| Hotline: 0983.970.780

Tạo chồi hữu hiệu cho lúa

Thứ Sáu 19/07/2019 , 06:50 (GMT+7)

Tạo chồi khỏe, đòng to là yếu tố quan trọng giúp vụ mùa ăn chắc. Giải pháp nằm ở ngay thời điểm bắt đầu xuống giống.

Đó là, chọn giống lúa tốt, xác nhận, sạ thưa và bón phân cân đối, có bổ sung trung, vi lượng. Cách làm thông minh này sẽ giúp ruộng lúa phát triển đồng đều, tạo chồi hữu hiệu, đạt năng suất cao.

du-tru-1-2135054278

Tư duy sạ dày của nông dân đã dần thay đổi. Minh chứng là, tại những cánh đồng canh tác lúa thông minh, bên cạnh những tiêu chí về tiềm năng tiêu thụ, chịu phèn mặn, thì giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 100kg/ha chính là yếu tố quyết định trong sản xuất lúa.

Anh Võ Ngọc Dũng, ngụ huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay, bà con ngày càng nhận thức rõ hiệu quả của việc quản lý sao cho mỗi cây lúa có 2 chồi mạnh khỏe, tránh để lúa đẻ nhánh nhiều, đẻ lai rai ảnh hưởng năng suất lúa.

Ở góc độ khoa học, theo tính toán của ngành nông nghiệp, để đạt năng suất khoảng 7-8 tấn/ha (năng suất này đã phát huy hết tiềm năng của giống) với lúa vụ đông xuân cần 600 bông cho mỗi m², vụ hè thu cần 500 bông/m².

Một thực nghiệm cho thấy giai đoạn lúa từ 30-40 ngày thì mỗi m² có trên 1.000 cây và nhánh nhưng đến khi trổ đòng chỉ còn lại 600 do lúa tự hủy bớt chồi. Nếu sạ 100 kg giống/ha, thì mỗi m² có 400 hạt, nếu sạ 150 kg giống thì mỗi m² có 600 hạt, nếu sạ 200 kg thì có 800 hạt. Tỷ lệ nảy mầm của giống đạt bình quân 85%. Như vậy, nếu không cho lúa đẻ nhánh thì việc sạ dày với lượng giống từ 175 – 200 kg/ha là hợp lý.

Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà khoa học, việc để mật độ lúa dày, xúm xít ngay từ đầu thì có 2 trở ngại. Một là mặt ruộng quá rậm rạp (mỗi cây có 6 lá) nên sẽ có nhiều sâu bệnh; Hai là, khi đó, quá trình chăm sóc sẽ rất tốn phân bón, do phải nuôi nhiều chồi vô hiệu, vì trên thực tế, cây lúa vẫn đẻ nhánh, và nhánh lúa chỉ tự chết đi khi cây lúa sinh trưởng vào giai đoạn trổ đòng.

Qua nhiều so sánh thực nghiệm, ở nhiều vùng, quốc gia khác nhau, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI đã kết luận rằng: Với giống lúa ngắn ngày, hiệu quả nhất là mỗi cây lúa lấy một bông chính và 2 bông nhánh và mật độ sạ từ 80 – 100 kg giống/ha sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.

Như vậy, điều cần thiết là phải biết quản lý sao cho mỗi cây lúa có 2 chồi mạnh khỏe, tránh để lúa đẻ nhánh nhiều, đẻ lai rai sẽ gây năng suất không đạt.

Theo PGS.TS Mai Thành Phụng - thành viên Hội đồng KHKT Công ty CP Phân bón Bình Điền, đặc điểm sinh lí của cây lúa là sẽ bắt đầu đẻ nhánh (ra ngạnh trê) khi được 5-6 lá, cứ 3 ngày thì ra một lá, ứng với 18-20 ngày sau sạ. Khi mới đẻ, thì cây mẹ phải nuôi nhánh nên cần phải bón phân lần 1 kịp thời vì nếu thiếu dinh dưỡng thì nhánh sẽ bị yếu ớt sau này không đạt năng suất.

Để hạn chế việc lúa đẻ lai rai, ngoài đặc tính giống cần phải bón phân nuôi chồi đúng thời điểm và bón cân đối cả đạm, lân và kali. Việc dư thừa phân đạm trong giai đoạn này cũng sẽ mang đến hiện tượng lúa đẻ lai rai và sinh ra nhiều chồi vô hiệu.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng lưu ý bà con nên cân nhắc khi áp dụng cách làm sử dụng nước ngập để ngăn ngừa lúa đẻ nhánh nhiều lai rai. Bởi trên thực tế giải pháp này không có tính khả thi. Vì muốn hạn chế lúa đẻ nhánh thì độ ngập nước phải từ 30 cm trở lên. Trong khi điều kiện tại nhiều vùng sản xuất lúa khó đáp ứng, nhất là trong vụ hè thu.

Qua việc này, các nhà khoa học, một lần nữa nhấn mạnh và khuyến cáo bà con nên sử dụng giống xác nhận. Bởi quá trình lai tạo giống, các nhà khoa học đã đưa tiêu chí đẻ ít nhánh vào mục tiêu của lai tạo. Và các giống lúa được phổ biến hiện nay đều không có khả năng đẻ nhiều nhánh.

Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt giai đoạn sau khi lúa đẻ nhánh, bà con cần giảm dần mực nước để cho rễ lúa có điều kiện phát triển, ăn sâu và vững chắc. Theo các nhà khoa học, việc sạ với mật độ 80-100 kg giống/ha là lý tưởng cho việc tạo tiền đề cho năng suất cao và giảm chi phí. Muốn vậy, bà con cần phải có sự chuẩn bị chu đáo là trang bằng mặt ruộng, phòng trừ ốc bươu vàng, chọn giống xác nhận, cảnh giác với ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn và chú ý đến dinh dưỡng.

Trên thực tế, ở nhiều vùng bà con không có tập quán bón lót nên việc bón phân đợt 1 (7-10 ngày sau sạ) và bón phân đợt 2 (18-20 ngày sau sạ) là cực kỳ quan trọng. Cả 2 lần bón này đều có yêu cầu bón vừa đủ và cân đối tỷ lệ NPK và trung, vi lượng. Trong đó, nhu cầu về đạm là khá cao. Việc sử dụng phân bón chuyên dùng cho giai đoạn này tỏ ra thuận tiện và hiệu quả.

Để canh tác lúa mang lại hiệu quả, năng suất nhất, qui trình bón phân cần đầy đủ các đợt là, bón lót, bón thúc lần 1, bón thúc lần 2, và bón thúc lần 3. Nhất là vào vụ hè thu, nguy cơ ngộ độc phèn tăng cao ở những vùng đất khó, bà con nên lưu ý áp dụng để vụ mùa ăn chắc.

Cụ thể, giai đoạn trước khi gieo sạ, bón lót phân chuyên dùng Mặn Phèn, với lượng bón 100 – 160 kg/ha.

Giai đoạn 7-10 ngày sau sạ, bón thúc 1, phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 100-150kg/ha.

Giai đoạn 18-22 ngày sau sạ, bón thúc 2, phân Đầu Trâu TEA1, lượng bón 120-150 kg/ha.

Giai đoạn 38-42 ngày sau sạ, bón thúc 3, phân Đầu Trâu TEA2, lượng bón 80-100 kg/ha.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất