| Hotline: 0983.970.780

Ký thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen

Thứ Sáu 22/07/2022 , 08:35 (GMT+7)

Cuộc khủng hoảng ngũ cốc ở Ukraine dự kiến hôm nay sẽ được “tháo nút cổ chai”, trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sau nhiều tháng ròng bế tắc.

Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa chính thức ra thông báo, Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres hôm nay (22/7) sẽ đặt bút ký vao một bản thỏa thuận để nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen của Ukraine.

Theo Reuters, cả Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất lúa mì lớn hàng đầu thế giới, tuy nhiên cuộc xung đột Nga- Ukraine nổ ra vào ngày 24/2 đã khiến giá ngũ cốc tăng vọt và gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế.

Chiến tranh cũng đã khiến hoạt động xuất khẩu của Kyiv bị đình trệ, khi hàng loạt tàu chở hàng hóa, nông sản bị mắc kẹt và ước tính có khoảng trên 20 triệu tấn ngũ cốc (lúa mì và ngô) của Ukraine không thể xuất cảng, ùn ứ trong các silo, hầm chứa tại cảng Odesa.

Với vai trò là quốc gia trung gian hòa giải, Ankara cho biết các bên đã đạt được một thỏa thuận chung về một kế hoạch do Liên Hợp quốc khởi thảo trong các cuộc đàm phán tại thủ đô Istanbul vào tuần trước và hiện nó đang được các bên ký kết.

“Hiện các thông tin chi tiết của thỏa thuận này chưa được tiết lộ, và dự kiến thỏa thuận quan trọng này sẽ được ký kết trong ngày 22/7 tại Cung điện Dolmabahce lúc 13h30 (giờ GMT)”, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Tuy nhiên, hiện phía Moscow vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào xung quanh vấn đề này. Trong khi đó chính quyền Kyiv cũng không xác nhận có một thỏa thuận đã được thiết lập.

Trước đó, vào cuối ngày thứ Năm Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, một vòng đàm phán khác do Liên Hợp quốc chủ trì nhằm tháo nút cổ chai ùn ứ ngũ cốc của Ukraine sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày thứ Sáu.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hồi tuần trước cũng cho biết, thỏa thuận sẽ được ký kết bao gồm việc kiểm soát chung để kiểm tra các chuyến hàng xuất khẩu tại các bến cảng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ thành lập một trung tâm điều phối với Ukraine, Nga và Liên Hợp quốc để hoạt động xuất khẩu ngũ cốc được diễn ra suôn sẻ.

Trước đó, cuộc hội đàm vào ngày 13/7, các nhà ngoại giao đã thông tin chi tiết về một bản kế hoạch bao gồm việc hướng dẫn các tàu bè của Ukraine chở ngũ cốc ra vào vùng nước cảng đã khai thác; Nga đồng ý đình chiến trong thời gian các tàu chở hàng hoạt động; và Thổ Nhĩ Kỳ - được Liên Hợp quốc hỗ trợ - giám sát, kiểm tra các chuyến tàu này nhằm làm nguôi ngoai và hạ nhiệt những lo ngại của Nga về việc lợi dụng hoạt động này để... vận chuyển lậu vũ khí.

Trong diễn biến liên quan, giới chức Mỹ đã lập tức hoan nghênh thỏa thuận và cho biết họ đang tập trung vào việc gây sức ép buộc Nga phải có trách nhiệm về việc thực hiện nó.

Liên Hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp suốt hai tháng qua để tìm ra cái mà ông Antonio Guterres gọi là thỏa thuận "trọn gói" - để nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen của Ukraine và dọn đường cho các chuyến hàng ngũ cốc cũng như phân bón của Nga ra thị trường quốc tế.

Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Ukraine, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ukraine Taras Vysotskiy cho biết, hiện phần lớn cơ sở hạ tầng của các cảng biển ở Odesa vẫn bị bế tắc, vì vậy sẽ ít nhất phải mất vài tuần trong trường hợp khu vực này nhận được một sự “đảm bảo an ninh thích hợp".

Trong khi đó, nhà lập pháp Ukraine Rustem Umerov cho biết thỏa thuận sẽ tạo thuận lợi về việc xuất khẩu nông sản tiến hành thông qua 3 cảng gồm Odessa, Pivdennyi và Chornomorsk. Nhưng trong tương lai, hy vọng sẽ có thể mở rộng hơn nữa.

Từ khi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu thêm trầm trọng, Moscow vẫn liên tục phủ nhận trách nhiệm về việc “vũ khí hóa lương thực”, thay vào đó họ đổ lỗi cho tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga gây đình trệ xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga và Ukraine trong việc khai thác các cảng ở Biển Đen.

Một ngày sau cuộc đàm phán ở Istanbul vào tuần trước, Mỹ rốt cuộc cũng “hạ hỏa” và tạo điều kiện hơn cho việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga bằng cách trấn an các ngân hàng, công ty vận chuyển và bảo hiểm rằng các giao dịch như vậy sẽ không vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Moscow về cuộc tấn công Ukraine.

(Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.