Khoảnh khắc mang tính bước ngoặt này đã cho thấy 14 năm cầm quyền đầy biến động của đảng Bảo thủ, được định hình bởi chính sách thắt lưng buộc bụng, Brexit và một canh bạc cắt giảm thuế thảm khốc. Trong thời gian đó thu nhập người dân bị ảnh hưởng đáng kể, mức sống giảm sút và đầu tư kinh doanh cạn kiệt.
Đây là một chiến thắng vang dội cho ông Keir Starmer, một cựu công tố viên trưởng chỉ mới vào quốc hội năm 2015. Ông đã chính thức trở thành Thủ tướng Anh vào cuối ngày 5/7.
"Thay đổi bắt đầu ngay bây giờ. Tôi phải nói thật, cảm giác này thật tuyệt", ông phát biểu khi tuyên bố chiến thắng.
Tuy nhiên, niềm vui chiến thắng của Công đảng có thể sẽ sớm phải nhường chỗ cho sự lo lắng trước những thách thức kinh tế phía trước.
Từ việc nhiều chính quyền địa phương tuyên bố phá sản, cơ sở hạ tầng cũ nát và vấn đề thiếu nhà ở kinh niên, cho đến đến tình trạng vô gia cư gia tăng và Dịch vụ Y tế Quốc gia gặp khủng hoảng, chính phủ mới của ông Starmer sẽ còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề khác.
Trong khoảng 42,4 triệu người trong độ tuổi lao động (16 - 64 tuổi), hơn 2,8 triệu người thất nghiệp vì các vấn đề sức khỏe mãn tính. Khoảng 6,7 triệu người đang sử dụng Tín dụng chung Universal Credit ở Anh, Scotland và xứ Wales, một khoản trợ cấp hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Trong đó bao gồm nhiều người lao động.
Người dân Anh đang mong chờ một sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, khả năng khắc phục những vấn đề này của chính phủ mới sẽ bị hạn chế đáng kể bởi gánh nặng nợ hiện lớn hơn quy mô của nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu là điều không thể tránh khỏi.
Nền kinh tế Anh hầu như không tăng trưởng trong năm 2023, trong khi thu nhập của người lao động cũng không có nhiều thay đổi. Dù đã được điều chỉnh theo lạm phát, tiền lương của người lao động dường như tăng không đáng kể từ năm 2010.
"Câu chuyện về nền kinh tế Anh dường như không có nhiều thay đổi kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu", tổ chức tư vấn Resolution Foundation viết trong một báo cáo hồi tháng 6/2024.
Để chấm dứt tình trạng bế tắc, các doanh nghiệp và chính phủ sẽ phải tăng cường đầu tư để tăng năng suất lao động, một thước đo kinh tế hiệu quả, vốn đã suy yếu mạnh ở Anh trong hơn một thập kỷ.
"Đầu tư mạnh mẽ hơn sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị, nghiên cứu và phát triển giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn. Nếu năng suất lao động tăng cao hơn, tăng trưởng GDP và thu nhập cũng sẽ tăng theo", Gregory Thwaites, giám đốc nghiên cứu tại Resolution Foundation, nói với CNN.
Kế hoạch đầu tư không đáng kể
Tin tốt là ưu tiên hàng đầu của Công đảng Anh là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư công cao hơn, chiến lược công nghiệp mới và cải cách chính sách. Đảng này cũng đã cam kết giảm nợ chính phủ cao ngất ngưởng trong khi hạn chế các kế hoạch tăng thuế và thắt chặt chi tiêu cần thiết để đạt được mục tiêu đó.
Trong khi đó, Công đảng khẳng định các chính sách thúc đẩy tăng trưởng của họ "đã được tính toán hoàn chỉnh". Trong đó, đảng này sẽ sử dụng Quỹ tài sản quốc gia trị giá 7,3 tỷ bảng Anh (9,3 tỷ USD) để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng xanh.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Công đảng Anh là cải cách luật quy hoạch, điều mà đảng này hy vọng sẽ giúp Anh xây dựng thêm 1,5 triệu ngôi nhà trong 5 năm tới, làm hạ nhiệt giá nhà trong nước.
Trong khi nhiều người hoan nghênh sự quyết tâm của Công đảng đối với tăng trưởng kinh tế, không ít người hoài nghi về việc liệu các kế hoạch sơ sài của họ có thực sự hoàn thành được các mục tiêu hay không. Theo ông Paul Johnson, giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS), với sự gia tăng đáng kể đầu tư cho các dự án xanh, tất cả các lĩnh vực đầu tư khác sẽ bị hạn chế trong 5 năm tới.
"Kế hoạch tăng đầu tư cho các dịch vụ công yếu kém như y tế và giáo dục là nhỏ bé, không đáng kể. Việc thực hiện những thay đổi thực sự cũng sẽ phải bàn đến vấn đề nguồn lực tài chính. Và tuyên bố của Công đảng không cho thấy họ có một kế hoạch cụ thể về việc sẽ lấy tiền ở đâu để đầu tư cho việc này", ông Johnson nói.
Nắm bắt cơ hội
Cuối cùng, chính phủ sẽ cần các doanh nghiệp, vốn đã bị ảnh hưởng kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016, tăng cường đầu tư để đạt được kế hoạch của mình.
Công đảng có thể giúp thúc đẩy đầu tư bằng cách thiết lập các chính sách năng lượng xanh rõ ràng và nhất quán với các ưu đãi thuế tốt hơn, theo Liên đoàn Công nghiệp Kinh doanh.
"Net Zero là mục tiêu quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp. Điều thực sự quan trọng đối với một chính phủ là đặt ra tham vọng và mục tiêu tổng thể", nhà kinh tế trưởng Louise Hellem của CBI nói với CNN.
Dưới thời chính phủ Bảo thủ, lệnh cấm bán xe chạy bằng xăng và dầu diesel mới, được công bố vào năm 2020, sau đó đột ngột bị đình chỉ vào tháng 9/2023 cho đến năm 2035, khiến một số nhà sản xuất ô tô tức giận. Công đảng cho biết họ sẽ đảo ngược quyết định này "để khẳng định quyết tâm với các nhà sản xuất".
Công đảng cũng quyết tâm cải thiện tình trạng xây dựng của nước Anh, khi bà Rachel Reeves của Công đảng có khả năng là trở thành tân Bộ trưởng Tài chính.
Mặc dù việc tập trung vào sự chắc chắn của các chính sách và kế hoạch cải cách là điều đáng khích lệ, Công đảng rõ ràng ít tham vọng hơn khi nói đến một lĩnh vực thứ ba quan trọng để phục hồi tăng trưởng kinh tế: mối quan hệ quan trọng nhất của Anh với Liên minh châu Âu (EU), vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Các kế hoạch dè chừng của Công đảng nhằm cải thiện mối quan hệ này sẽ không đóng góp nhiều đối với việc giảm thiệt hại kinh tế do Brexit, vốn đã làm tổn hại thương mại hàng hóa của Anh và gây thiệt hại 2 - 4% GDP kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Brexit cũng đã gây thiệt hại lớn cho hoạt động đầu tư kinh doanh và dự kiến sẽ làm tổng sản lượng quốc gia giảm 4% so với số liệu nếu Anh không rời EU, theo Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách, cơ quan cung cấp dự báo kinh tế cho chính phủ. Thương mại được dự đoán sẽ giảm khoảng 15%.
Dù bị ảnh hưởng bởi Brexit, Anh cũng ghi nhận một số điểm sáng về thương mại. Ví dụ, xuất khẩu dịch vụ của Anh đã tăng nhanh hơn mức trung bình của G7 kể từ năm 2021.
Theo Resolution Foundation, Vương quốc Anh hiện là nước xuất khẩu dịch vụ lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, gồm các lĩnh vực tài chính, luật, giáo dục, kiến trúc và nghệ thuật. Anh cũng có những thế mạnh khác, từ thể chế mạnh mẽ và pháp quyền đến các trường đại học đẳng cấp thế giới, các công ty sáng tạo và lực lượng lao động có tay nghề cao.
Tân Thủ tướng Starmer và chính phủ mới của ông sẽ cần phải xây dựng dựa trên những thế mạnh này, và phát triển những thế mạnh mới, để tạo ra một môi trường thuận lợi giúp nền kinh tế Anh hồi sinh và tăng trưởng mạnh mẽ.