4 năm qua SX trên địa bàn Hà Tĩnh, Thái Xuyên 111 luôn là giống lúa ổn định về năng suất và chống chịu khá với sâu bệnh |
Thái Xuyên 111 là giống lúa lai được đưa vào sản xuất (SX) thử ở Hà Tĩnh từ vụ Xuân năm 2016. Sau khi ghi điểm ngay từ vụ đầu tiên, những năm sau đó, diện tích SX giống lúa này được mở rộng theo từng năm. Riêng vụ xuân 2019, tổng diện tích SX đạt hơn 700 ha, tập trung chủ yếu ở Đức Thọ (hơn 437 ha); Hương Sơn (208 ha), Nghi Xuân, Can Lộc và Lộc Hà. Hầu hết các địa phương xây dựng mô hình SX theo cánh đồng mẫu, diện tích bình quân từ 20 – 150ha/cánh đồng, điển hình là xã Trường Sơn (Đức Thọ) 150ha; Đức Tùng (Đức Thọ) 80ha; Tùng Ảnh (Đức Thọ) 50ha; Xuân Lộc (Can Lộc) 30ha…
Những ngày này Hà Tĩnh nắng như đổ lửa, trên các cánh đồng “thẳng cánh cò bay”, màu lá giống Thái Xuyên 111 đang xanh mơn mởn nhưng bông lúa đã cúi đầu, hạt mơ chín, dự kiến 10 ngày nữa sẽ thu hoạch rộ.
Đoàn công tác do Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn dẫn đầu cùng Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Seed Trần Mạnh Báo dừng chân bên cánh đồng lớn thôn Dư Nại, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc. Một vài nông dân bước đến tấm tắc khen giống lúa Thái Xuyên 111 năng suất cao, cơm ngon. Họ bảo, những hộ nằm trong diện tham gia mô hình được hỗ trợ giống thì không nói nhưng rất nhiều nông dân không được hỗ trợ vẫn lùng mua Thái Xuyên 111 để về gieo cấy.
Ông Nguyễn Văn Dần là một ví dụ. Nông dân Dần có hai sào bảy ruộng ở cánh đồng Dư Nại. Đã 3 năm nay ông sản xuất giống Thái Xuyên 111. Năm nào thu hoạch năng suất cũng đạt trên dưới 4 tạ/sào, cao gấp 2 lần so với các giống lúa khác. Ông bảo: “Giống này tuy hơi dài ngày (khoảng 125 -130 ngày) nhưng năng suất rất cao, chất lượng gạo cũng không thua kém gì lúa thuần, thậm chí còn ngon ngang ngửa lúa thuần chất lượng”.
Đối với giống lúa thuần TBR 279, vụ Xuân 2019 là vụ thứ 3 Thái Bình Seed đưa vào Hà Tĩnh với tổng diện tích SX đạt khoảng 400ha; tập trung ở các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà và Thị xã Hồng Lĩnh. Giống lúa này thích hợp đất vàn, vàn cao, yêu cầu thâm canh, chủ động nước.
Theo đánh giá của nông dân, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn, đây cũng là bộ giống có triển vọng về năng suất, chất lượng và sức chống chịu sâu bệnh. Thời gian sinh trưởng của giống từ 110 - 115 ngày; năng suất ước đạt bình quân 58 - 60 tạ/ha.
“Cả hai giống trên đều có triển vọng bổ sung vào bộ giống chủ lực của tỉnh, đặc biệt phù hợp với những tập quán thâm canh cao như: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nói. Đồng thời, đề nghị Tập đoàn Thái Bình Seed sớm triển khai mô hình liên kết với các huyện SX cánh đồng lớn với mỗi cánh đồng khoảng 20 - 50 ha.
Ngoài ra, bộ giống ngắn ngày TBR 279 rất thích hợp cho SX chạy lụt ở Hà Tĩnh |
Liên quan đến kiến nghị của ngành NN - PTNT, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Seed khẳng định, Tập đoàn sẵn sàng hợp tác với Hà Tĩnh SX cánh đồng mẫu lớn. Tuy nhiên, địa phương phải đảm bảo diện tích tham gia mô hình tập trung, liên vùng, thuận lợi về tưới tiêu, đặc biệt là nông dân, HTX phải đồng thuận. Trước mắt doanh nghiệp sẽ liên kết với nông dân thông qua hợp đồng kinh tế, cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Thái Bình Seed, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đánh giá, Thái Xuyên 111 và TBR 279 là 2 giống lúa có triển vọng phát triển ở “rốn” ổ đạo ôn Hà Tĩnh. Tuy nhiên, để giống “sống” khỏe, bền vững trên vùng đất khắc nghiệt này, Sở NN-PTNT cần có đánh giá về khoa học, kinh tế và kỹ thuật của 2 bộ giống trên. Sau đó phối hợp Tập đoàn thống nhất một hành lang chung để đưa giống phát triển diện rộng, hiệu quả.
“Tích tụ ruộng đất, gắn kết doanh nghiệp và nông dân là tất yếu. Tập đoàn Thái Bình Seed cần thực hiện liên kết sản xuất, trong đó HTX là đầu mối liên kết với doanh nghiệp từ giống, quy trình sản xuất đến bao tiêu sản phẩm và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho nông dân. Tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương tích tụ ruộng từ 20 – 50 ha để thực hiện mô hình liên kết này”, ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Ngoài 2 bộ giống tiềm năng trên, vụ Xuân 2019, Tập đoàn Thái Bình Seed còn đưa vào sản xuất thử giống lúa lai Phúc Thái 168 tại huyện Đức Thọ. Bước đầu cho thấy, giống lúa này thích nghi tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Hà Tĩnh, ít sâu bệnh, ngắn ngày và năng suất ước đạt bình quân 3,5 tạ/sào. |