Cơn bão số 3 đổ bộ đã gây ra cho tỉnh Quảng Ninh những thiệt hại vô cùng nặng nề, ước tính thiệt hại trên 24.000 tỷ đồng, trong đó có 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, theo thống kê, con số thiệt hại của huyện Vân Đồn là trên 3.693 tỷ đồng. Từ vùng nuôi biển sầm uất, Vân Đồn những ngày sau bão xơ xác và tiêu điều. Chứng kiến tài sản của mình bị sóng biển cuốn trôi, những hộ dân nuôi trồng thủy sản không khỏi đau đớn, xót xa.
Chiều 27/9, tại Vân Đồn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã có buổi thăm hỏi, động viên ngư dân bị thiệt hại về người do bão số 3 và trao tặng, hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Để sớm khôi phục sản xuất, ông Phùng Đức Tiến mong rằng mỗi người dân cần nhanh chóng ổn định tinh thần, vượt qua khó khăn để từng bước khắc phục hậu quả. Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị chính quyền và các doanh nghiệp cần cùng nhau chung tay, hỗ trợ bà con ngư dân sớm tái sản xuất.
Có mặt tại Bến cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) từ rất sớm, ông Nguyễn Văn Diễn bày tỏ sự vui mừng khi được nhận những phần quà từ đoàn công tác. Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Diễn cho biết:
“Trận bão qua đã khiến tôi tay trắng hoàn toàn, tàu thuyền, bè nuôi thủy sản bị bão đánh cho tan nát. Những chiếc phao và thuyền được trao tặng sẽ giúp chúng tôi từng bước vượt qua khó khăn và sớm bắt tay vào sản xuất. Tôi rất cảm ơn”.
Tại buổi trao tặng, các đơn vị đã dành tặng cho những ngư dân chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão 1.000 quả phao HDPE, 30 thuyền HDPE và 1 triệu rong giống. Những phần quà tuy chỉ hỗ trợ được một phần nhỏ những mất mát nhưng đã mang lại niềm tin, động lực để ngư dân khôi phục thiệt hại và tái sản xuất.
Với những chiếc thuyền HDPE mang tên gọi “Hạnh Phúc”, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group cho biết: “Chiếc thuyền này sẽ giúp bà con ngư dân dễ dàng di chuyển vào những khu vực nhỏ để tìm kiếm đồ đạc và nuôi cấy hàu, trồng rong. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm mới có khả năng truy tìm nguồn gốc, có gắn thiết bị định vị; cải tiến phao nhựa có tên hộ dân. Đặc biệt, để chung tay khắc phục khó khăn, chúng tôi đã đưa ra cơ chế trả chậm không lãi suất, người dân chỉ cần trả trước 50%, phần còn lại sẽ trả trong 2 năm".
Để hỗ trợ bà con ngư dân chịu ảnh hưởng do bão, tỉnh Quảng Ninh đã có những chính sách tín dụng, chính sách tín chấp, thế chấp bằng phương án sản xuất kinh doanh và hỗ trợ lãi suất gần như bằng 0 để các hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và tái sản xuất sớm.
Với sự góp sức của chính quyền và các doanh nghiệp, những hộ nuôi trồng thủy sản sẽ có thêm “điểm tựa” vững chắc để vượt khó khăn, sớm tái sản xuất và ổn định, hướng đến cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Thông tin về những định hướng của tỉnh Quảng Ninh trong việc tái thiết lại hoạt động nuôi trồng thủy sản, ông Phan Thanh Nghị cho biết: “Để tái sản xuất, chúng tôi tập trung vào 2 vấn đề chính. Thứ nhất là giao biển, đây là cơ sở pháp lý để bà con có thể thực hiện đầu tư trên khu vực biển được giao. Thứ 2 là về quy chuẩn nuôi biển, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất UBND tỉnh, hiện nay đang thực hiện các quy trình để sớm ban hành quy chuẩn để hướng dẫn bà con nuôi biển áp dụng vật liệu như thế nào, phương thức, kết cấu ra sao để đảm bảo quy trình nuôi từng loại để hiệu suất cao nhất”.