| Hotline: 0983.970.780

Thả rùa biển về vịnh Nha Trang

Thứ Ba 20/10/2009 , 10:42 (GMT+7)

Việc rùa xanh xuất hiện trên vịnh Nha Trang là một tín hiệu đáng mừng chứng tỏ môi trường ở đây khá tốt. Tuy nhiên, để rùa thường xuyên lên bờ sinh sản thì còn nhiều việc phải làm...

Sáng ngày 15/10 trước sự chứng kiến của các ngành chức năng, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tiến hành thả 175 con rùa xanh (Chelonia mydas) về với đại dương, đây là loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ của Thế giới có nguy cơ tuyệt chủng. Việc rùa xanh xuất hiện trên vịnh Nha Trang là một tín hiệu đáng mừng chứng tỏ môi trường ở đây khá tốt. Tuy nhiên, để rùa thường xuyên lên bờ sinh sản thì còn nhiều việc phải làm...

Xuất phát từ cảng Cầu Đá Nha Trang, chiếc tàu cao tốc của Cty Yến sào Khánh Hòa rẽ nước lướt sóng ra khu bãi Bàng Lớn, thuộc đảo Hòn Tre, TP Nha Trang, ai cũng phấn khởi, đặc biệt là những nhà nghiên cứu biển bởi lâu lắm rồi vịnh Nha Trang mới lại có rùa biển về sinh sản. Anh Bùi Quang Ngại, Viện nghiên cứu biển Nha Trang cho biết: Hơn 10 năm trước, các bãi cát trên vịnh Nha Trang và các đảo Hòn Tre, Hòn Mun nhiều rùa lắm.

Vào mùa sinh sản rùa lên đầy bãi cát đẻ trứng, nhưng hơn chục năm trở lại đây đã hầu như “khuất bóng” rùa biển về sinh sản. Nguyên nhân là do người dân dùng thuốc nổ, chất độc đánh bắt cá, còn rùa lên bờ đẻ trứng thì họ bắt giết thịt. Nay rùa quay trở lại sinh sản, với những người làm khoa học như chúng tôi sao không mừng được. Ông Lê Hữu Hoàng, Giám đốc Cty Yến sào Khánh Hòa cho biết: Năm 2008, khi chúng tôi tiếp nhận đảo Yến Bàng Lớn, trước đây do không được bảo vệ tốt, ngư dân đã “cắm” chốt ở khu này đánh bắt thủy sản. Khi tiếp nhận khu đảo này chúng tôi đã thành lập ngay hai đội bảo vệ gồm 14 người, một tổ bảo vệ đàn chim yến, một tổ bảo vệ môi trường.

Sau hơn nửa tiếng vượt sóng trên vịnh Nha Trang, đảo Bàng Lớn đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Anh Huỳnh Bá, Trưởng ban bảo vệ môi trường Cty Yến sào ra tận nơi đón, anh phấn khởi: Mừng quá anh ạ. Vì việc của chúng tôi làm đã góp một phần nhỏ bảo vệ môi trường biển. Anh Bá kể: Trong một đêm cuối tháng 6, khi anh em đi tuần tra, đến đoạn bãi cát Bàng Lớn thì phát hiện một vật đang đào cát, anh em dùng đèn pin soi thì thấy một con rùa mai có màu xanh to như cái thúng đang đẻ trứng. Chúng tôi báo cáo, lập tức lãnh đạo Cty chỉ đạo phải bảo vệ nghiêm ngặt ổ trứng đó.

Tiếp tục đến ngày 17/7 và 1/8 hai con rùa khác cũng lên bãi cát đẻ trứng. Hồi hộp đợi chờ đến ngày 6/8 thì toàn bộ 104 trứng đầu tiên đã nở. Còn lại 2 ổ đến ngày 19/9 và 4/10 thì nở tiếp. Những con nào khỏe tự bơi được về đại dương thì chúng tôi để chúng đi, còn những con yếu không bơi ra được biển thì được chăm sóc nghiêm ngặt, những con yếu được nuôi dưỡng phát triển tốt, khi rùa con đạt kích thước 15 – 20 cm là chúng tôi thả về biển. Ngày 3/10 Cty thả 5 con, còn lần thứ 2 sau khi đàn rùa khỏe mạnh, Cty đã thả toàn bộ 175 con về biển. Nuôi như vậy liệu có ảnh hưởng đến bản năng tự nhiên của chúng không? Tôi hỏi. Anh Hoàng cho biết: Khi biết rùa xuất hiện chúng tôi đã mời các nhà khoa học tập huấn kỹ thuật chăm sóc rùa cho đội bảo vệ môi trường biển của Cty, đồng thời chỉ nuôi trong một thời gian ngắn lên cũng không ảnh hưởng đến bản năng tự nhiên của chúng. Theo anh Hoàng thì thức ăn của rùa con là rong, tảo và sứa.

Chị Trịnh Minh Thu, một chuyên gia về nghiên cứu rùa biển ở Côn Đảo cho hay: Rùa biển trên thế giới có 7 loại, chúng thường sinh sống ở những vùng có môi trường sạch, độ mặn từ 25%o trở lên và ở những vùng xa bờ ít có tác động của con người. Rùa thường đẻ trứng vào mùa mưa, sau khoảng 15 năm rùa mới trưởng thành và có khả năng sinh sản, mỗi năm chúng đẻ 3 đợt, mỗi lần từ 80 – 120 trứng. Trứng rùa nằm sâu dưới cát biển, với sự tác động của thời tiết, khoảng 55 – 70 ngày trứng rùa nở, nếu nhiệt độ càng cao thì tỷ lệ rùa cái càng lớn. Trong môi trường tự nhiên cứ 1.000 con rùa con ra đời, khi quay về tự nhiên thì chỉ có 1 con tồn tại được.

Rùa về vịnh Nha Trang sinh sản là điều đáng mừng nhưng làm sao bảo vệ được rùa là vấn đề cấp bách hiện nay. Ông Hoàng cho biết: Để hàng năm rùa về đây sinh sản, chúng tôi đang triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt những bãi cát trên đảo Bàng Lớn, không cho người xâm nhập trái phép, tập huấn cho anh em những kiến thức về rùa biển để bảo vệ được tốt hơn. Đồng thời chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra những biện pháp bảo vệ môi trường để nơi đây là môi trường tốt cho rùa sinh sống. Theo chị Thu, ở Việt Nam, các địa điểm có rùa sinh sản mới chỉ có cơ quan quản lý và nhà khoa học vào cuộc trong việc bảo tồn. Còn ở Khánh Hòa, Cty Yến sào Khánh Hòa tham gia sẽ rất thuận lợi bởi lực lượng bảo vệ các đảo yến cũng chính là những người sẽ bảo vệ môi trường và bảo vệ rùa lên sinh sản.

Việc làm của Cty Yến sào Khánh Hòa là một nghĩa cử đẹp, không chỉ bảo vệ một loại động vật biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng mà còn góp phần bảo vệ môi trường biển vịnh Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.