| Hotline: 0983.970.780

Tết ấm ngược miền giá rét

Thứ Hai 24/01/2011 , 08:50 (GMT+7)

Cứ mỗi dịp cuối năm là Quỹ Thiện Tâm (Cty Cổ phần VINCOM) và báo NNVN lại cùng đến với những vùng đặc biệt khó khăn tặng quà cho đồng bào. Lần này, đoàn mang 1.400 suất quà lên vùng cao Yên Bái, nơi đang chịu đựng cái rét thấu xương.

Cứ mỗi dịp cuối năm là Quỹ Thiện Tâm (Cty Cổ phần VINCOM) và báo NNVN lại cùng đến với những vùng đặc biệt khó khăn tặng quà cho đồng bào. Lần này, đoàn mang 1.400 suất quà lên vùng cao Yên Bái, nơi đang chịu đựng cái rét thấu xương. 

Áo mới đầu tiên trong đời 

Đại diện Quỹ Thiện Tâm đi cùng đoàn công tác của Báo NNVN trong chương trình trao quà Tết cho đồng bào vùng khó khăn lần này là hai người còn rất trẻ. Cả Nguyễn Xuân Hiển và Trần Ánh Nhật đều mới 23 tuổi. Họ háo hức lên với đồng bào vùng cao đến nỗi dậy từ sáng tinh mơ, mua vội ổ bánh mỳ dự phòng rồi lên đường. Những câu chuyện về cuộc sống khó khăn của đồng bào vùng cao càng khiến họ nóng lòng hơn. 

Quãng đường hơn 400 km từ Hà Nội lên những vùng cao tỉnh Yên Bái mùa này thực sự là một thử thách quá lớn. Đường ngoằn ngoèo, leo dốc, sương mù phủ dày đến mức trời không mưa nhưng cần gạt nước ô tô vẫn phải hoạt động liên tục. Khó khăn càng hiện rõ khi một số người trong đoàn liên tục kêu oai oái do va đập vào thành xe lúc qua những khúc cua tay áo. Còn nhà báo Thái Sinh, đại diện Văn phòng Báo NNVN khu vực Tây Bắc, một người chuyên đi miền núi vẫn phải dí sát đầu vào thành ghế vì người cứ biêng biêng, nôn nao.  

Đại diện Quỹ Thiện Tâm mang Tết ấm đến người nghèo

Sau khi trao quà một cách nhanh chóng theo đúng đặc trưng của phong cách làm việc giới trẻ tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Trạm Tấu… đoàn công tác mới thực sự bước vào cuộc “hành xác” khi vượt hơn 150 km để đến với huyện Mù Cang Chải. Xe qua đèo Khau Phạ, con đèo nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn và có độ cao nhất nhì miền Bắc. Nơi mà đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao đặt cái tên Khau Phạ với sự sợ hãi và xem đó là một cổng trời. Xe đi qua cổng trời dù đang là ban ngày cũng phải bật đèn bởi sương mù phủ đường một màu trắng xóa.  

Để đến được trung tâm huyện Mù Cang Chải phải mất đúng 12 tiếng đồng hồ chạy xe liên tục vượt qua hàng trăm con đèo khiến ai nấy trong đoàn đều có cảm giác hẫng chân khi bước từ xe xuống đất. Sau bữa cơm tối đạm bạc, cả đoàn lại phải bắt tay vào hoạch định kế hoạch trao quà cho đồng bào và học sinh một cách hiệu quả nhất.  

Sáng hôm sau, cái rét cùng với sương mù vẫn phủ trắng Mù Cang Chải. Xã Dế Su Phình là nơi đoàn công tác chọn để trao quà cho đồng bào và học sinh. Trường PTCS Dế Su Phình nằm chót vót trên một đỉnh đồi mà bất cứ ai leo lên đều không muốn xuống nữa vì những con dốc nhìn hãi quá. Từ sáng sớm, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Cang đã cho học sinh tập hợp đông đủ để nhận quà. 300 chiếc áo ấm và 50 suất quà gồm gạo, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt được trao cho những học sinh ở các bản khó khăn phải ở nội trú trong trường.  

Cõng chăn về trường

Trong số những học sinh đến nhận quà tôi đặc biệt chú ý đến Lý A Đức (12 tuổi), nhà ở bản Phình Hồ. Trong giá rét đến nỗi mặc áo bông vẫn run lập cập thế mà trên người Đức chỉ có chiếc áo dệt của người Mông rất mỏng manh. Hai bàn chân nứt nẻ được bảo vệ bằng đôi dép nhựa tổ ong và chằng vá đụp. Nghe nói được nhận quà Đức vui lắm. Cu cậu cứ mân mê tấm áo khoác mới và chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi biết đấy gần như là tấm áo mới đầu tiên trong đời em. Nhà cách trường gần chục cây số, mỗi tuần Đức phải về cõng gạo hoặc ngô ra học nhưng tuần này em ở lại để nhận quà của Quỹ Thiện Tâm. 

 Ngó vào thùng gạo trộn ngô trơ đáy của Đức cùng với chiếc nồi đựng thức ăn chỉ toàn gừng giã ra trộn với muối làm thức ăn tất cả mọi người trong đoàn đều lắc đầu ái ngại. Nói đến chuyện quần áo, Đức lí nhí rằng em ít khi có được chiếc áo mới cho dù là dịp lễ tết bởi toàn phải mặc quần áo của các anh chị để lại. Nhà Đức có 9 anh chị em cứ tiết kiệm bằng cách mặc chuyền nhau như thế. Rách lại vá, đến “đời” Đức mặc thì chiếc áo chẳng còn nguyên vẹn nữa.  

67 học sinh nội trú ở trường Dế Su Phình đều có chung hoàn cảnh như thế. Thầy Cang bảo rằng cả trường có 516 học sinh thì có đến 496 là con em các gia đình nghèo đói. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn chung nên vấn đề cấp thiết là làm sao để các em khỏi bỏ học là may lắm rồi. Nhận quà Tết của Quỹ Thiện Tâm và Báo NNVN, thầy Cang chẳng nói sao hết sự biết ơn. Vậy là ngày mai trường học của thầy được ủ ấm bằng những chiếc áo hết sức cần thiết. Đó có thể xem là một sự kiện trọng đại từ trước đến nay. 

Áo ấm cho học sinh Dế Su Phình

"Tết này nhà tao đỡ đói rồi" 

Cũng ngay trong buổi sáng ấy, đoàn công tác đã đến trao quà cho các hộ dân ở xã Dế Su Phình ngay tại UBND xã. Lắng nghe cán bộ xã trình bày tình hình kinh tế xã vùng cao đặc biệt khó khăn này tất cả mọi người trong đoàn đều cảm thấy tiếc vì chưa có điều kiện để có thể hỗ trợ đồng bào được nhiều hơn. Toàn xã có 354 hộ thì có đến 73% là hộ nghèo, 99% là đồng bào người Mông. 144 ha lúa mỗi năm chỉ làm được một vụ, mất mùa thường xuyên. Như năm nay, bà con đói dài ra vì không hiểu sao lúa cấy đến vụ nơi trổ bông nơi không, lại còn bị hạn hán quần cho cháy sém. 

Đợt rét chưa biết kéo dài đến bao giờ nhưng đã quật chết gần 30 trâu bò của dân bản. Nhiều nhà trâu bò chết xót ruột quá chẳng biết làm sao nên ngày nào cũng lên xã hỏi xem phải làm gì. Dọc đường vào các bản, đồng bào chạy phần phật trong giá rét đi tìm vật dụng, rơm cỏ khô về ủ ấm cho gia súc bởi nếu trâu bò chết đi thì xem như trong nhà chẳng còn gì đáng giá. 

Tết này nhà tao đỡ đói rồi

Tổng cộng chuyến đi này, Quỹ Thiện Tâm phối hợp với Báo NNVN trao 1.400 chiếc áo ấm cho học sinh và đồng bào các địa phương vùng cao tỉnh Yên Bái. Cùng với đó là 400 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn bao gồm 15kg gạo, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt… được trao đến tận tay từng hộ dân. Hi vọng, những món quà nhỏ sẽ phần nào tiếp lửa cho bà con, học sinh vượt qua giá rét và có được một cái Tết cổ truyền ấm cúng hơn. Đoàn công tác và đại diện chính quyền hi vọng sẽ có thêm nhiều chuyến đi hơn nữa để  đến với những địa phương còn khó khăn.

Hôm nay nghe nói có Quỹ Thiện Tâm và Báo NNVN đến trao quà, cả cán bộ và dân xã Dế Su Phình đến đây sớm lắm. Trên tay Vàng A Lu (bản Ma Lừ Thàng) còn nguyên cả bó đuốc nghi ngút khói. Hóa ra, khi nhận được thông báo nhận gạo, nhận quà Lu phải dậy từ tinh mơ khi trời còn chưa kịp sáng rồi đi bộ hàng chục cây số. Đến được UBND xã cũng là lúc đoàn công tác chuẩn bị trao quà. Giấu nụ cười vào chiếc áo truyền thống người Mông đã bạc màu rách tua tủa Lu chỉ nói được một vài câu tiếng Kinh không rõ lắm: “Tết này nhà tao đỡ đói hơn rồi. Cảm ơn các cán bộ lắm”. 

Chủ tịch UBND xã Vàng A Dờ nói thay rằng nhà Lu có 5 đứa con nhưng chỉ một đứa được đi học. Mỗi năm gia đình chỉ đủ ăn vài ba tháng vào mùa thu hoạch, còn lại thì đói lắm. Những tết trước thậm chí đến vài chục ngàn chung với dân bản mổ con lợn con cúng trời đất, tổ tiên vợ chồng Lu cũng phải ghi nợ.  Nhận được gạo, được quà Lu chỉ muốn về ngay vì hôm nay cô vợ và đám con đang ngồi chờ bố mang gạo về. Số gạo và quà này anh bảo cả nhà phải cùng nhau chắt chiu sao cho qua tết không bị đứt bữa như những năm trước. 

Đang phát quà tôi thấy một cụ già người Mông đến kéo tay áo giật giật hỏi bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Có thuốc ho cho tao một ít. Tao bị đau trong ngực, trời rét quá nên đêm nào cũng ho không ngủ được”. Chứng kiến cảnh tượng ấy thật quá xót xa. Vậy mà khi phát quà xong, không ít người dân nằng nặc kéo đoàn công tác về nhà mình để “kiếm cành đào rừng cho cán bộ mang về xuôi làm quà Tết”. Thế mới biết đồng bào quý những món quà không lớn nhưng đầy ý nghĩa và tình cảm của họ vẫn dạt dào biết bao dù hoàn cảnh còn khó khăn.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm