Cùng người bệnh nhịn ăn, uống dầu ô liu...
Trong những ngày đầu tiếp cận với cơ sở Dưỡng sinh Đông y Thiên Ý, chúng tôi đã trải qua quá trình tiết thực - một liệu pháp mà trung tâm này quảng bá như là phương pháp chữa khỏi cho nhiều loại bệnh, bao gồm cả những căn bệnh hiểm nghèo. Từng bước, từng chi tiết, chúng tôi chứng kiến và trải nghiệm những gì mà cơ sở này thực hiện nhằm “giúp cơ thể tự chữa lành”.
Cuối ngày đầu tiên, sau khi tham gia vào các hoạt động trong quá trình tiết thực tại cơ sở mà chúng tôi đã thông tin trước đó. Là một người mới, tôi bắt đầu được hướng dẫn thực hiện thanh lọc cơ thể, làm sạch gan, mật.
Người đàn ông tên Đức, người phụ trách hướng dẫn tôi, dẫn tôi xuống tầng 1. Ở đó, Đức cẩn thận gọt dưa hấu, loại bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, còn lại cùi trắng vẫn được giữ nguyên. Anh bảo đó là phần tốt nhất, có lợi cho việc thải độc. Đức căn dặn tôi phải ăn thật no, thật nhiều dưa hấu để cơ thể sẵn sàng cho quá trình thanh lọc vào buổi tối.
Gần 8 giờ tối, Đức quay trở lại với một túi chườm nóng và hai bát nhỏ: một bát chứa dầu ôliu và bát còn lại là nước chanh nguyên chất. “Đặt túi chườm lên bụng phải,” anh chỉ dẫn tỉ mỉ từng bước. Sau đó, tôi được yêu cầu uống dầu ôliu và nước chanh theo từng đợt, mỗi loại chia thành sáu lần uống luân phiên, mỗi lần cách nhau khoảng 5 phút. Cảm giác khó chịu nhanh chóng tràn ngập cơ thể tôi, nhưng Đức trấn an: “Phải kiên nhẫn, dù khó uống, nhưng cố gắng chịu đựng thì mới có thể thải độc hiệu quả”.
Bên cạnh tôi, một người đàn ông mắc ung thư gan đang tiết thực nhiều ngày tại cơ sở này nở nụ cười yếu ớt và nói: “Mấy hôm trước phòng đông lắm, ai cũng xếp hàng uống thế này. Uống khó lắm, nhưng phải cố. Không dễ đâu.” Những lời khích lệ ấy, trong không gian tĩnh lặng và đầy sự chịu đựng của những con người đang ở bước đường cùng, chỉ còn là những lời nói lấp lửng, mong manh.
Chị H., một phụ nữ từ Thái Bình mắc ung thư xương, đã trải qua nhiều năm điều trị với chi phí lên đến hàng tỷ đồng. Chồng chị đưa chị đến cơ sở này và chị đã bắt đầu theo phương pháp tiết thực trong nhiều ngày. Mỗi ngày, chị phải chống chọi với những cơn đau nhức ngắt quãng, đặc biệt là vào ban đêm.
Đêm đầu tiên tôi ở trong cơ sở này, chị H. không ngừng kêu đau, thều thào không ra lời. Để hỗ trợ chị, ông Dũng, người phụ trách trung tâm, chỉ đứng đó, xoa bóp gáy chị mà không có thuốc men hay điều trị y học. Ông cho rằng những cơn đau này là dấu hiệu của sự “thải độc”. Nhưng có thực sự như vậy không? Chẳng có gì để đảm bảo cho luận điểm của ông Dũng.
Trấn an nhiều bệnh nhân khác với cách tương tự, ông Dũng lần lượt đặt tay lên đầu từng người để "truyền năng lượng". Cũng không ai biết nguồn "năng lượng" của ông Dũng truyền cho bệnh nhân được khởi lên từ đâu. Và ông đã tu luyện như thế nào để có được nguồn năng lượng quý giá đó?
Sáng hôm sau, tôi cùng các bệnh nhân được đưa lên tầng thượng để “phơi nắng” và ngồi thiền. Tôi tiếp tục được Đức hướng dẫn quy trình thải độc trên tầng 3 của cơ sở này. Đức lấy 2 lít nước kiềm pha cùng muối và yêu cầu tôi uống hết càng nhanh càng tốt để thải độc. Hai tay đỡ ca nước lên, cảm giác nặng nề đè lên lòng bàn tay. Nén cơn đói cồn cào vì đã nhịn ăn cả ngày hôm trước, tôi bắt đầu uống từng ngụm nước, vị mặn của muối hòa quyện với vị lạ lẫm của nước kiềm.
Mỗi lần nuốt trôi, tôi cảm nhận được sự khó chịu trong bụng ngày càng gia tăng. Đức đứng bên cạnh, không rời mắt khỏi tôi, dường như anh đang theo dõi từng chuyển động của cơ thể tôi. Lời dặn của Đức vẫn vang vọng bên tai: “Chỉ cần uống hết, khi nào đi vệ sinh được thì mới thực sự thải độc”.
Cuộc gặp gỡ "bác sĩ lạ"
Nhiều gia đình phản đối việc người thân của họ tìm đến đây để chữa bệnh vì không tin vào hoạt động của nơi này. Ngày 11/10/2024, người nhà của ông Trần Văn Nghiêm ở Hoài Đức (Hà Nội) đã đến trực tiếp cơ sở này để tìm hiểu. Người nhà ông Nghiêm được ông Dũng dẫn đi thăm các phòng với nhiều bệnh nhân mắc các bệnh tình khác nhau. Trong quá trình đó, ông Dũng giới thiệu một nữ bác sĩ tên Lê Thị Bích Thoa, Phó Trưởng Khoa của một bệnh viện tỉnh tuyến tỉnh (thông tin chưa được kiểm chứng).
Theo lời ông Dũng, bà Thoa có 29 năm trong ngành y, cả thời gian học tập và công tác. Bà được cho là mắc các bệnh lý nặng như u trung thất 13cm, nhược cơ, và huyết khối trong tĩnh mạch. Bà Thoa cho biết đã tham gia nhịn ăn tại cơ sở này hai đợt: đợt đầu kéo dài 20 ngày, đợt thứ hai kéo dài 26 ngày, và hiện tại bà tuyên bố đã khỏi bệnh hoàn toàn.
Những gì bà Thoa chia sẻ khiến không ít người phải suy ngẫm. Bà cho rằng: "Tin thì theo, không tin thì lượn. Không phải bác sĩ nào cũng tin đâu, nghìn bác sĩ mới được một bác sĩ như này". Ngay sau đó, bà đã “tư vấn” cho người bệnh khác về phương pháp nhịn ăn để trị bệnh, thậm chí sử dụng các động tác tay để "bắt bệnh" cho người khác đầy mê tín. Cách bà hành động và phát ngôn khiến nhiều người nghi ngờ về chuyên môn của một người đã có 29 năm học tập và làm việc trong ngành y.
Bà Thoa còn cho biết sau khi tiết thực, bà nhận được khả năng “bề trên ban cho” và có thể xem bệnh cho người khác.Bà cũng nhấn mạnh, bệnh nhân cần tin tưởng tuyệt đối vào phương pháp này và nếu quá đau trong quá trình nhịn ăn thì có thể gọi ông Dũng lên để "truyền năng lượng".
Câu chuyện của bà Thoa không chỉ gây hoang mang mà còn đẩy tôi vào trạng thái đầy bối rối. Những lời nói và hành động mang hàm ý "tâm linh" của bà Thoa như một mảnh ghép phức tạp trong bức tranh về pháp tiết thực tại cơ sở này, để lại cho tôi nhiều câu hỏi nghi ngại về tính xác thực của phương pháp và khả năng chữa lành mà nó mang lại.