| Hotline: 0983.970.780

Thâm cung hoàng gia các nước: Những bê bối ở châu Á

Thứ Sáu 19/04/2019 , 08:46 (GMT+7)

Người dân nhiều quốc gia châu Á thường có xu hướng dành tình cảm đặc biệt cho các thành viên hoàng gia bởi tầm ảnh hưởng của họ trong xã hội.

Cuộc sống thượng lưu và danh giá bên trong các gia đình hoàng tộc luôn là đề tài gây chú ý. Tuy nhiên, chúng đôi khi cũng bị bủa vây bởi bị kịch và những vụ bê bối nghiêm trọng, theo South China Morning Post.
 

Vụ thảm sát trong cung điện Nepal

Đêm 1/6/2001, Cung điện Narayanhity, nơi ở của nhà vua Nepal cùng gia đình lúc bấy giờ, bỗng biến thành biển máu. 10 thành viên của hoàng gia Shah, bao gồm cả Vua Birendra Bir Bikram Shah, Hoàng hậu Aishwarya cùng hai con, bị bắn chết.

14-03-44_1
Vua Nepal Birendra và Hoàng hậu Aishwarya. Ảnh: AFP.

Kẻ gây ra vụ thảm sát không ai khác lại là Thái tử Dipendra, con trai Vua Birendra. Thái tử ra tay trong tình trạng say rượu, theo tiến sĩ Rajiv Shahi, thành viên hoàng gia sống sót sau thảm kịch.

Quy định của Hoàng gia Nepal cho phép quá trình kế vị được tự động tiến hành khi nhà vua qua đời. Tuy nhiên, Dipendra chết chỉ ba ngày sau khi đăng cơ. Theo một số nguồn tin, nguyên nhân dẫn tới vụ thảm sát là do Vua Bidendra và Hoàng hậu không tán thành hôn nhân giữa Thái tử Dipendra và bạn gái, vốn xuất thân từ một gia đình danh giá Ấn Độ. Hai người được cho là gặp nhau khi Thái tử đang học tập tại Anh.

Vì Dipendra đã qua đời nên người chú Gyanendra, tức em trai Vua Bidendra, trở thành tân vương Nepal. Tuy nhiên, người dân Nepal đã vô cùng giận dữ. Nhiều cuộc bạo loạn nổ ra ở thủ đô Kathmandu vì cho rằng đây là kế hoạch của Gyanendra để chiếm ngai vàng.

Vua Gyanendra không được lòng dân chúng. Đầu năm 2008, ông bị buộc thoái vị sau một cuộc bỏ phiếu với kết quả cho thấy hầu hết các đảng đều muốn biến Nepal thành một nước cộng hòa, chấm dứt sự cai trị của triều đại Shah trong hơn hai thế kỷ. Cung điện Narayanhity ngày nay trở thành một bảo tàng.
 

Đại án tham nhũng Hoàng gia Thái Lan

Srirasmi Suwadee, người vợ ba của Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, đã không xuất hiện trước công chúng từ khi hai người ly dị vào tháng 12/2014. Xuất thân là thường dân, bà Srirasmi kết hôn với nhà vua vào năm 2011, lúc bấy giờ còn là thái tử, và hạ sinh hoàng tử Dipangkorn, hiện 14 tuổi và là người kế vị ngai vàng.

14-03-44_2
Srirasmi Suwadee (phải) là vợ ba của Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn. Ảnh: EPA.

Sau khi một số người thân, trong đó có cả cha và mẹ bà Srirasmi, bị cáo buộc tham nhũng và lợi dụng địa vị hoàng gia để trục lợi, bà đã xin từ bỏ tước hiệu hoàng gia vốn do quốc vương quá cố Bhumibol Adulyadej sắc phong.

Theo James Buchanan, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa nghiên cứu châu Á và Quốc tế thuộc Đại học City, Anh, sự việc được lan truyền rộng rãi nhưng với luật khi quân nghiêm khắc của Thái Lan, người dân rất dè dặt khi bàn tán về nó.
 

Hoàng thân ăn chơi

Hoàng thân Jefri Bolkiah, em trai Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, nổi tiếng ăn chơi nhờ bộ sưu tập siêu xe, du thuyền triệu đô và hai “bức tượng khiêu dâm” kích thước như người thật của ông và hôn thê.

Tuy nhiên, Hoàng thân Jefri phải từ bỏ lối sống xa hoa vào năm 2000 khi ông bị anh trai kiện vì chiếm đoạt 14,8 tỷ USD từ Ủy ban Đầu tư Brunei, cơ quan quản lý nguồn thu từ dầu mỏ của nước này. Ông bị cách chức bộ trưởng tài chính và phải sống lưu vong ở London, Anh.

Jefri đã phải ký thỏa thuận trả lại hơn 50 bất động sản ở Mỹ, châu Âu và Anh, để đổi lấy khoản trợ cấp 300.000 USD/tháng. Nhưng các tài liệu pháp lý sau đó hé lộ ông chỉ trả lại một phần tài sản.

14-03-44_3
Hoàng thân Jefri Bolkiah của Brunei. Ảnh: AP.

“Khi ấy, người dân bàn tán nhiều về vụ việc. Tin tức tràn ngập mạng Internet và không bị kiểm duyệt, điều đáng chú ý với một quốc gia có truyền thống kiểm soát chặt chẽ truyền thông”, một công dân Brunei 31 tuổi giấu tên nói.
 

Nữ vương ‘bất khả thi’

Hamengkubuwono X, người trị vì thứ 10 của triều đại Yogyakarta, Indonesia, từng khiến hoàng gia trở thành tâm điểm chú ý vào năm 2015 khi ông sắc phong con gái cả Gusti Kanjeng Ratu Mangkubumi làm “công chúa kế vị” thừa kế ngai vàng.

“Một nữ vương là điều bất khả thi”, Kanjeng Raden Tumenggung Jatiningrat, họ hàng của công chúa, lúc bấy giờ nói.

Nhưng Quốc vương Hamengkubuwono khẳng định ông không nghĩ giới tính là vấn đề khi phục vụ người dân.

Ông đồng thời công khai tuyên bố muốn con gái, người từng học tập ở Singapore và Australia, với tư cách nữ vương và lãnh đạo khu tự trị đặc biệt Yogyakarta. Tòa án Hiến pháp Indonesia năm 2016 ra phán quyết loại bỏ chế độ phụ hệ trong hoàng gia Yogyakarta, tạo điều kiện cho phụ nữ lên nắm quyền lãnh đạo.

Nhưng Teuku Rezasyah, trưởng khoa nhân loại học tại Đại học President, Tây Java, cho biết quyền lực của công chúa vẫn là đề tài gây tranh cãi giữa người dân Yogyakarta, khu vực có dân số khoảng 400.000 người.

Yogyakarta là khu vực duy nhất có vua cai trị ở đất nước dân chủ Indonesia. Thành viên hoàng gia vẫn có quyền tham gia chính trường. Vợ của Quốc vương Hamengkubuwono, Hoàng hậu Kanjeng Ratu Hemas, cũng là một chính trị gia.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.