| Hotline: 0983.970.780

OCOP là giải pháp quan trọng để nâng cao đời sống khu vực nông thôn

Thứ Năm 10/11/2022 , 16:25 (GMT+7)

BẮC GIANG Ngày 10/11, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP”, những kinh nghiệm cũng như khó khăn, vướng mắc đã được chia sẻ thẳng thắn.

Hội thảo được các đại biểu đánh giá cao. Ảnh: Đinh Mười.

Hội thảo được các đại biểu đánh giá cao. Ảnh: Đinh Mười.

Hội thảo được đánh giá cao khi có sự tham dự của ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT một số tỉnh, TP thành công triển khai sản phẩm OCOP như: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội,… cùng một số cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, đại diện các sở, ngành, các tổ chức kinh tế, chủ thể tham gia chương trình OCOP của tỉnh Bắc Giang.

Tính đến nay, chương trình OCOP tại tỉnh Bắc Giang đã  triển khai được 4 năm, đã có 180 sản phẩm được công nhận, trong đó có 42 sản phẩm 4 sao, trở thành địa phương đứng thứ 12 toàn quốc và thứ 2 khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc.

Cũng như các địa phương khác, quá trình triển khai chương trình tại Bắc Giang gặp khá nhiều khó khăn như: Nguồn lực triển khai chủ yếu là lồng ghép, chủ thể chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.

Các mặt hàng của Bắc Giang chủ yếu ở dạng tươi sống, chưa có nhiều loại được đầu tư chế biến sâu nên khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa cao, đối tượng khách hàng còn hạn chế.

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ những điều tâm huyết tại hội thảo. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ những điều tâm huyết tại hội thảo. Ảnh: Đinh Mười.

Để khai thác những lợi thế này, Bắc Giang đã và đang triển khai các kế hoạch nhằm mở rộng, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung nhằm kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo nền tảng để nâng cao giá trị, thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Nguyễn Văn Vọng - Phó Chánh Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, để thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2018 -2020, trong những năm qua địa phương luôn xác định rõ quan điểm đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng theo hướng nội sinh, có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa người sản xuất, chế biến và tiêu thụ, do đó cần có nhận thức đúng đắn, cách làm, bước đi phù hợp.

Với hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trong giai đoạn vừa qua được xem là bước đột phá mới, là giải pháp có tính quyết định đến sự thành công của chương trình, trong nền kinh tế thị trường, mục đích của các nhà sản xuất là sản xuất ra hàng hóa để bán, để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, vì thế mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải gắn với thị trường.

“Kinh nghiệm để triển khai tốt nội dung này là cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã phải hướng dẫn tỉ mỉ các nội dung trong phiếu đăng ký tham gia OCOP, thậm chí phải hỗ trợ soạn giúp cho đơn vị sản xuất mẫu phiếu đăng ký”, ông Vọng cho hay.

Bà Lê Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH JOY Việt Nam chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp.  Ảnh: Đinh Mười.

Bà Lê Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH JOY Việt Nam chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp.  Ảnh: Đinh Mười.

Bà Lê Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH JOY Việt Nam cho biết, doanh nghiệp được thành lập năm 2018, đến nay đã có 9 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 4 mặt hàng 4 sao, còn lại 3 sao.

Để tiếp cận người tiêu dùng, những ngày đầu, Công ty phải mang mặt hàng mẫu đi chào từng cửa hàng, từng siêu thị nhỏ lẻ và tham gia vào hội nhóm thực phẩm an toàn, các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại để tiếp cận được với các đơn vị phân phối và có thể làm việc trực tiếp với đối tác thu mua. Đến nay, hàng hóa của đơn vị đã có mặt ở gần 500 siêu thị, cửa hàng và đại lý trên toàn quốc.

Tuy nhiên, do không có đủ nhân lực chất lượng, thiếu vốn nên việc tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều sản phẩm khi bán ở kênh địa phương, cho khách tới thăm quan mua về làm quà thì bán rất tốt nhưng khi đưa lên kệ các cửa hàng tiện lợi, siêu thị thì lại rất khó bán.

Nguyên nhân là do bao bì chưa đủ bắt mắt, định lượng, kích thước quá lớn, trong khi xu hướng tiêu dùng của người dân thành thị, nơi phổ biến của các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại lại là các mặt hàng nhỏ gọn, tiện ích, đa dạng.

“Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ về vốn, khoa học và công nghệ. Tăng cường tổ chức hoạt động kết nối trực tiếp với các đơn vị phân phối, giảm áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô nhỏ, đơn lẻ, qua đó giúp các chủ thể đưa hàng hóa đến nhiều đối tượng khách hàng hơn, hướng đến mục tiêu xuất khẩu”, bà Vân chia sẻ nguyện vọng.

Ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã đánh giá cao những chia sẻ và đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và đại biểu tại Hội thảo.

Ông Dương khẳng định, định hướng trong thời gian tới của Bắc Giang là lấy công nghiệp là động lực chủ yếu, dịch vụ là điều kiện thúc đẩy và nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và khu vực nông thôn.

Tỉnh Bắc Giang có nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: Đinh Mười.

Tỉnh Bắc Giang có nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: Đinh Mười.

Chính vì vậy, thời gian tới tỉnh Bắc Giang mong muốn các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tỉnh bạn tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ tỉnh Bắc Giang trong triển khai thực hiện, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó các tỉnh, thành như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn và TP. Hà Nội tiếp tục phối hợp cùng với tỉnh Bắc Giang trong trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện chương trình; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP giữa các tỉnh.

Có thể nói ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang nhiều năm qua phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Địa phương có vùng cây ăn quả trên 51 nghìn ha, trong đó vùng vải thiều tập trung 28 nghìn ha, vùng cây có múi gần 11 nghìn ha, vùng rau an toàn gần 12 nghìn ha, đàn lợn gần 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con, vùng sản xuất gỗ nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến 80 nghìn ha, sản lượng khai thác bình quân gần 1 triệu m3 gỗ/năm.

Bên cạnh đó, Bắc Giang có 27 làng nghề đã được công nhận, có 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và 45 thành phần dân tộc chung sống với nhiều nét văn hóa đặc trưng và nhiều tiềm năng về phát triển du lịch.

Bắc Giang cũng là nơi có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với hơn 2.200 di tích, trong đó có 746 di tích được xếp hạng, nhiều công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi tiếng. Đó là tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh trong việc lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.