| Hotline: 0983.970.780

Tào Tháo gốc Hàn Quốc?

Thứ Sáu 08/01/2010 , 10:38 (GMT+7)

Sau hơn nửa tháng tranh cãi quyết liệt về vị trí ngôi mộ Tào Tháo, mới đây đoàn khảo cổ của Cục Văn vật tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã phải tạm ngưng khai quật với lý do thời tiết.

Một bức tranh vẽ chân dung Tào Tháo

Sau hơn nửa tháng tranh cãi quyết liệt về vị trí ngôi mộ Tào Tháo, mới đây đoàn khảo cổ của Cục Văn vật tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã phải tạm ngưng khai quật với lý do thời tiết.  

>> Thực hư quanh chuyện phát hiện mộ Tào Tháo

Kiếm bộn tiền

Nhiệt độ ở khu vực huyện An Dương, tỉnh Hà Ham hiện nay xuống tới âm 9 độ C khiến nhiều người ví von “lạnh rụng hai tai”. Đoàn khảo cổ buộc phải ngưng khai quật chờ trời ấm dần lên.

Khu vực được coi là “mộ Tào Tháo” hiện được bảo vệ nghiêm ngặt với sự có mặt của cảnh sát khu vực. Bất kỳ ai không có giấy chứng nhận của Cục Văn vật tỉnh Hà Nam đều phải đứng ngoài, giới báo chí cũng không ngoại lệ.

Giới học thuật chưa ngớt khẩu chiến, người dân các nơi đoán già đoán non. Nhưng những người hớn hở nhất phải kể đến dân thôn Tây Cao Huyệt và cánh lái xe taxi. Một tài xế taxi cho biết: “Trước kia nếu đi từ huyện xuống thôn hết 35 NDT một chuyến taxi, thì nay lên giá 50 NDT. Có những thời điểm taxi khu vực hoạt động hết công suất cũng không chở hết khách!”.

Phong trào sáng tác thơ, viết tranh chữ ca ngợi Tào Tháo đang là “mốt” tại Tây Cao Huyệt. Người người, nhà nhà đều không bỏ lỡ cơ hội làm nhà thơ, nhà thư pháp. Thậm chí, một bác sỹ có phòng khám tư ở đây cũng tạm đóng cửa văn phòng để viết tranh chữ ca tụng Tào Tháo như một quân tử bị hậu thế hiểu lầm?!

Riêng chuyện bán tranh chữ, tính trung bình, mỗi chủ hàng có thể thu về 300 NDT mỗi ngày.

Hàng quán phục vụ ăn uống, đồ tạp hóa mọc lên ngày càng nhiều. Có người còn tính chuyện xây nhà nghỉ, đón lõng trước việc nơi này sẽ trở thành điểm du lịch mới của Trung Quốc. Trong số khách du lịch đang đổ về Tây Cao Huyệt ngày một nhiều, đã có thêm những người Hồng Kông và cả Hàn Quốc.

Hôm qua, một số phóng viên các báo địa phương lân cận sau khi tới khảo sát khu vực đã về viết nhật ký cá nhân trên mạng: “Thật khó tin bộ mặt thôn Tây Cao Hạ thay đổi nhanh đến vậy. Có lẽ chẳng một gói kích cầu nào của Chính phủ lợi hại hơn một ngôi mộ Tào Tháo chưa rõ thực hư”.

Theo một số chuyên gia khảo cổ, ngôi mộ này đã bị đánh cắp nhiều lần, sớm nhất là từ trước thời Thanh. Từ năm 2006 đến nay, đã có 38 người bị bắt vì liên quan đến khai quật mộ trái phép. Chính quyền địa phương đang treo giải 100 nghìn NDT cho bất kỳ ai cung cấp manh mối về các vụ trộm cắp cổ vật tại khu vực này. 

Thân tại Trung lòng tại Hàn? 

Hôm 6/1/2010, giới báo chí Trung Quốc lại lên cơn sốt với việc một học giả Hàn Quốc tuyên bố: “Tào Tháo vốn là người Hàn Quốc, tổ tiên họ Tào từ Hàn Quốc lưu lạc tới Trung Quốc, cho tới đời Tào Tháo vẫn không hề quên gốc gác của mình. Vì thế, Tào Tháo tuy thân tại Trung, nhưng lòng dạ tại Hàn. Sau khi chết, thi thể họ Tào đã được bí mật đưa về Hàn Quốc”!

Báo mạng Sina nổi tiếng Trung Quốc bình luận: “Nếu Tào Tháo dưới suối vàng biết được chuyện này, hẳn ông ta cực kỳ mãn nguyện. Qua rồi cái thời Tào Tháo bị khinh ghét như kẻ gian hùng, bất trung, giờ đây đến một nước láng giềng cũng muốn ông trở thành công dân danh dự”.

Sáu căn cứ được Cục Văn vật tỉnh Hà Nam đưa ra đang bị chỉ trích kịch liệt. Nhiều ý kiến cho rằng, Chung Lệnh (lệnh cuối cùng trước khi chết) của Tào Tháo cũng chỉ là một “hư chiêu” nhằm đánh lừa những kẻ thù ghét, hám tiền muốn khai quật mộ ông ta. Hơn nữa, truyền thuyết 72 ngôi mộ Tào Tháo chắc chắn không tự nhiên mà có. Trong quá khứ, có vài lần người ta tuyên bố đã đào được mộ Tào Tháo, nhưng rồi sự việc nhanh chóng rơi vào quên lãng bởi không đủ căn cứ.

Mặt khác, theo một vài tài liệu sử học thì mộ Tào Tháo được chôn ở Nghiệp Thành, tại một khu đất cao, với tiêu chí “bất phong bất thụ” (nghĩa là không phong tước vị cho khu đất, không trồng cây). Nhưng đối chiếu với bản đồ hành chính hiện nay của Trung Quốc, thì Nghiệp Thành bao gồm hai huyện giáp nhau giữa tỉnh Hà Nam và Hà Bắc. Khu vực này được biết tới là khu có nhiều ngôi mộ cổ thời Nam – Bắc Tống.

Theo Giáo sư Viên Tế Hỉ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu của Trường Đại học Nhân dân, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc về đời Ngụy Tấn, Nam Bắc triều thì chiếc gối đá được Tào Tháo sử dụng không phải được đào thấy trong mộ! Đó là vật được công an Hà Nam thu giữ sau khi phá vụ án đào trộm mộ cổ trong tỉnh.

Một căn cứ khác được nêu ra là so sánh DNA giữa xương của Tào Thực – con trai Tào Tháo với hài cốt được phát hiện ở thôn Tây Cao Huyệt. Tuy nhiên, Cục Văn vật tỉnh Hà Nam chưa đưa ra câu trả lời nào về chuyện này.

Do nhiệt độ xuống quá thấp, đoàn khảo cổ đang phải bảo quản khu vực khai quật, tạm ngưng công việc vì không thể mạo hiểm xuống dưới lòng đất gần 10m nghiên cứu. Cuộc khẩu chiến trên mạng vì thế cũng đang tạm lắng xuống.

Trên diễn đàn với chủ đề “Thực hư mộ Tào Tháo ở Tây Cao Huyệt”, lượng người truy cập lên tới hàng triệu. Khá đông trong số đó ngả theo ý kiến: “Lại thêm một con hổ Hoa Nam xuất hiện”. Nên biết rằng hổ Hoa Nam đã tuyệt chủng tại Trung Quốc, năm 2007, nông dân Chu Chính Long tại Thiểm Tây, Trung Quốc tuyên bố có ảnh chụp hổ Hoa Nam. Nhưng tám tháng sau, chính quyền Thiểm Tây công bố rằng đây là ảnh giả, ngụy tạo để lãnh thưởng.

Xem thêm
Tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tham mưu cấp ủy xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và các lĩnh vực tuyên giáo năm 2024, đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Thu hồi 139 mã vùng trồng và 192 mã nhà đóng gói vi phạm quy định

Năm 2024, các cơ quan chức năng đã cấp 1.194 mã số vùng trồng, 175 mã số nhà đóng gói nhưng cũng thu hồi nhiều mã vùng trồng, nhà đóng gói vi phạm quy định.

Dự kiến thông đèo nối Nha Trang - Đà Lạt vào chiều 17/12

Khánh Hòa Sau khi kích nổ phá khối đá khổng lồ chắn ngang đường do sạt lở, lực lượng chức năng nỗ lực thi công cả ngày lẫn đêm, dự kiến chiều 17/12 thông đèo Khánh Lê.