| Hotline: 0983.970.780

Tặng quà cho… các gia đình lâm tặc để làm kế giữ rừng

Thứ Tư 29/07/2020 , 11:30 (GMT+7)

Khi 8 lâm tặc phải vào tù vì chặt hạ cây nghiến khổng lồ, gia đình họ gặp nhiều khó khăn nhưng không ngờ tết đến lại được chính quyền tặng quà, giúp đỡ.

Một cây nghiến cổ thụ gần khu vực thác Khuổi Nhi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một cây nghiến cổ thụ gần khu vực thác Khuổi Nhi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những “cây ATM” giữa núi rừng

Tôi cùng anh Nguyễn Lê Đoàn - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Lâm đi tuần rừng trên lòng hồ thủy điện, tiện thể cập bờ thăm cây nghiến cổ thụ ở gần con thác “biết gây cười” Khuổi Nhi (Lâm Bình, Tuyên Quang). Nó cao như cột chống trời, chu vi thân (vanh) cỡ ngoài 5m, 4 - 5 người ôm không xuể.

Thấy tôi trầm trồ trước cây gỗ quý, anh Đoàn bảo: “Chưa là gì so với cây nghiến cổ thụ ở thôn Nà Ráo xã Khuôn Hà, đạt kỷ lục vanh tới ngoài 7m, tuổi thọ trên dưới ngàn năm hay quần thể hàng trăm cây nghiến cổ thụ ở thôn Nậm Thuổm”.

Mỗi gốc cổ thụ quy từ gỗ ra tiền đều trên dưới 1 tỉ đồng, chẳng khác gì các “cây ATM” phơi giữa rừng, chào mời lâm tặc. Đơn vị của anh Đoàn phụ trách 5 xã với vài chục ngàn ha rừng, phải tuần tra cả trên bộ lẫn dưới thủy mà điển hình gian khổ là tuyến Bọ Choáng - Bọ Chít với 2 ngày di chuyển liên tục, phải mang theo gạo, mì tôm rồi lấy nước suối, bắt nòng nọc, hái rau rừng nhét vào ống nứa làm lam mà ăn.

Cheo leo tuần rừng trên núi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cheo leo tuần rừng trên núi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ năm 2002 - 2005 là thời điểm rừng bị phá tàn bạo nhất do dân tái định cư vùng lòng hồ tràn về, chặt hạ cây để làm nhà. Sau đó, tình hình có lắng xuống nhưng vẫn lẻ tẻ xảy ra.

Ngày 25/1/2017, cận Tết nguyên đán, cây nghiến cổ ngàn năm tuổi trên núi của xã Phúc Yên bị lâm tặc đốn xuống. Nó khổng lồ đến mức khi ngã ra đất đã in hằn trên khoảng rừng như một cung đường ô tô mới mở nhẵn thín, mọi cây lớn, nhỏ đều bị đè bẹp. Khối lượng gỗ đo được là 142,5m3, tổng giá trị lên đến 1,3 - 1,4 tỷ đồng.

Để hạ được cây này, phải sử dụng đến hai nhóm lâm tặc, nhóm một cưa mãi không đổ phải gọi sự trợ giúp của nhóm hai. Do kích cỡ cây quá lớn nên chúng chưa thể tẩu tán ngay được.

Đội kiểm lâm của anh Nguyễn Lê Đoàn cả một tuần sau đó mật phục trong rừng, đến bữa ăn không dám nhóm lửa, đến đêm không dám dùng điện thoại, không dám hút thuốc vì sợ lộ nhưng cũng không một động tĩnh gì.

Một góc của rừng phòng hộ Lâm Bình. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Một góc của rừng phòng hộ Lâm Bình. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Tuy nhiên, công an huyện, kiểm lâm, Ban quản lý Rừng phòng hộ sau thời gian điều tra cũng dựng lên được một danh sách gồm 15 người có liên quan từ trực tiếp chặt hạ đến gián tiếp bốc vác, canh gác…

Khi đội ngũ mật phục rút đi thì tình cờ trong một buổi tuần tra trên hồ họ lại bắt được 3 đối tượng đang chở một đoạn gỗ cắt ra từ cây nghiến cổ, 1 trùng tên với bản danh sách nên đã bị bắt. Qua khai thác, người này khai nhận tất cả các đối tượng có liên quan, đều thuộc về dòng họ Chúc.

“Chỉ cần nhìn vào những tấm ván xẻ ra, dù đã bật mực nhưng vẫn bị cong thì tôi biết là dân không chuyên rồi, vì túng quá mới phải làm liều thôi”, anh Đoàn khẳng định.

Tòa tuyên án 8 lâm tặc trên tổng cộng 47 năm 6 tháng tù, cũng năm đó, xử tù 4 đối tượng ở một vụ việc khác tại xã Phúc Yên đã tạo thành một “cơn địa chấn” trong dư luận huyện Lâm Bình.

Anh Chẩu Văn Toan - Chủ tịch xã Khuôn Hà trong một chuyến dân vận. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Chẩu Văn Toan - Chủ tịch xã Khuôn Hà trong một chuyến dân vận. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Chẩu Văn Toan - Chủ tịch xã Khuôn Hà cho hay 8 đối tượng này đều là người Dao khi tái định cư thủy điện đã di vén về trung tâm xã. Nghèo, thiếu đất sản xuất nên họ vẫn đi đi về về nơi ở cũ để chăn trâu bò, gà, lợn dưới tán rừng. Nghe đầu nậu xúi giục, cộng với nhận thức kém, tiếng Kinh còn chưa sõi nên họ mới phạm pháp.

Cận cái tết đầu tiên, vợ trẻ vắng chồng, con nhỏ vắng bố, gạo trong thùng gần hết, tiền chẳng vay được ai.

Một buổi đi họp, anh Toan được anh Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch huyện Lâm Bình gọi riêng ra trao đổi về tình hình của các hộ có người thân đang “bóc lịch” sau song sắt: Người trực tiếp vi phạm đã bị xử lý theo pháp luật nhưng gia đình họ đang có nhiều khó khăn nên chúng ta phải quan tâm, giúp đỡ.

Có như vậy, gia đình họ đỡ mặc cảm với bà con, vượt qua những khó khăn ban đầu cũng như thông tin lại cho những phạm nhân đang chấp hành án yên tâm mà cải tạo.

Tết đó, huyện trích từ quỹ an sinh ra tặng mỗi gia đình lâm tặc 1 triệu và 1 phần quà, xã cũng tặng và còn tổ chức vận động con em họ tiếp tục được đến trường. Các chương trình hỗ trợ sản xuất cho những hộ nghèo cũng được thực hiện với các gia đình này một cách bình đẳng.

Ngoài ra, các hội như nông dân, phụ nữ, đoàn thể còn đến giúp đỡ họ vào mùa cấy, gặt hay lúc con cái ốm đau, không thể đi làm đổi công được.

Vợ con của hai gia đình phạm nhân Chúc Văn Nông và Chúc Văn Lâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ con của hai gia đình phạm nhân Chúc Văn Nông và Chúc Văn Lâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gặp gỡ các gia đình lâm tặc 

Tôi cùng anh Toan xuống thăm hai gia đình phạm nhân ở thôn Nà Vàng cũng là anh em ruột Chúc Văn Nông và Chúc Văn Lâm. Sinh ra trong một hộ người Dao có tới 5 người con, họ phải rời bỏ quê cũ, di mồ mả tổ tiên để nhường đất cho dự án thủy điện.

Lớn lên, lập gia đình nhưng đất đai không đủ để sản xuất nên mỗi năm họ bị thiếu giáp hạt khoảng 3 - 4 tháng, phải đem chài lưới ra hồ đánh cá hay lên rừng kiếm lâm sản phụ.

Bàn Thị Ghến vợ của Nông bảo, sau mỗi lần đi miết cả chục ngày chồng mình đem về cho vợ được vài trăm ngàn để mua gạo, thức ăn. Một hôm chị thấy công an huyện đến báo rằng Nông đã phạm pháp, cùng một nhóm đốn hạ cây nghiến cổ ở mạn Phúc Yên.

Lúc chồng về nhà, Ghến mới hỏi có thật như thế không? Thấy Nông không nói gì mà mặt tái đi, cơm chẳng buồn ăn, nước chẳng buồn uống là chị biết lỗi của chồng và an ủi: “Vì con mà anh phải đi làm như thế, giờ đi tự thú, ở tù mấy năm rồi lại về. Ở nhà em sẽ lo từng bữa cơm cho con, không để đứa nào bị đói đâu”.

Hứa thì hứa vậy nhưng bụng Ghến rất lo vì sợ ốm không có người chăm con, vì sợ không biết làm gì để sống trong khi món nợ dựng nhà hơn 20 triệu vẫn chưa trả nổi.

Ngôi nhà của vợ con phạm nhân Chúc Văn Canh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngôi nhà của vợ con phạm nhân Chúc Văn Canh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giáp vách, vợ của Lâm cũng hỏi chồng những câu tương tự. Vậy là hai chị em bàn nhau, mỗi người một xe, dắt chồng đi tự thú.

Những người đàn ông bị kết án 6 năm tù, ở nhà những người phụ nữ mùa cấy đi cấy thuê, mùa măng lên rừng lấy bán mà vẫn túng thiếu nên rất cảm động khi Tết đến bỗng được tặng quà, mùa Covid 19 vừa rồi thất nghiệp vẫn được hưởng trợ cấp…

Anh Toan bảo: “Chúng tôi không phân biệt gì cả mà chỉ biết đây là những hộ nghèo, không có đất để trồng sắn, không có vườn để trồng rau, không có lao động cũng như tiền đối ứng để chăn trâu, bò. Bởi vậy mà phải giúp đỡ”.

Cận cảnh ngôi nhà của phạm nhân Chúc Văn Canh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh ngôi nhà của phạm nhân Chúc Văn Canh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi đến thôn Nà Trang thăm gia đình phạm nhân Chúc Văn Canh, nghe mấy con anh kể, mẹ mình khi biết bố đi chặt gỗ trên rừng đã bảo: “Trẻ không dựng nhà, giờ già rồi mà còn đi chặt nghiến?”. Bố mình trả lời: “Không có tiền, người ta thiếu người làm thì mình xin đi theo thôi”. Vậy là bị bắt.

Nhà kế bên, có Phùng Văn Dậu trước đây cũng từng làm gỗ dù chỉ có tay không: “Mình đi theo người có cưa, có máy, tìm đường cho gỗ đi, chỗ nào bằng thì khiêng, chỗ dốc thì thả. Gỗ đem bán, người nào có máy, có dầu góp vào thì trừ chi phí đi rồi còn lại chia đều nhau”.

Phùng Văn Dậu bảo làm nhà vách nứa thôi, không dám chặt gỗ về làm vách đâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phùng Văn Dậu bảo làm nhà vách nứa thôi, không dám chặt gỗ về làm vách đâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về sau, khi thấy tấm gương tày liếp của 8 người trong xã bị đi tù, Dậu hãi quá bỏ hẳn nghề, trở về tu chí làm ruộng. Sống ở giữa rừng đầy gỗ quý nhưng vách nhà của Dậu vẫn chỉ là những thanh nứa tép chẻ ra, ghép tạm, ngồi bên trong mà nghe ù ù gió thổi.  

Anh Quan Văn Chính, người ở thôn Nà Muông, bảo hồi những năm 80 của thế kỷ trước, dân đói phải lên núi đào củ mài, củ bấu về ăn nhưng vẫn kiên quyết giữ rừng vì có rừng là có nước, có rừng là sẽ không bị lũ quét. Tỷ lệ che phủ rừng của huyện đang dẫn đầu cả nước với 79% trong đó ¾ là rừng phòng hộ, tức phải bảo vệ nghiêm ngặt tuy nhiên dân chỉ được mức hỗ trợ rất khiêm tốn 400.000đ/ha/năm.

Có rừng, có phong cảnh, có bản sắc nhưng kinh tế của Lâm Bình vẫn còn nhiều khó khăn với hộ nghèo chiếm tới 36,7% là một điều đáng phải suy nghĩ. Các mô hình phát triển cây, con có lợi thế như trồng rau bản địa, nuôi trâu bò, dê, cá đặc sản hay du lịch cộng đồng sẽ là một hướng đi tốt nếu không vấp phải sự ngáng trở của cơ sở hạ tầng quá yếu kém.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.