| Hotline: 0983.970.780

Điều trị bệnh nhân ung thư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19?

Thứ Sáu 17/09/2021 , 14:05 (GMT+7)

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, đặc biệt là bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 đối mặt với nhiều thách thức trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Bệnh nhân khai báo y tế trước khi vào điều tri tại Trung tâm Chẩn đoán & Điều trị Ung bướu (Bệnh viện Quân y 175 – Bộ Quốc Phòng). Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân khai báo y tế trước khi vào điều tri tại Trung tâm Chẩn đoán & Điều trị Ung bướu (Bệnh viện Quân y 175 – Bộ Quốc Phòng). Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, đúng đủ tại cơ sở y tế chuyên khoa, sẽ mang lại hiệu quả tốt, giảm thiểu sự đau đớn về cả thể chất và tinh thần.

Bệnh nhân ung thư được hẹn lịch đến điều trị, tránh tập trung đông người

Trong bối cảnh dich bệnh Covid-19, nhiều chuyên gia nhận định, ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến nhiều bệnh nhân ung thư tử vong hơn, có thể là trực tiếp hay gián tiếp.

Dịch bệnh Covid-19 đang diến biến hết sức phức tạp và rầm rộ, tỉ lệ diễn biến nặng và nguy cơ tử vong cao ở những người có bệnh nền mạn tính trong đó có bệnh ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư có nguy cơ cao như bệnh nhân có hóa trị trong vòng 3 tháng, bệnh nhân xạ trị có trường chiếu xạ rộng, bệnh nhân cấy ghép tủy xương hoặc tế bào gốc, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, một số bệnh ung thư máu có tổn thương hệ miễn dịch...

Chăm sóc điều trị bệnh nhân ung thư. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Chăm sóc điều trị bệnh nhân ung thư. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tổ chức tiếp nhận điều trị bệnh nhân, vừa bảo đảm công tác điều trị đạt hiệu quả, vừa phải bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải có phương án, tổ chức hết sức hợp lí và chặt chẽ.

Theo Đại tá – TS.BS Đào Tiến Mạnh, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán & Điều trị Ung bướu (Bệnh viện Quân y 175 – Bộ Quốc Phòng), trong tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận, Trung tâm Chẩn đoán, Điều trị Ung bướu thuộc Bệnh viện Quân y 175 có những giải pháp phù hợp để đạt mục tiêu vừa chống dịch vừa hoạt động chuyên môn hiệu quả, đem lại chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

“Tùy vào năng lực của mỗi khoa, sẽ nhận từ 15-20 bệnh nhân mỗi ngày, ưu tiên theo tình trạng bệnh lý và tùy theo tình hình dịch bệnh. Chúng tôi chủ động liên lạc với từng người bệnh, phối hợp bệnh nhân về thời gian đến nhập viện, đảm bảo giãn cách vào mỗi thời điểm, lịch nhập viện phân bổ đều vào các ngày trong tuần.

Bệnh nhân nhập viện theo hẹn được bố trí mỗi bệnh nhân/thân nhân/phòng riêng trong khu cách ly tạm thời. Đảm bảo không tiếp xúc nguy cơ với người khác trong những ngày đầu, thực hiện test nhanh tại phòng khám tiền phương và xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 tại trung tâm.

Nhân viên hỗ trợ mọi thủ tục hành chính và sinh hoạt cho người bệnh trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm sàng lọc Covid-19”, Đại tá Đào Tiến Mạnh cho hay.

Tại đây, để phục vụ bệnh nhân có chỉ định khám - điều trị bệnh, nhân viên y tế phải tăng cường làm việc cả một số ngày nghỉ, ngày lễ. Đồng thời, thành lập những khu khác nhau, vùng xanh, vùng vàng, khu cách ly tạm thời nhằm phân loại nguy cơ của mỗi nhóm bệnh nhân, từ đó có biện pháp phòng dịch phù hợp và an toàn cho mỗi đối tượng.

Phân loại điều trị ung thư:

Về khám bệnh, Trung tâm Chẩn đoán & Điều trị Ung bướu (Bệnh viện Quân y 175) tiếp nhận bệnh nhân đến khám trực tiếp và qua nhiều hình thức hỗ trợ từ xa, qua đó phân loại các bệnh nhân theo nhu cầu cần đến bệnh viện hay không, nếu có thì đến khi nào, hỗ trợ bệnh nhân trong trường hợp chưa thể đến, phương án vận chuyển, những chuẩn bị cần thiết khi đến BV trong dịch bệnh,...

“Đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc hỗ trợ từ xa các bệnh nhân cũ tái khám có ý nghĩa rất quan trọng, việc này giúp phân loại những bệnh nhân ổn định, ít có nguy cơ tiến triển bệnh nhưng đến kì tái khám thì có thể kéo dài hơn thời gian tái khám thông thường”, Đại tá Đào Tiến Mạnh thông tin.

Đơn cử như lịch tái khám là 3-6 tháng mà bệnh nhân đang ổn định thì kéo dài thành 6 tháng hoặc khi dịch bệnh ổn định, khi ấy nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bệnh nhân trong một số trường hợp có các triệu chứng nhẹ có thể xử lý tại nhà hoặc y tế địa phương, giảm những trường hợp phải đến bệnh viện không thực sự cần thiế.

Đồng thời, cũng phát hiện ra những biểu hiện cần nhập viện ngay để hướng dẫn người bệnh phương án tiếp cận được bệnh viện nhanh nhất.

Về phẫu thuật, theo Đại tá Đào Tiến Mạnh, hầu hết các chuyên khoa phẫu thuật các bệnh lý ung thư đều có sẵn và phối hợp chặt chẽ, đặc biệt Bệnh viện Quân y 175 còn tổ chức phẫu thuật cho các bệnh nhân là F0, F1 trong các tình huống cấp cứu trong đó có các cấp cứu ung thư (tắc ruột do u, chèn ép tủy cấp có chỉ định mổ,…).

Các bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật được hội chẩn, phân loại thành các nhóm nguy cơ tiến triển và rủi ro - lợi ích, trong đó có cân nhắc cả yếu tố chuyên môn, nguồn lực và bối cảnh dịch bệnh tại thời điểm đó.

Các phẫu thuật có ý nghĩa điều trị triệt để, nếu trì hoãn có nguy cơ rủi ro cao tiến triển, mất cơ hội điều trị triệt để được ưu tiên phối hợp thực hiện. Như các bệnh nhân u phổi ≥ 2cm, ung thư có bán tắc ruột, ung thư nội mạc tử cung, tụy, buồng trứng, gan, ung thư biểu mô có nguy cơ xâm lấn cơ cao mà hiện chưa xâm lấn.

Một số bệnh nhân có thể trì hoãn phẫu thuật hơn 3 tháng hoặc hơn nếu điều kiện chưa cho phép như ung thư da không hắc tố; ung thư vú sớm ở phụ nữ sau mãn kinh có thụ thể nội tiết dương, Her-2 âm có thể điều trị nội tiết trì hoãn,… hoặc trì hoãn trong vòng 3 tháng (ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ cao có thể điều trị nội tiết trì hoãn, ung thư đại tràng nguy cơ tắc ruột thấp,..).

Bệnh nhân được xạ trị bằng máy xạ trị gia tốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân được xạ trị bằng máy xạ trị gia tốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Về xạ trị, Đại tá Đào Tiến Mạnh cho biết, cũng như phẫu thuật, xạ trị là mô thức điều trị tại chỗ tại vùng có thể chỉ định với mục đích điều trị triệt để như đối với ung thư vòm họng, hốc miệng, thực quản, phổi, vú, trực tràng, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, nội mạc tử cung…), cũng có khi là điều trị giảm nhẹ (giảm đau do di căn xương, di căn não, giảm kích thước bướu gây chèn ép…).

“Các bệnh nhân xạ trị cũng được phân nhóm nguy cơ rủi ro tiến triển để có thái độ xử trí phù hợp. Ưu tiên các trường hợp cấp cứu kể cả cho những tình huống bệnh nhân là F1 hay khi chưa có xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 với quy trình điều trị riêng.

Tiến hành xạ trị sớm cho các bệnh nhân nguy cơ tiến triển bệnh cao có chỉ định điều trị triệt để như ung thư phổi, ung thư trực tràng tiến triển tại chỗ, ung thư đầu cổ…

Trì hoãn trong vòng 3 tháng nếu điều kiện chưa cho phép với một số chỉ định xạ trị như ung thư nội mạc tử cung sau phẫu thuật, ung thư tuyến tiền liệt nguy cơ cao có thể điều trị nội tiết, ung thư vú sớm có thụ thể nội tiết, ung thư da không hắc tố….

Với các bệnh nhân có chỉ định xạ trị, thì phác đồ điều trị rút gọn có hiệu quả tương đương hoặc gần tương đương được ưu tiên lựa chọn tùy vào mỗi ca bệnh và tình hình dịch”, Đại tá Đào Tiến Mạnh thông tin.

Phòng hóa trị cho các bệnh nhân ung thư tại Trung tâm Chẩn đoán & Điều trị Ung bướu (Bệnh viện Quân y 175). Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Phòng hóa trị cho các bệnh nhân ung thư tại Trung tâm Chẩn đoán & Điều trị Ung bướu (Bệnh viện Quân y 175). Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Đối với bệnh nhân hóa trị và các biện pháp điều trị toàn thân, ThS.BS Phạm Thành Luân, Khoa Điều trị Ung bướu cho biết, giống như phẫu thuật hay xạ trị, các bệnh nhân hóa trị và điều trị toàn thân khác, như điều trị nội tiết, nhắm đích, miễn dịch,… cũng được phân thành những nhóm nguy cơ khác nhau để được tiếp cận điều trị phù hợp nhất.

Nhóm bệnh nhân được ưu tiên điều trị sớm gồm các bệnh lý mà điều trị có ý nghĩa điều trị triệt để hay là mô thức điều trị chính giúp duy trì sống còn (các bệnh nhân đang dùng thuốc nhắm đích, miễn dịch điều trị ung thư phổi, vú, gan, đầu cổ…, hóa trị bệnh bạch cầu cấp, lymphoma diễn tiến nhanh, Hodgkin, đa u tủy xương có triệu chứng, ung thư tinh hoàn, ung thư phổi tế bào nhỏ, các ung thư đầu cổ trừ tuyến giáp).

Nhóm bệnh nhân có thể trì hoãn trong vòng 3 tháng nếu điều kiện không cho phép tiếp cận điều trị như ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư phổi giai đoạn muộn mà hiện tại bệnh nhân đang ổn định.

Thăm khám bệnh nhân ung thư mỗi ngày. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Thăm khám bệnh nhân ung thư mỗi ngày. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Đối với bệnh nhân chăm sóc giảm nhẹ, sẽ được hỗ trợ chăm sóc tại nhà trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp.

Theo bác sĩ Phạm Thành Luân, trong bối cảnh dịch bệnh đặc biệt là các đợt giãn cách xã hội, Trung tâm bố trí chỗ ở, giường, suất ăn tại chỗ cho bệnh nhân và thân nhân, tùy theo yêu cầu giãn cách mà tổ chức điều trị ngoại trú phù hợp, nhằm hạn chế việc di chuyển khó khăn, tránh nguy cơ phơi nhiễm.

Là bệnh viện trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Quân y 175 vừa đảm nhiệm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm công tác quân y, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng quân đội, vừa tham gia công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Trong bối cảnh cách ly xã hội, đơn vị thực hiện cấm trại ăn, ở tại bệnh viện dài ngày.

“Với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và dự kiến sẽ là cuộc chiến lâu dài, Trung tâm Chẩn đoán & điều trị Ung bướu, Bệnh viện Quân y 175 luôn lắng nghe, hỗ trợ người bệnh và cộng đồng với phương châm “không để bệnh nhân ung thư phải đơn độc trong dịch bệnh” Đại tá – TS.BS Đào Tiến Mạnh, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán & Điều trị Ung bướu (Bệnh viện Quân y 175) nói.

Bệnh viện Quân y 175 là bệnh viện đa chuyên khoa, tuyến cuối của Quân đội ở khu vực phía Nam, riêng về chuyên ngành ung bướu, Bệnh viện triển khai đầy đủ các mô thức điều trị ung thư phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, miễn dịch…

Bên cạnh đó, có các chuyên khoa điều trị phối hợp bệnh lý đi kèm như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, tiết niệu… với các trang thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán ung thư như máy CT, MRI, PET/CT, xạ hình, xét nghiệm máu, giải phẫu bệnh, sinh học phân tử, hóa mô miễn dịch, gen… giúp người bệnh có thể chẩn đoán điều trị toàn diện

Điều trị bệnh nhân ung thư mắc Covid-19

Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 TP Thủ Đức số 1 (chung cư Bình Minh) có nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Với các bệnh nhân này, bệnh diễn tiến nhanh và nặng với tỷ lệ tử vong lên đến 25 - 30%. Theo y văn thế giới thì bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có tỷ lệ tử vong đến 30 - 40%.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ cho biết, việc chăm sóc bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 đòi hỏi phải theo dõi sát bệnh nhân để can thiệp kịp thời. Bệnh nhân giai đoạn cuối đều vận động kém, thể trạng suy kiệt nên mọi việc đều nhờ nhân viên y tế hỗ trợ như pha sữa, đút ăn, uống, thay drap, thay tã, kể cả những chuyện hậu cần như thay bình oxy, đổ rác…

Do đó, việc dự phòng tốt nhất hiện nay là tiêm chủng vacxin phòng Covid-19. Theo bác sĩ Vũ, từ thực tế tại khoa cho thấy những bệnh nhân đã chích ngừa, dù 1 mũi vacxin phòng Covid-19, có diễn tiến thuận lợi và hồi phục nhanh chóng sau khi mắc Covid-19.

Đối với những bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 diễn tiến nặng sẽ cần có sự phối hợp giữa bác sĩ hồi sức và ung bướu. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Đối với những bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 diễn tiến nặng sẽ cần có sự phối hợp giữa bác sĩ hồi sức và ung bướu. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

“Về việc điều trị bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 cơ bản vẫn theo phác đồ điều trị Covid-19 của Bộ Y tế gồm hỗ trợ hô hấp, kháng viêm, kháng đông.

Đồng thời, điều trị các triệu chứng do bệnh ung thư gây ra, đặc biệt là chống đau, do ung thư khi di căn qua xương, não, gan … thường gây đau rất nhiều. Do đó, phải chú ý giảm đau đúng mức nếu không, đau sẽ làm bệnh nhân mệt và suy kiệt hơn.

Việc điều trị giảm đau cho bệnh nhân ung thư cũng phải khéo léo do phần lớn dựa trên morphine, không chú ý có thể gây suy hô hấp nặng hơn.

Thứ hai là bệnh nhân có thể có các biến chứng do bệnh như tràn dịch trong bụng, phổi, tim... kèm theo nên phải phát hiện và rút dịch giải áp, nếu không bệnh nhân cũng dễ mệt và suy hô hấp.

Trong thời gian mắc Covid-19, bệnh nhân sẽ tạm hoãn các điều trị khác như hóa trị, phẫu thuật… và sẽ tiếp tục sau khi hồi phục hoàn toàn”, bác sĩ Vũ cho hay.

Sau gần 3 tuần hoạt động, khoa điều trị Ung bướu Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 TP Thủ Đức số 1 đã tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân ung thư mắc Covid-19, trong đó có nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

(Kiến thức gia đình số 37)

Xem thêm
Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.