| Hotline: 0983.970.780

Tấp nập lên đồi trồng tre Bát Độ

Thứ Ba 27/02/2024 , 07:00 (GMT+7)

YÊN BÁI Sau Tết Nguyên đán, người dân trong vùng trọng điểm trồng tre Bát Độ của tỉnh Yên Bái tích cực lên đồi trồng tre, mở rộng diện tích.

Tre Bát Độ được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Tre Bát Độ được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Thời tiết ở Yên Bái những ngày đầu năm mới thường có mưa xuân kéo dài làm cho đất đai trên các triền đồi ẩm ướt, đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại cây trồng có thể bén rễ, phát triển tốt. Tận dụng lợi thế này, hàng trăm hộ dân ở các xã trong vùng quy hoạch trồng tre Bát Độ ở huyện Trấn Yên đã khẩn trương lên đồi đào hố trồng tre.

Chuyển đổi đất trồng keo, vườn tạp sang trồng tre

Năm trước, gần 1,5ha đất đồi rừng của gia đình ông Nguyễn Văn Tài ở thôn Bản Bến, xã Việt Hồng (huyện Trấn Yên) trồng cây keo có chu kỳ khai thác dài, hiệu quả kinh tế thấp. Được chính quyền xã và cán bộ khuyến nông vận động, cuối năm 2023, ông Tài đã khai thác trắng đồi keo để chuyển đổi sang trồng tre Bát Độ.

Khi trồng mới, gia đình ông được nhà nước hỗ trợ củ giống, cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Sau dịp nghỉ Tết, gia đình ông Tài cùng các hộ dân trong thôn tích cực lên đồi đào hố trồng tre, đảm bảo trong khung lịch thời vụ tốt nhất. Nếu trồng muộn, gốc tre chưa kịp bén rễ, khi gặp thời tiết nắng nóng sẽ chết hoặc chậm phát triển.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân xã Việt Hồng kỹ thuật trồng tre Bát Độ. Ảnh: Thanh Tiến.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân xã Việt Hồng kỹ thuật trồng tre Bát Độ. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ, trước đây trồng cây keo phải từ 7 năm trở đi mới được thu hoạch, mỗi ha thu được gần 100 triệu đồng, chia trung bình chỉ đạt hơn 10 triệu đồng/năm. Sau khi tham quan học tập chương trình trồng tre Bát Độ ở các xã Kiên Thành, Hồng Ca (huyện Trấn Yên), ông thấy đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, chỉ từ năm thứ 2 trở đi đã có thu hoạch. Năm nay, ông bán trắng đồi keo cho xưởng ván bóc, sau đó dọn đồi và đăng ký trồng tre.

Cũng giống như gia đình ông Tài, từ sáng sớm, những hạt mưa xuân lất phất bay, các thành viên trong gia đình ông Lương Hồng Tiến ở thôn Bản Phạ, xã Việt Hồng đã tất bật vận chuyển củ tre lên đồi trồng vụ mới. Từ trước Tết, hơn 1ha vườn tạp chủ yếu trồng cây cọ đã được ông Tiến chặt hạ và dọn sạch thực bì. Sau khi củ giống được Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển nông nghiệp huyện chở về tận nơi cấp cho bà con, gia đình ông và các hộ dân trong xã khẩn trương đào hố để trồng, đảm bảo tỷ lệ sống cao.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên tham gia trồng tre cùng người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên tham gia trồng tre cùng người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo ông Tiến, cây tre Bát Độ đã trồng ở một số xã trong huyện từ lâu, tuy nhiên khoảng 3 năm gần đây cây trồng này mới được phát triển tại xã Việt Hồng. Một số diện tích người dân đã trồng những năm trước phát triển tốt, đã bắt đầu cho thu măng bói từ năm thứ 2. Gia đình ông Tiến có hơn 3ha đồi rừng và vườn tạp, năm nay đã chuyển đổi hơn 1ha, dự định năm tới sẽ đăng ký chuyển đổi hết diện tích đồi keo, bồ đề sang trồng tre Bát Độ.

Khuyến nông lên đồi hướng dẫn kỹ thuật cho người dân

Ông Triệu Khánh Thiện – Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết, địa phương là xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn, có điều kiện thuận lợi để trồng tre măng Bát Độ. Năm 2024, xã phấn đấu trồng mới hơn 30ha tre Bát Độ, nâng tổng diện tích lên hơn 60ha. Để hoàn thành mục tiêu này, xã phối hợp với cán bộ khuyến nông vận động bà con rà soát diện tích đất trống sau chu kỳ khai thác, chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng tre.

Các hộ dân trồng mới được cán bộ khuyến nông lên tận đồi hướng dẫn cách đào hố, đặt củ giống, bỏ phân, rắc thuốc chống kiến, mối để cây tre nảy mầm đạt tỷ lệ cao. Hiện nay, tranh thủ thời tiết mưa xuân, chính quền xã vận động các hộ dân đổi công, hỗ trợ nhau trồng hoàn thành diện tích đã chuẩn bị đất trong thời gian sớm nhất.

Việc lựa chọn nguồn cây giống đảm bảo chất lượng được các ngành chức năng của tỉnh Yên Bái chú trọng trước khi cấp cho người dân trồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc lựa chọn nguồn cây giống đảm bảo chất lượng được các ngành chức năng của tỉnh Yên Bái chú trọng trước khi cấp cho người dân trồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ những giá trị kinh tế cây tre măng Bát Độ mang lại cho người dân, những năm gần đây, việc vận động bà con mở rộng diện tích vùng nguyên liệu rất thuận lợi, mỗi năm toàn huyện Trấn Yên trồng mới từ 250 – 300ha. Trong năm 2024, toàn huyện phấn đấu trồng mới trên 300ha tre Bát Độ, nâng tổng diện tích lên hơn 4.500ha.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên, qua rà soát, diện tích đăng ký trồng mới ở các địa phương trong huyện đã trên 300ha, vượt kế hoạch đề ra. Diện tích trồng mới tập trung ở các xã có nhiều đồi rừng và khu vực có nhiều diện tích đất vườn tạp, cây nguyên liệu giấy kém hiệu quả như Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Khánh, Việt Hồng, Quy Mông và Hưng Thịnh.

Ông Nguyễn Đức Mầu – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các xã chuẩn bị đầy đủ đất, củ giống, vật tư, nhân lực để tổ chức thực hiện ra quân trồng tre Bát Độ. Chú trọng việc kiểm tra, quản lý chất lượng củ giống, cây giống đủ tiêu chuẩn chất lượng, tranh thủ thời tiết thuận lợi để trồng tre đảm bảo tỷ lệ cây sống cao.

Những diện tích tre Bát Độ trồng năm 2023 đến nay đã cho thu hoạch măng bói. Ảnh: Thanh Tiến.

Những diện tích tre Bát Độ trồng năm 2023 đến nay đã cho thu hoạch măng bói. Ảnh: Thanh Tiến.

Những năm tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích, trồng mới và trồng thay thế 500ha, phấn đấu đến năm 2025 tạo thành vùng chuyên canh tre măng Bát độ gần 5.000ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 40.000 tấn măng thương phẩm. Tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến sâu để xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Toàn tỉnh trồng mới từ 350 – 400ha tre Bát Độ

Không chỉ riêng ở Trấn Yên, hiện nay, diện tích tre Bát Độ đang ngày càng được mở rộng ở một số địa phương có tiềm năng và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Hiện toàn tỉnh Yên Bái đã có gần 5.900ha tre Bát Độ, trong đó huyện Trấn Yên hơn 4.200ha, Lục Yên hơn 750ha, Văn Yên hơn 600ha, Yên Bình gần 250ha, Văn Chấn 55ha.

Diện tích tre Bát Độ đang cho thu hoạch măng ổn định khoảng 4.000ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha/năm. Hiện trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp lớn thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát Độ cho người dân là Công ty cổ phần Yên Thành, Công ty Yamazaki và Công ty TNHH Vạn Đạt. Hiện nay, các công ty đã thực hiện liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, nhiều tư thương tại các tỉnh lân cận đã đến thu mua măng củ, măng luộc, măng tươi và sơ chế măng khô.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn tham gia lễ phát động trồng tre Bát Độ trong Tết trồng cây tại huyện Trấn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn tham gia lễ phát động trồng tre Bát Độ trong Tết trồng cây tại huyện Trấn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm măng tre Bát Độ được tiêu thụ tốt tại thị trường Yên Bái nói riêng và trên cả nước nói chung. Đặc biệt, thị trường của sản phẩm măng tre hiện rất bền vững và rộng mở ở các nước phát triển như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước châu Âu… Măng Bát Độ được ưa chuộng bởi có trọng lượng lớn, ăn giòn, thơm ngọt, dễ chế biến, đặc biệt đây là sản phẩm sạch, sản xuất theo phương thức hữu cơ.

Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, cây tre Bát Độ được xác định là một trong những cây trồng chủ lực, mục tiêu đến năm 2025 diện tích sản xuất hàng hóa đạt quy mô trên 6.000ha, sản lượng măng thương phẩm hàng năm đạt trên 50.000 tấn.

Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết, với hiệu quả kinh tế ổn định và những giá trị về môi trường sinh thái như tăng độ che phủ rừng, chống xói mòn, phòng chống thiên tai, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục định hướng quy hoạch phát triển cây tre măng Bát Độ. Trong năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới từ 350 - 400ha tre măng Bát Độ.

Xem thêm
Loại mật ong xứng đáng 9 điểm: [Bài 1] Sáng kiến thay chúa kế vương

HẢI PHÒNG Một lần dự hội nghị ở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Hà Nội tôi được nếm thử thứ mật ong xứng đáng được chấm cho 9 điểm.

Xử lý nghiêm buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam

TÂY NINH Trước tình hình buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh, Tây Ninh đặt ra nhiều giải pháp ngăn chặn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.