Một trong những tàu 67 vỏ thép được đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ khai thác xa bờ dài ngày |
Hiện nay, TP Hải Phòng có trên 7.000 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 2.852 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần thủy sản. Ngư trường vùng biển Hải Phòng thường xuyên có hàng nghìn tàu thuyền các loại của nhiều tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đến hoạt động, khai thác đánh bắt, dịch vụ thủy sản.
Ông Lê Khả Tạo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Hải Phòng cho biết, những năm qua thành phố rất quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng hậu cần nghề cá. Và không thể không kể đến Nghị định 67, một chính sách đã góp phần không nhỏ giúp thay đổi diện mạo của ngành thủy sản Hải Phòng.
Số lượng tàu thuyền của thành phố tăng dần qua từng năm song song với quy mô công suất được nâng cấp vượt bậc. Cùng đó, hệ thống tàu khai thác ngày càng được hiện đại hóa hơn, dịch vụ thủy sản vùng biển xa bờ phát triển mạnh mẽ.
Theo ông Tạo, Hải Phòng thực hiện đạt hiệu quả cao chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá theo Nghị định 67 với việc triển khai đóng mới 34 tàu (16 tàu vỏ thép, 18 vỏ gỗ) đã đi vào hoạt động, trong tổng số chỉ tiêu được phân bổ 54 tàu. Thành phố đang triển khai đóng mới, hoàn thiện 14 tàu (8 vỏ thép và 6 vỏ gỗ) tại các cơ sở đóng tàu có nhiều kinh nghiệm của địa phương và được giám sát chặt chẽ của ngư dân cũng như các cơ quan chức năng.
Ngư dân Nguyễn Văn Thuấn, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy chia sẻ: Sau khi được bàn giao tàu vào cuối năm 2016, tàu cá vỏ thép mang số hiệu HP- 90789TS của tôi ra khơi đều đặn và mang lại lợi nhuận lớn. Tàu hiện đại vừa giúp chúng tôi yên tâm ra khơi, vừa tăng thu nhập rõ rệt.
Theo như kinh nghiệm cùng khai thác ở ngư trường vịnh Bắc bộ, những tàu vỏ gỗ với công suất trên dưới 100CV như trước đây mỗi chuyến ra khơi chỉ mang lại lợi nhuận dưới vài chục triệu đồng. Nay với tàu mới, ngư dân dễ dàng mang về từ 300 đến 400 triệu đồng một chuyến. "Tàu của chúng tôi được Cty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thành Long hoàn thành đóng mới sau gần 9 tháng thi công, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, mỹ thuật, công suất máy chính 811 CV", ông Thuấn cho biết.
“Nghị định 67 là một cú hích đối với ngành thủy sản Hải Phòng. Những chiếc tàu gỗ, tàu thép được đóng mới theo Nghị định đã làm động lực cho những ngư dân khác. Từ những tấm gương tàu 67 đã giúp nhiều hộ dân mạnh dạn vay vốn làm tàu cho riêng mình”, ông Lê Khả Tạo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng.
Xây dựng hạ tầng phục vụ tàu 67 Cơ sở hạ tầng nghề cá đang là vấn đề đau đầu đối với ngành thủy sản Hải Phòng. Cảng cá và khu neo đậu tránh bão, luồng ra vào cảng cá và bến cá… xây dựng nhiều năm trước đây nay đã xuống cấp không đáp ứng được yêu cầu cho các tàu 67 công suất lớn ra vào. Trước tình hình đó, ông Lê Khả Tạo, khẳng định: Hải Phòng sẽ tập trung triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản, bao gồm: cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo cho các tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần có công suất từ 400 CV trở lên có thể neo đậu. Cùng đó, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách bảo hiểm đối với tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên. |