| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh phát triển đàn bò thịt chất lượng cao: [Bài 3] Chăn nuôi tập trung hiện đại, khép kín

Thứ Năm 04/07/2024 , 09:08 (GMT+7)

Tây Ninh có quy mô đàn bò thịt khá lớn nhưng chủ yếu nhỏ lẻ, do đó, chăn nuôi tập trung quy mô lớn tuần hoàn khép kín là mục tiêu tỉnh này đặt ra.

Tây Ninh đặc biệt quan tâm tới phát triển đàn bò thịt theo quy mô trang trại, áp dụng công nghệ cao tuần hoàn khép kín. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh đặc biệt quan tâm tới phát triển đàn bò thịt theo quy mô trang trại, áp dụng công nghệ cao tuần hoàn khép kín. Ảnh: Trần Trung.

Những trang trại ưu việt

Những năm gần đây, thu nhập của người dân tăng cao và mức sống được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng các loại thịt có giá trị dinh dưỡng cao, trong đó thịt bò chiếm thị phần không nhỏ.

Với điều kiện tự nhiên ưu đãi về đất, nước và khí hậu, Tây Ninh có đàn bò tương đối lớn với tổng đàn gần 100.000 con. Tỉnh này cũng đang đặc biệt quan tâm tới phát triển đàn bò thịt theo quy mô trang trại, áp dụng công nghệ cao tuần hoàn khép kín. Từ đó, nhiều trang trại bò thịt tầm cỡ lần lượt ra đời, hiệu quả kinh tế cao.

Trang trại chăn nuôi bò thịt tuần hoàn khép kín của bà Võ Thị Lấn ở xã Cầu Khởi huyện Dương Minh Châu là một trong những trang trại bò thịt quy mô lớn, được đầu tư bài bản, hiện đại bậc nhất Tây Ninh. Chúng tôi tới trại bò đúng lúc đội ngũ nhân công bắt đầu cho đàn bò cả ngàn con vào bữa ăn sáng.

Những chú bò 3B, Brahman… lừng lững với những bắp thịt, ụ mông vạm vỡ đang mải mê thưởng thức các món ăn được chế biến từ những phụ phẩm nông nghiệp gồm cỏ tươi được xây nhuyễn kết hợp bã bia, bã đậu nành…

Trang trại chăn nuôi bò thịt tuần hoàn khép kín của bà Võ Thị Lấn. Ảnh: Lê Bình.

Trang trại chăn nuôi bò thịt tuần hoàn khép kín của bà Võ Thị Lấn. Ảnh: Lê Bình.

Đứng cạnh những con bò giống lực lưỡng, bà Võ Thị Lấn cho biết, bản thân vốn thành công với sản xuất, chế biến kinh doanh trà túi lọc mang thương hiệu Tâm Lan. Thế nhưng, xuất phát từ việc muốn có nguồn phân bón sạch, đảm bảo phục vụ cho vùng nguyên liệu canh tác 50 ha trà, hơn 10 năm trước, bà bắt tay vào nuôi bò nhằm tận dụng nguồn phân nuôi trùng quế để bón cho vườn cây.

“Trang trại được vận hành theo nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn, với triết lý tận thu mọi thứ, từ giọt nước tiểu cho đến phân, chất thải, phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác.

Từ 20 bò giống ban đầu, đến nay chúng tôi đã có đàn bò lên đến hơn 800 con, mỗi tháng chỉ tính riêng tiền phân bón tôi tiết kiệm cả tỷ đồng”, bà Lấn nói.

Từ nguồn phân bò, Bà Lấn nuôi trùng quế làm phân bón hữu cơ chất lượng cao. Ảnh: Trần Trung.

Từ nguồn phân bò, Bà Lấn nuôi trùng quế làm phân bón hữu cơ chất lượng cao. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự tại thị xã Trảng Bảng, trang trại bò thịt của anh Phạm Văn Bình ở phường Hưng Lộc cũng được xem là trang trại tầm cỡ tại địa phương. Có thời điểm quy mô trang trại lên đến hàng trăm con.

Anh Bình cho biết, trước đây gia đình anh nuôi bò theo kiểu truyền thống, thả rông nên tốn nhiều nhân công, giá bò những năm gần đây xuống thấp khiến chăn nuôi ngày càng khó khăn. Từ đó anh quyết định đầu tư trang trại, chăn nuôi tập trung, ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất, giảm chi phí nâng cao thu nhập.

Nuôi bò nhốt chuồng không tốn công đi chăn, bò lại nhanh lớn nên rất phù hợp với mục đích lấy thịt. Ảnh: Lê Bình.

Nuôi bò nhốt chuồng không tốn công đi chăn, bò lại nhanh lớn nên rất phù hợp với mục đích lấy thịt. Ảnh: Lê Bình.

“Nuôi bò thịt nhốt chuồng không tốn công đi chăn, bò lại nhanh lớn nên rất phù hợp với mục đích lấy thịt. Tuy nhiên, 100% nguồn thức ăn cho bò là do người nuôi cung cấp, nên khi nuôi cần phải tính toán số lượng bò phù hợp với diện tích trồng cỏ để bảo đảm đủ thức ăn.

Bên cạnh đó, nuôi bò thịt nhốt chuồng cần tuân thủ thời gian cho ăn, chế độ ăn với khẩu phần phù hợp. Có thể nói, chăn nuôi tập trung được xem là giải pháp tối ưu đem lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi”, anh Bình chia sẻ.

Công tác triển khai tiêm phòng được Tây Ninh đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trần Trung.

Công tác triển khai tiêm phòng được Tây Ninh đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trần Trung.

Trợ lực người chăn nuôi

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, địa phương có những vùng chuyên canh trồng bắp, trồng mì rộng lớn nên dồi dào nguồn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi bò thịt. Thị trường tiêu thụ của thịt bò lại khá ổn định, tình hình dịch bệnh cũng không phức tạp như các vật nuôi khác.

Tuy nhiên, sự phát triển đàn bò của địa phương vẫn còn một số hạn chế do người chăn nuôi thiếu kiến thức về chăn nuôi bò thịt cao sản, năng suất, chất lượng bò thịt thấp. Hơn nữa, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, người nuôi chưa chủ động được con giống, một số loại dịch bệnh nguy hiểm còn xảy ra như lở mồm long móng, viêm da nổi cục.

Ngoài ra, trước tốc độ đô thị hoá, đồng cỏ chăn thả tự nhiên bị thu hẹp dần, bà con chưa tận dụng được hết phụ phẩm nông và công nghiệp khiến giá thành chăn nuôi cao.

Những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương, Tây Ninh đã và đang chủ động xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch chăn nuôi quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa.

Chính sách thụ tinh nhân tạo bò giống ngoại là một trong những chính sách đi vào cuộc sống. Ảnh: Lê Bình.

Chính sách thụ tinh nhân tạo bò giống ngoại là một trong những chính sách đi vào cuộc sống. Ảnh: Lê Bình.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã ban hành 6 Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, trong đó nhiều chính sách đã thật sự đi vào cuộc sống, không ít tổ chức, cá nhân được tiếp cận như: Chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022-2025.

Đến cuối năm 2023, ngành nông nghiệp đã tiếp nhận 34 hồ sơ đăng ký áp dụng và hỗ trợ quy trình VietGAHP, trong đó có 8 hồ sơ lĩnh vực chăn nuôi với diện tích 6 ha, đã ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí cho 7 hồ sơ lĩnh vực chăn nuôi heo, bò với số tiền 224 triệu đồng.

Bên cạnh trợ lực của nhà nước, người nông dân mạnh dạn bỏ vốn lớn đầu tư chăn nuôi tập trung, chuồng trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Hiện mô hình chăn nuôi đang phát triển mạnh tại các huyện thị như thị xã Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Bến Cầu....

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết thêm: Các chính sách góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp và hợp tác xã có thêm nguồn vốn đầu tư vào quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động, thúc đẩy nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng của tỉnh Tây Ninh ngày càng phát triển.

Tây Ninh đặt kỳ vọng, chăn nuôi, trong đó có bò thịt sẽ thu được mỗi năm trên 3.000 tỷ đồng về doanh số và trên 300 tỷ đồng về lợi nhuận. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh đặt kỳ vọng, chăn nuôi, trong đó có bò thịt sẽ thu được mỗi năm trên 3.000 tỷ đồng về doanh số và trên 300 tỷ đồng về lợi nhuận. Ảnh: Trần Trung.

"Trong một hai năm tới chúng ta có thể đặt kỳ vọng, chăn nuôi, trong đó có bò thịt sẽ thu được mỗi năm trên 3.000 tỷ đồng về doanh số và trên 300 tỷ đồng về lợi nhuận. Với mức này thì chúng ta sẽ đưa tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp từ 15 - 17% hiện nay lên ít nhất là 30% trong vòng 2 năm tới.

Như vậy làm cho cán cân giữa trồng trọt và chăn nuôi sẽ có 1 đột phá. Tức là nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp theo hướng hiện đại và công nghệ cao", ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm.

"UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Đối với chăn nuôi bò thịt, Tây Ninh định hướng phát triển theo hướng hiệu quả, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện ổn định và phát triển các cơ sở chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp tập trung", ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm.

Xem thêm
260ha diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại do dịch bệnh

An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long là 3 địa phương ghi nhận thiệt hại do dịch bệnh xuất hiện trên các ao nuôi cá tra, chủ yếu là bệnh gan thận mủ, xuất huyết.

Từ cây dược liệu, lão nông giúp cả làng thoát nghèo

BẮC GIANG Trồng cây dược liệu rồi cung cấp cho các công ty dược phẩm trong cả nước, ông Thân Văn Sách trú tại thị xã Việt Yên đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Công nghệ chỉnh sửa gen, xu hướng của nông nghiệp toàn cầu

Việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen trong nông nghiệp chắc chắn là xu hướng đáng chú ý của nông nghiệp toàn cầu trong tương lai.

Bình luận mới nhất