| Hotline: 0983.970.780

Tạo vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh [Bài 2]: Liên kết là 'chìa khóa' nuôi heo an toàn sinh học

Thứ Tư 28/06/2023 , 08:39 (GMT+7)

Là địa phương phát triển đàn heo nhanh nhất cả nước với tổng đàn 1,7 triệu con, chăn nuôi an toàn sinh học chính là 'chìa khóa' để Bình Phước tăng trưởng bền vững.

Quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt

Trong lúc giá bán thấp, giá thành sản xuất cao, dịch bệnh chưa kiềm chế, sau nhiều lần thử nghiệm các hình thức phát triển kinh tế gia đình nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, ông Nguyễn Văn Tuân ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản (Bình Phước) đã quyết định “bắt tay” với doanh nghiệp triển khai mô hình nuôi heo gia công khép kín, an toàn sinh học.

Những thành công bước đầu của mô hình chăn nuôi này đã mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho ông và các hộ chăn nuôi ở địa phương.

Trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Văn Tuân ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Văn Tuân ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản. Ảnh: Trần Trung.

Theo chân cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bình Phước đến thăm trang trại 1.400 con heo thương phẩm của ông Tuân, chúng tôi như lạc vào “ma trận” lưới ngăn ruồi, cùng hệ thống sát, khử khuẩn dày đặc.

Để vào được chuồng heo, chúng tôi phải thực hiện đúng, đủ 4 quy trình từ tắm, sát khuẩn người và dụng cụ tác nghiệp, băng qua hệ thống tia hồng ngoại, bước qua hành lang hơn 100 mét ngập nước vôi trong.

Tuy hơi vất vả nhưng nhìn thấy người chăn nuôi ý thức cao về việc phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, chúng tôi thấy khá thoải mái.

Bên trong trang trại là hệ thống chuồng lạnh khép kín được chia làm 3 khu vực gồm: khu xử lý thức ăn, khu nuôi heo và khu liên hợp hầm biogas xử lý phân, nước thải.

Đây là trang trại hiện đại với đầy đủ các trang thiết bị như hệ thống làm mát bằng nước, quạt hút gió, máng ăn, uống nước tự động, hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ bên trong...

Mô hình chuồng trại lạnh khép kín, nhiệt độ luôn ở mức ổn định, đàn heo ít bị mệt do ảnh hưởng nắng nóng, giúp heo vận động tốt, ăn khỏe và tăng trưởng ổn định, ít tốn công chăm sóc và heo sạch nên được bao tiêu với giá cao hơn thị trường.

Quy trình chăn nuôi heo trại lạnh, công nghiệp, tự động hóa. Ảnh: Lê Bình.

Quy trình chăn nuôi heo trại lạnh, công nghiệp, tự động hóa. Ảnh: Lê Bình.

Vừa bật hệ thống làm mát cho heo, ông Tuân chia sẻ, nếu muốn phát triển chăn nuôi bền vững, bên cạnh đầu tư trang trại theo hướng trại lạnh, công nghiệp, người chăn nuôi cần phải liên kết với doanh nghiệp. Từ khi gia đình liên kết cùng Công ty TNHH CJ Vina Agri đã có đầu ra đảm bảo, dịch bệnh được kiểm soát, không xảy ra rủi ro trong chăn nuôi.

“So với xu thế bây giờ mình nên hợp tác với các công ty bởi vì người ta có khoa học kỹ thuật, sẽ trao đổi cho mình những kiến thức, đồng thời bảo vệ đầu vào và đầu ra cho mình. Nếu mình chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ phụ thuộc vào thị trường mà thị trường giờ bấp bênh, dễ bị ép giá hoặc nhiều vấn đề khác”, ông Tuân nói.

Theo ông Tuân, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngoài hỗ trợ từ công ty, ông còn chủ động xây dựng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như hệ thống tia hồng ngoại chiếu xạ thức ăn, hệ thống sưởi, hệ thống cho ăn tự động hóa…, qua đó giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Thức ăn được chiếu xạ tia hồng ngoại, giảm nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài. Ảnh: Trần Trung.

Thức ăn được chiếu xạ tia hồng ngoại, giảm nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài. Ảnh: Trần Trung.

“Ngoài những yêu cầu, quy định của công ty như: có nhà sát trùng, nhà tắm giặt, nhà vệ sinh khử khuẩn, mình cũng phải tích cực chủ động làm lưới phòng ruồi, xịt sát khuẩn hằng ngày, xịt bằng nước vôi trong, xịt bằng thuốc công ty cung cấp ngày 2 lần. So với thu nhập của người nông dân, mỗi năm lãi 500 - 700 triệu như tôi thì đó cũng là thành công quá rồi”, ông Tuân phấn khởi nói.

Ông Hồ Quang Thanh - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục Chăn nuôi -Thú y Bình Phước cho biết, thực tế hiện nay, nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, tự phát gặp khó khăn về vốn, thiếu kiến thức chăn nuôi và chịu nhiều rủi ro từ giá cả thị trường, thời tiết, đặc biệt là dịch bệnh, thì khi liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi theo đúng kỹ thuật tiên tiến, người nông dân vẫn “trụ vững”.

“Trước đây trại này là trại hở sau đó trại đã nâng cấp, cải tiến thành trại kín, trại lạnh áp dụng các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt hơn, trại này cũng thực hiện rất tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Trên địa bàn qua theo dõi đánh giá, trại không xảy ra dịch bệnh, năng suất rất cao, trại này cũng đã đáp ứng điều kiện cấp giấy về đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm”, ông Hồ Quang Thanh đánh giá.

Tăng trưởng xanh, bền vững

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, thời gian qua tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh. Tổng đàn lợn khoảng 1,7 triệu con, trong đó chủ yếu chăn nuôi tập trung với 390 trang trại, trong đó, 256 trại lạnh khép kín.

Toàn tỉnh có 123 cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh với dịch tả cổ điển và 77 cơ sở an toàn dịch bệnh với dịch tả châu Phi.

Các nông hộ chủ động các giải pháp an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Các nông hộ chủ động các giải pháp an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Để ngành chăn nuôi tăng trưởng xanh, bền vững, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Bình Phước đạt 2,7 triệu con.

Về xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đến năm 2025 xây dựng ít nhất 7 vùng cấp huyện, đến năm 2030 ít nhất 10 vùng cấp huyện. Hoàn thiện ít nhất 2 nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm và đưa sản phẩm chế biến xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Tầm nhìn đến năm 2045, trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh thuộc nhóm tiên tiến của các tỉnh khu vực Nam bộ và cả nước.

Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây nhiễm sang người. Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 xây dựng ít nhất 7 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện, năm 2030 ít nhất 10 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện. Ảnh: Lê Bình.

Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 xây dựng ít nhất 7 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện, năm 2030 ít nhất 10 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện. Ảnh: Lê Bình.

100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.

Bình Phước trở thành trung tâm chăn nuôi và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tiên tiến và hiện đại của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Thụy Luân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, kế hoạch này nhằm mục đích phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững gắn với phát triển các chuỗi giá trị.

Nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

“Bình Phước đặt mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển”, ông Nguyễn Thụy Luân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất