"Thay da đổi thịt" sản xuất lúa miền nắng gió
Từ mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) đã không ngừng nghiên cứu, chọn tạo và đưa ra thị trường nhiều giống lúa mới có những ưu điểm vượt trội đến với bà con nông dân. Bắt đầu từ các mô hình khảo nghiệm, trình diễn cho đến sản xuất đại trà, các giống lúa của ThaiBinh Seed luôn thể hiện được những kết quả khả quan, khiến ai chứng kiến cũng phải mê mẩn.
Để rồi, nhận thấy những tiềm năng và lợi ích mà các giống lúa của ThaiBinh Seed mang lại, nông dân đã không ngần ngại lựa chọn để sử dụng thay thế cho các giống truyền thống trước đây. Dù trong điều kiện thời tiết thuận lợi hay khắc nghiệt, năm nào cũng vậy, những giống của ThaiBinh Seed vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, mang về những vụ mùa bội thu.
Năm 2007, ThaiBinh Seed chính thức tiếp cận khu vực miền Trung – Tây Nguyên bằng việc mở thêm một chi nhánh ở Quảng Nam (Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed - Chi nhánh Miền Trung - Tây Nguyên).
Đó không chỉ là một bước đi quan trọng của đơn vị này, mà còn là bước ngoặt đối với người dân ở dải đất đầy nắng và gió này. Bởi, ở vùng này vào thời điểm đó, hiệu quả canh tác lúa chưa thể bằng nơi khác khi thường xuyên đối mặt với thiên tai, sâu bệnh hại nên hiệu quả thấp.
ThaiBinh Seed - Chi nhánh Miền Trung - Tây Nguyên đã liên tục đưa những giống lúa chất lượng, chống chịu sâu bệnh và thích ứng tốt với khí hậu, thổ nhưỡng đến khắp các tỉnh trong khu vực. Không chỉ vậy, đội ngũ kỹ thuật của Công ty cũng thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn cụ thể cách canh tác, chăm bón cho bà con nông dân nhằm mang lại thành công nhất.
Nhờ đó, năng suất lúa ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên không ngừng tăng lên. Có rất nhiều địa phương đạt đến trên 90 tạ/ha, điều mà trước kia nông dân tại đây chưa bao giờ thấy được. Từ những gì tận mắt thấy, họ đã đặt trọn niềm tin và sử dụng các giống lúa của ThaiBinh Seed vào sản xuất trên đồng ruộng của mình.
Chỉ sau vài năm, diện tích đồng ruộng sử dụng các giống lúa của ThaiBinh Seed không ngừng mở rộng. Một số giống được lựa chọn vào cơ cấu chủ lực của các tỉnh. Không phụ lại niềm tin và kỳ vọng, từ thời điểm có mặt tại khu vực này, hầu như các giống lúa của ThaiBinh Seed chưa nhận bất kỳ lời phàn nàn nào của các hộ sản xuất.
Hiện nay, các giống chủ lực của ThaiBinh Seed tại đây có thể kể đến như TBR1, TBR225, BC15 kháng đạo ôn, TBR97…
Nông dân gắn bó nhờ "giá trị thật"
Hơn 10 năm qua, HTX Nhơn Thọ 2 (Thị xã An Nhơn, Bình Định) đã đồng hành cùng với ThaiBinh Seed – Chi nhánh miền Trung – Tây Nguyên để không ngừng nâng cao hiệu quả từ cây lúa. HTX này bây giờ có đến gần 200ha diện tích liên kết tiêu thụ sản phẩm với công ty, đạt sản lượng trên 3.600 tấn lúa các loại mỗi năm. Trong đó, một trong những giống lúa chủ lực là TBR1.
Ông Phạm Duy Tân, Giám đốc HTX Nhơn Thọ 2 cho biết, HTX đã chọn giống TBR1 làm chủ lực nhiều năm qua và được nông dân rất ưa chuộng. Vụ hè thu năm nay, năng suất lúa TBR1 đạt bình quân 70 tạ/ha. Còn trong vụ đông xuân 2021, có những đám ruộng thu được đến 500kg/sào (sào 500m2). Đặc biệt, TBR1 làm vụ hè lúa còn đẹp hơn cả vụ đông xuân. Năng suất lúa TBR1 hiện dẫn đầu các giống lúa làm đại trà trên địa bàn.
Nói về các giống lúa của ThaiBinh Seed, không thể không nhắc đến giống BC15. Đây là giống được đánh giá cao về năng suất, chất lượng, canh tác được cả 2 mùa vụ. Giống đã được người dân các tỉnh miền Trung đưa vào sản xuất nhiều năm trước đây và là một trong những giống chủ lực của các tỉnh. Tuy nhiên, BC15 có một đặc tính là dễ bị nhiễm đạo ôn (cấp 7-9) nên khi gặp thời tiết không thuận lợi thì năng suất và sản lượng bị ảnh hưởng.
Đến năm 2017, nhược điểm trên đã được khắc phục khi Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã phối hợp với ThaiBinh Seed cấy thành công gen kháng đạo ôn (pita) vào giống lúa BC15, đồng thời khảo nghiệm ở nhiều địa phương. Qua 4 năm, giống BC15 kháng đạo ôn cho thấy khả năng sinh trưởng, năng suất, chất lượng vẫn giữ được như giống nguyên bản. Đặc biệt, giống còn có khả năng kháng đạo ôn rất tốt.
“Tôi sử dụng giống BC15 đến được hơn 10 năm rồi. So với các giống trước đây, BC15 có nhiều ưu điểm như năng suất cao, chất lượng tốt, đẻ nhánh khỏe. Mặc dù vậy, có những vụ cây lúa thường bị nhiễm đạo ôn, phải tốn nhiều chi phí thuốc BVTV. Vì vậy, khi nghe tin có giống BC15 mới kháng đạo ôn, tôi liền mua thử về canh tác", ông Phan Khôi, trú xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam phấn khởi nói.
Theo dõi quá trình sinh trưởng của giống, ông Khôi đánh giá giống BC15 kháng đạo ôn vẫn giữ được những ưu điểm trước đây. Bên cạnh đó không hề thấy dấu hiệu của bệnh đạo ôn xuất hiện. Nhờ vậy, chi phí sử dụng thuốc BVTV cũng giảm đi từ 150.000 – 200.000/sào. Thêm nữa, đây là giống có giá bán lúa thương phẩm cao hơn giống đại trà từ 700 – 1.000 đồng/kg nên lợi nhuận cao hơn.
Với giống TBR225, sau khi được công nhận là Giống Quốc gia vào năm 2015, TBR225 đã có mặt tại miền Trung và được nông dân đón nhận rất nhiệt tình. Đến nay, ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, TBR225 đã là cái tên khá thân thuộc với nông dân. Giống lúa này được đánh giá cao ở khả năng sinh trưởng khỏe, trổ bông đều và tập trung, đặc biệt là năng suất vượt trội.
Qua 6 năm liên tiếp sản xuất giống TBR225, ông Hồ Anh Tuấn (trú xã Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam) chia sẻ, với những ưu điểm đã thể hiện, TBR225 giờ đây đã trở thành giống lúa được bà con tại địa phương này sử dụng chủ yếu.
“TBR225 rất thích hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương. Giống lúa sinh trưởng, phát triển tốt và từ khi sản xuất đến nay rất ít khi xuất hiện sâu bệnh.
Ngoài ra, TBR225 còn cứng cây, nhiều thời điểm gặp mưa kèm theo gió lớn nhưng chống chịu đổ ngã tốt. Điểm nữa là giống lúa này thích hợp được sản xuất 2 vụ trong năm, năng suất thu được cao hơn các giống đại trà ở địa phương. Vụ hè thu đạt khoảng 70 tạ/ha còn vụ đông xuân trung bình khoảng 83 – 85 tạ/ha”, ông Tuấn cho biết.
Ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc ThaiBinh Seed – Chi nhánh Miền Trung - Tây Nguyên cho biết, để khẳng định khả năng thích ứng, năng suất và chất lượng của giống, nhiều mùa vụ vừa qua, Công ty đã thực hiện các mô hình trình diễn ở nhiều địa phương trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên với nhiều chân đất khác nhau. Các mô hình đều đạt kết quả tốt, được các hộ tham gia cũng như người dân chứng kiến, ngành chức năng đánh giá cao.
“Hiện nay, TBR1, TBR225 và BC15 đang là những giống chủ lực tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Hằng năm, Công ty cung ứng ra thị trường khoảng 600 tấn mỗi loại. Để mở rộng thêm diện tích sản xuất, 2 năm trở lại đây, chúng tôi đã thực hiện các mô hình trình diễn những giống này tại các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận và Tây Nguyên và đều cho hiệu quả tích cực.
Ngoài ra, những năm tới, định hướng của Tập đoàn là đưa thêm các giống lúa trung và ngắn ngày, đến người dân trong khu vực. Trong đó đặc biệt có giống TBR97 rất triển vọng”, ông Phú nói.