện, đại diện hãng Hirotu Bio Science cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba tuần này.

Và nếu những con giun này phát ra cảnh báo, bệnh nhân sau đó sẽ được chuyển đến bác sĩ để kiểm tra thêm, ông Hirotu nói đồng thời hy vọng bước nghiên cứu mới có thể giúp tăng tỷ lệ phát hiện ung thư sớm ở Nhật Bản, nơi giống như nhiều quốc gia đã chứng kiến ​​tỷ lệ sàng lọc giảm trong đại dịch do người dân né tránh việc đi khám xét định kỳ vì sợ bị lây nhiễm coronavirus.

Theo dữ liệu của OECD, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, số lượng người dân Nhật Bản đi khám sàng lọc ung thư cũng ít thường xuyên hơn nhiều so với người dân ở các nước phát triển khác.

Eric di Luccio, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu của công ty công nghệ sinh học Hirotu Bio Science cho biết: “Đây là một nhân tố ‘thay đổi cuộc chơi’... Mọi người cần thay đổi cách nghĩ về việc tầm soát ung thư ngay từ sớm”.

Những con giun biến đổi gen C.elegens dùng để tầm soát ung thư tuyến tụy có chiều dài khoảng một mm. Ảnh: AFP.

Những con giun biến đổi gen C.elegens dùng để tầm soát ung thư tuyến tụy có chiều dài khoảng một mm. Ảnh: AFP.

Trước đó, Đại học Hirotu và Đại học Osaka đã trình bày chi tiết kỹ năng phát hiện ung thư của loại giun C.elegans trong một nghiên cứu chung được công bố vào đầu năm nay trên tạp chí chuyên ngành "Oncotarget".

Trong các thử nghiệm riêng biệt do công ty thực hiện, những con giun “chiến binh” C.elegans trên đã xác định một cách chính xác tất cả 22 mẫu nước tiểu của bệnh nhân ung thư tuyến tụy, bao gồm cả những người mắc bệnh ở giai đoạn đầu.

Ông Tim Edwards, một giảng viên cao cấp về tâm lý học tại Đại học Waikato ở New Zealand, người đã nghiên cứu khả năng phát hiện ung thư phổi của loài chó, cho biết việc sử dụng giun để tầm soát ung thư có vẻ "đầy hứa hẹn".

Edwards, người không hề có mối liên kết nào với công ty công nghệ sinh học Nhật Bản Hirotu Bio Science, lưu ý rằng không giống như chó, những con giun này không cần phải huấn luyện để phát hiện ung thư ở bệnh nhân.

Tuy nhiên David Kolarich, phó giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu khoa học về ung thư Úc, chỉ ra rằng bản chất "độc lạ" của phương pháp này có thể là "một lý do khiến phương pháp này không được chú ý nhiều hơn".

Ông David nói với AFP: “Cá nhân tôi nghĩ rằng chúng ta cần theo đuổi mọi chiến lược hợp lý để phát triển và xác định các xét nghiệm có thể giúp chúng ta xác định ung thư sớm nhất có thể”.

Nhưng ông cũng cảnh báo rằng các chẩn đoán mới phải "có độ đặc hiệu và độ nhạy cao để đảm bảo rằng ung thư được phát hiện sớm nhất có thể và tránh được các chẩn đoán ung thư dương tính giả".

(AFP)

Xem thêm
Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Lợi ích của việc bổ sung cà rốt trong mùa đông

Cà rốt là loại rau củ quen thuộc trong bữa ăn gia đình, giàu dưỡng chất, tốt cho mắt, da, hệ tiêu hóa, đặc biệt hữu ích vào mùa đông.