Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden rốt cuộc đã không đưa vào “danh sách đen” đối với các mặt hàng nông nghiệp của Nga, bao gồm cả phân bón liên quan đến cuộc xung đột Nga- Ukraine. Trong khi đó, nhiều ngân hàng và thương nhân phương Tây hiện vẫn giữ nguyên quan điểm “né nguồn cung của Nga” vì lo sợ sẽ phạm phải các quy tắc “tiền hậu bất nhất” liên quan đến chính sách trừng phạt kinh tế Nga.
Các nguồn tin và dữ liệu của hãng Refinitiv Eikon cho biết, một chiếc tàu chở dầu mang cờ Liberia, nhãn hiệu Johnny Ranger dự kiến sẽ đến cảng New Orleans vào thứ Hai tới, chở theo khoảng 39.000 tấn dung dịch phân urê amoni nitrat, một loại phân bón được sản xuất bằng cách kết hợp urê, axit nitric và amoniac.
Nhiều người chứng kiến cho biết, chính con tàu này đã chất hàng vào tháng trước tại một cảng biển ở thành phố St.Petersburg của Nga. Tuy nhiên các thông tin chi tiết về người bán và người mua lô hàng phân bón này vẫn chưa được công bố. Trong khi đó, giới chức tài chính và cơ quan hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ từ chối đưa ra bình luận.
Trả lời hãng tin Reuters, gười phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington chưa bao giờ trừng phạt thực phẩm hoặc hàng hóa nông nghiệp từ Nga. "Không giống như chính phủ Nga, chúng tôi không quan tâm đến việc vũ khí hóa lương thực để tạo ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo với cái giá phải trả là những người dân dễ bị tổn thương", vị này nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Mỹ cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt phi lương thực của Mỹ sẽ được duy trì cho đến khi Tổng thống Nga Vladimir Putin dừng cuộc chiến ở Ukraine.
Số liệu thống kê của Bộ Thương mại cho biết năm 2021, Mỹ nhập khẩu 262,6 triệu USD lượng phân urê amoni nitrat từ Nga.
Trong tuần này, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cũng đã thu hồi thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với phân urê amoni nitrat từ Nga, nhằm giảm bớt tình trạng khủng hoảng thiếu phân bón và tăng giá.
Lâu nay Nga và Ukraine vẫn là những quốc gia xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới, loại vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp được ví như “chìa khóa” để giữ cho năng suất ngô, đậu nành, gạo và lúa mì ở mức cao. Tuy nhiên trong nhiều tháng qua, nông dân thế giới đã bắt buộc phải cắt giảm tối đa việc sử dụng phân bón do giá đắt đỏ, và thậm chí bỏ hoang hóa nhiều diện tích đất mà họ định canh tác.
Hiện Washington vẫn duy trì chính sách trừng phạt dầu thô, các sản phẩm tinh chế, than đá và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga, đồng thời đưa ra thời hạn cuối cùng để hạn chế nhập khẩu.
Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban châu Âu cuối tuần này đã đưa ra đề xuất tạm dừng các quy định luân canh cây trồng trên lãnh thổ, nhằm tăng sản lượng ngũ cốc và hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu do ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine.
Giám đốc điều hành Liên minh châu Âu cho biết trong một tuyên bố rằng, kế hoạch vừa được loan đi là thể theo yêu cầu từ các quốc gia thành viên của khối, đồng thời cho biết việc xóa sổ ngắn hạn sẽ đưa khoảng 1,5 triệu ha đất canh tác trở lại sản xuất so với hiện nay.
"Hệ thống lương thực toàn cầu đang phải đối mặt với những rủi ro chưa từng thấy cùng những bất ổn đáng lo ngại xuất phát từ cuộc khủng hoảng Ukraine, nơi mà trong tương lai gần, các vấn đề về an ninh lương thực có thể phát sinh. Do vậy mỗi tấn ngũ cốc được sản xuất tại EU sẽ giúp tăng cường an ninh lương thực trên toàn thế giới", vị này cho hay