| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Nguy cơ sâu bệnh lấy mất vụ mùa

Thứ Tư 08/09/2010 , 10:06 (GMT+7)

Dù chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm thu hoạch lúa mùa sớm nhưng trước tình trạng dịch rầy nâu tàn phá như hiện nay thì nguy cơ thất thu đang hiển hiện trên một số diện tích lúa.

Dù chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm bà con nông dân tỉnh Thái Nguyên thu hoạch lúa mùa sớm (trà lúa chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu vụ mùa) nhưng trước tình trạng dịch rầy nâu tàn phá như hiện nay thì nguy cơ thất thu đang hiển hiện trên một số diện tích lúa.

Chúng tôi có mặt tại khu vực xóm Nguyên Bẫy, phường Cải Đan, thị xã Sông Công chứng kiến cảnh một số hộ nông dân đang vội vã thu hoạch lúa mùa còn rất xanh. Nông dân cho biết, rầy nâu phá phách quá, không thu hoạch nhanh thì chúng ăn sạch. Ông Nguyễn Hải Đường thất vọng nói, 2 vợ chồng già có hơn 2 sào ruộng, phải ăn tranh với rầy nên may chăng được hơn tạ thóc, biết lấy gì mà sống?

Ông Trần Văn Quyết (một lão nông khác) cho hay, nhà có 6 sào ruộng thì đã bị cháy hơn 3 sào. Ông Quyết vạch đám lúa đang bị rầy tán phá cho mọi người xem, đàn rầy đen kịt bay tung lên hơn cả ong vỡ tổ. Rầy đen nhung nhúc trên khóm lúa, ông Lê Quang Hùng (Trạm trưởng KN thị xã Sông Công) ước lượng, có tới vài vạn con trên một mét vuông. Vì sao chúng phát triển nhanh và có mật độ lớn như thế? Ông Trần Minh Tâm (Phó phòng Kinh tế thị xã Sông Công) cho rằng, thời tiết diễn biến quá phức tạp, trong khi đó, bà con nông dân đã không thực hiện đúng yêu cầu của phòng kinh tế là sử dụng loại thuốc và kỹ thuật phun thuốc đã được khuyến cáo từ trung tuần tháng 8.

Tuy nhiên, tại xã Bá Xuyên (địa bàn vựa lúa của thị xã Sông Công) thì một số hộ nông dân đã phun đúng loại thuốc cũng như kỹ thuật phun do phòng kinh tế thị xã khuyến cáo nhưng rầy vẫn “nhởn nhơ” phá phách. Ông Đồng Văn Hồng (xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên) cho biết, gia đình đã bỏ ra gần 300 ngàn đồng để mua thuốc Bassa về phun 2 lần liền cho 7 sào ruộng nhưng rầy vẫn còn. Tiếp tục lý giải về tình trạng trên, ông Trần Minh Tâm nói, có thể hiệu lực của riêng một loại thuốc đã không còn tác dụng đối với chủng rầy hiện nay.

Ông Trần Văn Thung (Chi cục trưởng BVTV tỉnh Thái Nguyên): Ngày 4/9, Chi cục đã ra thông báo khẩn. Ngày 6/9, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ra công điện về việc phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng. Tuy nhiên nếu nông dân không thực hiện quyết liệt và ra quân đồng loạt tạo thành chiến dịch phòng trừ rầy thì nguy cơ thất thu vụ mùa là rất cao.
Rầy nâu đã bùng phát ra diện rộng trên địa bàn, một số diện tích đã bị rầy làm cháy toàn bộ. Đúng vào thời điểm những ngày nghỉ thì rầy bùng phát nên việc chỉ đạo của chính quyền và cơ quan chức năng còn chưa kịp thời so với diễn biến của tình hình sâu bệnh. Thực tế trên đã dẫn tới tình trạng một số hộ dân rất lúng túng khi đối phó với tình hình rầy hại lúa. Đó là không biết có nên thu hoạch chạy rầy hay không? Nếu phun thuốc vào lúa đang trong thời kỳ làm hạt thì dư lượng thuốc BVTV trong hạt gạo có nguy hiểm không? Đặc biệt, nếu phun thuốc mà không được chỉ đạo đồng loạt thì chẳng khác nào đuổi rầy từ nơi này sang nơi khác.

Cũng như vậy, việc gặt chạy cũng chỉ là giải pháp tình thế, rầy sẽ tiếp tục di trú đến những thửa ruộng còn lại để phá phách. Một vấn đề cần lưu ý nữa là, vì rầy bùng phát mạnh nên bà con nông dân đổ xô đi mua thuốc đã dẫn tới tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc BVTV cục bộ tại một số thời điểm ở hầu hết các địa phương hiện nay.

Với mật độ 1.500 con/m2 trở lên, Chi cục BVTV tỉnh Thái Nguyên đã thống kê, hiện toàn tỉnh có gần 3.000 ha lúa bị nhiễm rầy. Trong đó, có trên 800 ha lúa nhiễm nặng; gần 4.100 ha lúa nằm trong diện tích phòng trừ tập trung tại các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, Sông Công, Phổ Yên, Phú Lương, Đại Từ và thành phố Thái Nguyên. Trong số các địa phương kể trên, vựa lúa của tỉnh Thái Nguyên là huyện Phú Bình đang bị rầy tàn phá với diện tích lớn nhất, 2.000 ha.

Xem thêm
Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.