| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh phát triển đàn bò thịt chất lượng cao: [Bài 2] Phát huy thương hiệu bò tơ

Thứ Tư 03/07/2024 , 08:00 (GMT+7)

Từ thương hiệu 'Bò tơ Tây Ninh', nhiều doanh nghiệp, người dân đã tận dụng vị đặc trưng để tạo ra các sản phẩm bò tơ, giúp nâng tầm đặc sản địa phương.

Với nét độc đáo, vị đặc trưng riêng tạo nên thương hiệu đặc sản 'Bò tơ Tây Ninh'. Ảnh: Trần Trung.

Với nét độc đáo, vị đặc trưng riêng tạo nên thương hiệu đặc sản "Bò tơ Tây Ninh". Ảnh: Trần Trung.

Khô bò Suối Thala - vạn người thích

Thịt bò tơ vốn thơm ngon, ngọt, mềm đã trở thành món đặc sản quen thuộc của nhiều người. Nhưng ở Tây Ninh thịt bò này lại có nét độc đáo, vị đặc trưng riêng tạo nên thương hiệu đặc sản "Bò tơ Tây Ninh" trứ danh.

Từ lâu, "Bò tơ Tây Ninh" đã được giới đầu bếp hàng đầu lựa chọn để chế biến các món ăn cho các nhà hàng sang trọng. 

Huyện Tân Châu vốn được biết đến với nghề nuôi và chế biến dế mèn sấy trên đất. Ở đây, bò tơ cũng chất lượng và số lượng dồi dào nhưng đa phần bà con chỉ dừng lại ở chăn nuôi, sau đó bán lại thương lái đem về mổ bán.

Từ trăn trở ấy, anh Hồ Đắc Vĩnh, xã biên giới Suối Dây đã dành nhiều thời gian và tâm huyết chế biến bò tơ nơi đây thành món khô bò suối Thala vạn người thích. 

Vừa chế biến khô bò cho chúng tôi dùng thử, anh Vĩnh hồ hởi khoe, để tạo ra những miếng khô bò chất lượng anh phải tuyển chọn từ những chú bò tơ 4 - 6 tháng tuổi được chăn thả tự nhiên.

Đồng thời, anh Vĩnh kết hợp với quy trình chế biến khép kín, cùng với gia vị tự nhiên không phẩm màu hoặc hóa chất bảo quản nhằm mang đến người tiêu dùng một sản phẩm tốt nhất.

Vốn có kinh nghiệm trong chế biến dế mèn sấy, anh Hồ Đắc Vĩnh thử sức với khô bò và đạt kết quả khả quan. Ảnh: Lê Bình.

Vốn có kinh nghiệm trong chế biến dế mèn sấy, anh Hồ Đắc Vĩnh thử sức với khô bò và đạt kết quả khả quan. Ảnh: Lê Bình.

“Tùy theo thời gian sấy mà cho ra sản phẩm khô bò giòn và khô bò dẻo. Đối với khô bò dẻo, thời gian sấy khoảng 10 tiếng. Đối với khô bò giòn, thời gian sấy lâu hơn rất nhiều” anh Vĩnh chia sẻ.

Theo đó, quy trình chế biến và đóng gói rất cầu kỳ, thịt bò phải được làm sạch rồi tách hết phần mỡ thừa, sau đó cắt thành từng miếng trọng lượng khoảng 250g. Phần thịt được luộc chín, rửa sạch, phơi ráo, thái thành từng miếng mỏng, ép cho mềm rồi sấy khô.

Sau đó, thịt bò được tẩm ướp gia vị theo công thức và bí quyết riêng. Sau khi tẩm ướp gia vị, thịt bò tiếp tục được đem sấy, cuối cùng là công đoạn đóng gói, dán nhãn thành phẩm.

Anh Vĩnh cho biết thêm, nhờ công thức chế biến đặc biệt đã tạo ra sản phẩm khô bò Suối Thala mang hương vị riêng. Khô bò có vị ngọt thơm, với điểm nhấn mặn nhẹ, lồng vào một chút cay trên đầu lưỡi tạo cảm vị đặc trưng mà không lẫn với sản phẩm khô khác. Cùng với các sản phẩm dế sấy, vừa qua sản phẩm khô bò vinh dự được công nhận OCOP 3 sao.

Quy trình chế biến khép kín, cùng với gia vị tự nhiên không phẩm màu hoặc hóa chất bảo quản mang đến người tiêu dùng một sản phẩm tốt nhất. Ảnh: Trần Trung.

Quy trình chế biến khép kín, cùng với gia vị tự nhiên không phẩm màu hoặc hóa chất bảo quản mang đến người tiêu dùng một sản phẩm tốt nhất. Ảnh: Trần Trung.

Hiện sản phẩm khô bò của cơ sở anh Vĩnh đã có mặt ở nhiều cửa hàng, sạp tạp hóa tại Tây Ninh. Ngoài ra, cơ sở còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội Zalo, Facebook… nên có được thị trường tiêu thụ rộng lớn.

“Bình quân mỗi tháng, cơ sở cung ứng ra thị trường 100 - 200kg sản phẩm các loại. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán và mùa du lịch, sản lượng tiêu thụ khoảng 1 tấn hàng mỗi tháng, tôi đã ký liên kết với hộ chăn nuôi địa phương để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập”, anh Vĩnh tiết lộ.

Chị Nguyễn Hà Phương Linh bên sản phẩm chả bò vừa ra lò còn nóng hổi. Ảnh: Lê Bình.

Chị Nguyễn Hà Phương Linh bên sản phẩm chả bò vừa ra lò còn nóng hổi. Ảnh: Lê Bình.

Khẳng định thương hiệu chả bò

Nhận thấy "Bò tơ Tây Ninh" giàu tiềm năng, chị Nguyễn Hà Phương Linh (ngụ phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) đã chế biến thành món chả bò Phương Linh Tây Ninh thơm ngon, hấp dẫn không kém các địa phương vốn nổi tiếng món này như Đà Nẵng, Quảng Ngãi…

Cầm trên tay đòn chả bò vừa ra lò còn nóng hổi, chị Phương linh cho biết, chả bò là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày giỗ chạp, cưới hỏi và các bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, tùy vào nguyên liệu đầu vào là thịt bò nên chất lượng mỗi nơi một khác. Chưa kể hiện nay, trên thị trường có nhiều loại chả bò kém chất lượng.

Theo chị Phương Linh, để cho ra những đòn chả bò chất lượng, ngay từ sáng sớm nhân viên cơ sở đã đến lò mổ của Công ty TNHH thực phẩm sạch Tây Ninh để tuyển chọn loại thịt bò đùi loại I đạt chuẩn, có nguồn gốc từ "Bò tơ Tây Ninh".

Sau đó, thịt bò xay nhuyễn và ướp cùng các loại gia vị truyền thống. Đặc biệt, cơ sở dùng 100% thịt bò chứ không trộn lẫn với loại thịt khác. Nhờ vậy, chả bò khi luộc chín sẽ có mùi thơm đặc trưng, ăn vào cảm nhận được vị ngọt của thịt và độ dai giòn vừa phải. Những loại gia vị dùng để tẩm ướp chỉ có nước mắm nguyên chất, tỏi, tiêu hạt. Tất cả được trộn đều và ướp từ 1 - 2 tiếng cho ngấm vị sau đó mới mang đi hấp chín.

“Các sản phẩm tại cơ sở đều bảo đảm "3 không", là không chất bảo quản, không phẩm màu, không hàn the. Đặc biệt, nguyên liệu đầu vào bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện cơ sở đang làm chứng nhận sản phẩm OCOP. Kỳ vọng trong tương lai không xa, khi nhắc đến chả bò, thực khách cả nước sẽ nhắc đến thương hiệu chả bò Phương Linh tại Tây Ninh”, chị Linh chia sẻ.

Nguyên liệu đầu vào bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí hàng đầu để ra đời đòn chả bò chất lượng. Ảnh: Trần Trung.

Nguyên liệu đầu vào bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí hàng đầu để ra đời đòn chả bò chất lượng. Ảnh: Trần Trung.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi Cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, định hướng của Tây Ninh giai đoạn từ này đến năm 2025, địa phương sẽ phát triển chăn nuôi nói chung, bò nói riêng theo hướng liên kết các khâu sản xuất.

Định hướng này nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, giúp đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Đó cũng là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi tạo dựng giá trị bền vững ổn định kinh tế cho người chăn nuôi.

Việc tạo lập nhãn hiệu chứng nhận 'Bò tơ Tây Ninh' có nhiều ý nghĩa, góp phầm giữ gìn thương hiệu, nâng cao chuỗi giá trị ngành thịt bò Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Việc tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Bò tơ Tây Ninh” có nhiều ý nghĩa, góp phầm giữ gìn thương hiệu, nâng cao chuỗi giá trị ngành thịt bò Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh khô bò Suối Thala, chả bò Phương Linh, nhiều người còn biết đến sản phẩm chế biến từ bò sữa của Vinamilk, cùng hệ thống chuỗi nhà hàng bò tơ 5 Sánh. Các sản phẩm này của Tây Ninh đã và đang góp phần lan toả nét ẩm thực độc đáo của tỉnh ra khắp mọi miền tổ quốc.

Đây cũng chính là hướng đi của nông nghiệp Tây Ninh là nông nghiệp hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện thương hiệu bò tơ Tây Ninh đang bị lạm dụng.

Để sản phẩm chế biến từ thịt bò và các sản phẩm từ bò, Tây Ninh đang thực hiện đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm và dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.

“Việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Bò tơ Tây Ninh" có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành sản xuất thịt bò của tỉnh. Nhãn hiệu chứng nhận sau khi được tạo lập sẽ tạo căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp hàng hóa giả mạo nguồn gốc xuất xứ bò Tây Ninh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi”, bà Hồng Loan nhấn mạnh.

Xem thêm
Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.