| Hotline: 0983.970.780

Tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp là chìa khóa để tạo việc làm

Thứ Tư 02/12/2020 , 09:54 (GMT+7)

Muốn tạo ra việc làm, vấn đề cốt lõi là phải tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp. Đây chính là chìa khóa để tạo việc làm và giảm nghèo bền vững.

Đào tạo lao động cần chú trọng tới vấn đề đầu ra, theo đơn đặt hàng, theo tiêu chuẩn công việc và vị trí việc làm. Ảnh: TTXVN.

Đào tạo lao động cần chú trọng tới vấn đề đầu ra, theo đơn đặt hàng, theo tiêu chuẩn công việc và vị trí việc làm. Ảnh: TTXVN.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Trong đó, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng, tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,4 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước và giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn. Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động 9 tháng đầu năm tăng 1,0%. Nếu lực lượng lao động 9 tháng đầu năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động.

Làm thế nào để tạo việc làm, nâng cao thu nhập?

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đoàn Vĩnh Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết giải pháp để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho công nhân, lao động; nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần bảo đảm trật tự an ninh, an toàn xã hội trong thời gian tới.

Trước khi trả lời cụ thể từng vấn đề, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19, chúng ta cũng như các nước trên thế giới bị ảnh hưởng rất lớn. Nhưng với sự quyết tâm của các doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động, đến nay, chúng ta đã tạo việc làm cho 7,8 triệu lao động, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý III/2020 là 2,48%, khu vực thành thị là 3,63%.

Đi vào vấn đề cụ thể, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, muốn tạo việc làm, vấn đề cốt lõi là phải tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp. “Đây chính là chìa khóa tạo việc làm và giảm nghèo bền vững. Kinh nghiệm tất cả các nước cũng như thời gian qua ở các địa phương của nước ta cho thấy điều này là quan trọng nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Cần chú trọng đào tạo lao động theo đơn đặt hàng, vị trí việc làm

Cũng tại phiên chất vấn, một vấn đề nữa đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Kạn) muốn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm rõ, đó là thực tế hiện nay trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp của thanh niên vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển và yêu cầu của thị trường lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng đánh giá thời gian qua chúng ta đào tạo chưa gắn với thị trường, chưa gắn với nhu cầu.

“Phải đào tạo trước, trong và sau khi lao động có việc làm, kể cả đào tạo lại nghề cho lực lượng lao động. Phải nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, đặc biệt là đào tạo lại cho lực lượng lao động của chúng ta trong thời gian qua. Vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH triển khai, xây dựng đề án này trình Chính phủ đầu năm 2021”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đối với các doanh nghiệp, phải tập trung nâng cao chất lượng quản trị nhân lực, đổi mới yếu tố công nghệ trong các doanh nghiệp. Thời gian qua, vấn đề này rất quan trọng với doanh nghiệp, những doanh nghiệp đi đầu trong công nghệ, những doanh nghiệp đổi mới quản trị đều đứng vững và tạo điều kiện công ăn việc làm cho người lao động.

“Doanh nghiệp phải có yếu tố đi trước, đón đầu trong một số lĩnh vực, điều này rất cần thiết. Đào tạo phải chú trọng hơn trong vấn đề đầu ra, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo tiêu chuẩn công việc và vị trí việc làm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tăng cường kết nối cung cầu, dự báo được cung cầu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Thời gian qua, Chính phủ giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì cùng Bộ KH&ĐT và một số bộ xây dựng đề án này. Bộ LĐ-TB&XH đã mời một số chuyên gia nước ngoài giúp Việt Nam, bước đầu mới dự báo được cung cầu ngắn hạn ở một số ngành nghề, lĩnh vực và giúp một số địa phương thực thi việc dự báo cung cầu và thấy hiệu quả hơn...

Xem thêm
Xuất khẩu quả hồng của Hàn Quốc và bài học cho trái cây Việt Nam

Khi nhắc đến Việt Nam, người Hàn Quốc thường nghĩ đến các loại trái cây nhiệt đới như xoài, dứa… Do đó, Việt Nam nên tập trung xuất khẩu các loại trái cây thế mạnh này.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...

Bình luận mới nhất