| Hotline: 0983.970.780

Thăm "vua" sầu riêng

Thứ Hai 29/04/2013 , 10:07 (GMT+7)

Sở dĩ tôi gọi anh Trung là "vua" bởi ở nước ta ít có ai, hay không có ai, am hiểu một cách thật cặn kẽ về mọi mặt của cây sầu riêng bằng anh.

Trong dịp vào TP Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk) tham dự lễ hội cà phê tôi đã dành một ngày xuống thăm tỉnh Đăk Nông, nơi tôi có một trong ba nhiệm kỳ làm Đại biểu Quốc hội. Tôi được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và bè bạn tiếp đón ân cần. Tôi cũng được đáp ứng một yêu cầu là đi thăm anh Nguyễn Ngọc Trung, người đang sở hữu độc quyền 62 ha sầu riêng (!).

Thật đáng kinh ngạc không phải vì số tài sản lớn lao này mà vì công sức anh đã bỏ ra mới từ ngày thành lập tỉnh Đăk Nông non trẻ. Thật đáng tự hào khi đứng giữa một rừng sầu riêng rộng bát ngát mà chính anh đã khởi công xây dựng. Anh vồn vã bắt tay tôi như những người đã quen biết từ lâu. Anh giục mọi người ra vườn hái vú sữa về cho chúng tôi ăn. Những cây vú sữa sai quả trồng chỉ để cho anh và các cộng sự ăn cho vui chứ không kinh doanh.

Tôi bật phần ghi âm của máy điện thoại để ghi lại buổi trao đổi rất thú vị về anh. Thật không biết gọi anh là thành phần gì? Một nông dân đích thực- vì hàng ngày anh trực tiếp tham gia xây dựng và phát triển trang trại. Một kỹ sư chính thức - vì anh đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp. Một địa chủ mới ư? Không đúng, anh không bóc lột ai mà tạo công ăn việc làm cho vô số bà con bản địa với mức thu nhập cao.

Điều tôi thấy đích đáng nhất là gọi anh là ông vua sầu riêng, vì qua cuộc trao đổi tôi có cảm nhận ở nước ta ít có ai, hay không có ai, am hiểu một cách thật cặn kẽ về mọi mặt của cây sầu riêng bằng anh. Anh xứng đáng đứng đầu một viện nghiên cứu sầu riêng nếu Nhà nước biến trang trại này thành một viện nghiên cứu, sau khi trang bị cho anh 1 phòng phân tích với các thiết bị hiện đại và một số nhà nghiên cứu trẻ vừa giỏi giang vừa đầy tâm huyết như anh đối với loài cây ăn quả quý giá này.

Tôi bật phần ghi âm của máy điện thoại để ghi lại cuộc trao đổi với anh thật là thú vị này. Phần gỡ băng thực sự có khó khăn nên chỉ xin coi đây là một phần của cuộc trao đổi đầy hào hứng trong ngày hôm ấy:

- Cho tôi ghi lại tên anh?

- Em tên Nguyễn Ngọc Trung ở 39/31, đường Nguyễn Ngọc Cung, phường 16, quận 8, TP.HCM. Em lên trên này từ lúc vừa tách tỉnh (Đăk Lăk cũ tách thành Đăk Lăk và Đăk Nông) đầu năm 2004, cả cơ ngơi này mới trải qua có 9 năm thôi.

- Tại làm sao mà anh lại có được một diện tích lớn đến như thế?

- Do em mua lại đất đai của 7 - 8 hộ gia đình bà con ở đây và mua một lúc luôn.

- Như vậy anh phải mang cái gì từ dưới TP lên chứ, lấy đâu ra ngay một núi tiền như vậy?

- Hồi ấy rẻ lắm anh ạ. Tính ra chưa đến 120 cây vàng cho cả 62 ha này, mỗi ha là 11 triệu, lúc đó tính ra vàng khoảng 1,8 cây vàng/ha.

- Nhưng khi đó diện tích này ở đây đang trồng cây gì?

- Chỉ là một bãi vườn tạp hỗn hợp năng suất rất kém, chủ yếu là cà phê và một ít hồ tiêu.

- Sau đó anh huy động chặt bỏ hết đi à?

- Chặt bỏ hết, cà phê năm đó có hơn 2.000 đ/kg.

- Khi anh lên đây đã có vợ con chưa?

- Có rồi, một vợ, hai con.

- Anh mang cả chị và hai cháu lên ngay à?

- Không, vợ con em vẫn đang ở dưới TPHCM. Em vẫn chạy lên chạy xuống bằng cái xe con kia kìa.

- Ban đầu anh kiếm đâu ra lực lượng để cải tạo cả cái trang trại đồ sộ này?

- Hầu hết những người làm ở đây với em đều là dân miền Tây, do anh em bạn bè giới thiệu mà chung sức với nhau cùng làm.

- Anh kể một chút về thời đoạn đầu gian truân ấy được không?

- Có lẽ chỉ là cái duyên thôi anh ạ. Thật ra chỉ là một chuyến đi lạc đường (!) Năm đó đầu năm em tính đi ra Hà Nội, lên Cái Bang là để đón thêm một người bạn, cho nên mới đi qua Đắk Nông, bị nhầm đường rồi lạc vào đây.

- Sao lại bị lạc đường?

- Em đi Đăk Lăk đến ngã ba Hồ Vịt, nhẽ ra phải rẽ trái, em lại đi thẳng luôn thế là vào đến đây. Đến nơi thì trời vừa sáng. Đậu lại để hỏi thăm đường và ăn sáng. Tự nhiên cảm thấy khí hậu, thời tiết ở đây đâu có khác gì ở Lâm Đồng? Nói chuyện với bà con và bỗng thấy đất đai quá rẻ. Bà con làm ăn ít lãi nên chẳng mặn mà giữ đất nữa. Thật lạ, giá 1 ha ở đây chỉ bằng 1 sào bên Lâm Đồng. Thế là chả cần đắn đo nhiều, em quyết định ngay chuyện mua đất và lập nghiệp tại đây!

- Chắc là phải bán cái gì ở TP.HCM thì mới có tiền chứ?

- Ngày ấy em có xưởng mộc, kinh doanh ngành hàng trang trí nội thất, lấy cái đó bán đi một phần lấy tiền mua đất anh ạ.

- Thế là mất cái xưởng mộc ấy rồi à?

- Không, vẫn còn anh ạ, em chỉ mới nghỉ kinh doanh ngành mộc từ cách đây mấy năm thôi

- Một mình anh mua hết cả 62 ha này cơ à?

- Không phải một mình em đâu. Cũng có thêm mấy anh em cổ đông tâm huyết với nghề này, lại đã từng sống và làm việc trên đây. Đó là số anh em trước đây tình nguyện đi thanh niên xung phong tại vùng này.

- Góp nhau lại, nhưng anh vẫn là chính phải không?

- Hiện nay có 4 anh em, phần em khoảng 40%, còn lại ba anh kia khoảng 60%.

- Các anh vẫn ăn chia theo tỷ lệ đó à?

- Chưa có chia đâu, đến giờ này chỉ có góp thôi, phải hòa vốn đã rồi mới tính chuyện chia chác chứ!

- Tôi thấy sầu riêng có đầy trang trại rồi mà?

- Đúng là đã có từ cách đây 2 năm rồi, nhưng chưa ăn thua gì. Hàng năm vẫn phải góp thêm vào. Hy vọng năm nay mới đủ lấy thu bù chi. Năm ngoái vẫn còn phải chi thêm 2 tỷ đấy.

- Sao cần thêm nhiều tiền thế?

- Anh tính, phải chi mua phân bón, thuốc trừ sâu, chi lương cho công nhân... Năm ngoái thu được có 310 triệu thôi, vì cây vẫn còn nhỏ mà.

- Còn năm nay có phải huy động thêm tiền không anh?

- Năm nay hy vọng lấy thu bù chi đủ, chưa thu hoạch được hết, mới chỉ khai thác được khoảng 2.500 cây sầu riêng thôi.

- Vẫn chưa có lãi hở anh?

- Không anh ạ, năm nay thu bù chi là tốt lắm rồi. Từ sang năm mới bắt đầu có dư. Thế là nhanh rồi anh. Làm chuyện cây ăn quả đâu có nhanh được? Anh biết đấy, làm nông nghiệp rủi ro còn có thể nhiều lắm.

- Đây là cao nguyên cà phê, anh so với cà phê thì sao?

- Đây đâu phải vùng đất bazan như bên Đăk Lăk. So với cà phê thì cây sầu riêng của em sẽ trụ được. Em đã xác định ngay từ đầu rồi. Nếu ngày ấy em không mê cây sầu riêng thì có vườn cà phê sẵn rồi, em cứ chăm sóc, nuôi dưỡng là thu hoạch được ngay thôi. Nhưng vì vườn cà phê lúc đó 2 - 3 năm liền mất giá, cho nên vườn của họ cũng chán lắm. Họ để cỏ dại mọc um tùm. Nếu mua xong mà phục hồi lại thì giá thành cũng cao.


Vua sầu riêng Nguyễn Ngọc Trung (phải) trò chuyện với tác giả

Thế là em quyết định đầu tư mới luôn. Anh tính xem nhé, sắp tới sầu riêng trung bình mỗi cây sẽ cho khoảng 30 - 35 quả, thu được tới 100 kg, mỗi kg giá tại vườn 10 ngàn đồng, mỗi cây cho tới khoảng 1 triệu đồng rồi. Một ha trung bình có 200 cây, thế là được khoảng 200 triệu. Nếu so với cây cà phê ở đất này thì hơn là cái chắc.

- 62 ha này có bao nhiêu cây sầu riêng rồi?

- Em đang có khoảng trên 6.000 cây, diện tích còn lại trong kế hoạch năm tới em chuẩn bị trồng cây bơ xen kẽ, bỏ các cây điều hiệu quả thấp đi anh ạ.

- Còn các cây vú sữa rất ngon này thì sao?

- Bọn em trồng ít cây để ăn thôi.

- Tôi thấy vú sữa bán ngoài Hà Nội đắt lắm.

- Nhưng khó bảo quản lúc thu hoạch và khi vận chuyển dễ bị dập nát lắm.

- Cây điều cũng là mặt hàng xuất khẩu nhưng không hiểu vì sao tôi thấy nhiều nơi thất bại lắm.

- Ở đây bà con cũng thất bại, mỗi năm thu không đủ bù chi!

- Cụ thể là bao nhiêu?

- Năm vừa rồi 7 - 8 ha điều mà thu được chỉ khoảng 140 triệu đồng thôi (!).

- Thành ra nước mình đành phải nhập hạt điều về để chế biến xuất khẩu đấy (!)

- Vùng này mưa muộn, vào thời kỳ cây điều trổ hoa gặp mưa là nguy ngay, đấy là chưa nói đến sương muối. Năm nay còn khá, em dự định những cây trồng xen trong trang trại này cũng thu được khoảng 10 tấn, còn mọi năm không được đâu.

- Các anh hiện còn có bao nhiêu cây điều ở đây?

- Chỉ còn có 1.100 cây thôi anh ạ.

- Nếu được mùa thì cũng khá đấy chứ?

- Nhưng tính ra tiền trên 1 ha cũng không được bao nhiêu đâu.

- Anh có định chặt bỏ đi không.

- Giờ đang có thu hoạch, chặt đi thì phí, em sẽ trồng xen canh cây bơ vào, bơ lớn đến đâu em sẽ chặt bỏ điều đi đến đó.

- Nhưng tôi nghe nói bơ tiêu thụ đâu có dễ?

- Trên thị trường hiện nay tiêu thụ bơ mạnh lắm, cung đâu có đủ cho cầu.

- Nghe nói bên Đăk Lăk có lúc phải cho heo ăn quả bơ mà?

- Bơ ở đây là loại bơ trái vụ, nó chín muộn nên bán chạy lắm.

- Anh điều khiển được à?

- Bọn em lấy giống từ mấy cây bơ ở địa phương.

- Anh có quen TS Nguyễn Minh Châu ở Viện Cây ăn quả miền Nam không?

- Em chưa được biết ông ấy.

- Tôi sẽ liên hệ cho anh, ông ấy giỏi về các cây ăn quả lắm.

- Em sẽ tìm anh ấy để khai thác, bổ sung kinh nghiệm. Học được từ các nhà khoa học và các lão nông là quý lắm. Em đi khắp nơi tầm sư học đạo mới có kinh nghiệm làm chủ được sự phát triển của cây sầu riêng như hôm nay. Chẳng hạn phải xử lý làm sao để đến thời kỳ ra hoa thì phải rụng hết lá cũ, thay lá mới, ra khoảng được 7, 8 lá mới thì lúc đó hoa mới theo ra.

- Làm sao cho lá rụng hết được?

- Ở đây em xài urê nồng độ cao cho nó rụng lá. Khi thấy lá bắt đầu vàng, rụng khoảng 5 - 10% là em xử lý kịp thời ngay.

- Xử lý bằng cách nào?

- Bằng cách phun với nồng độ 4 kg/1.000 lít. Phun đều lên trên các lá.

- Chăm sóc cây sầu riêng có khó không anh?

- Trong tất cả các cây ăn quả thì chăm sóc cây sầu riêng là khó chịu nhất.

- Kinh nghiệm của anh lấy đâu ra nhiều vậy?

- Ngoài học trong sách báo ra, em còn tìm đến các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm của các lão nông ở khắp các vùng trồng sầu riêng đấy anh ạ.

- Anh học ĐH Nông nghiệp bao giờ thế?

- Năm 1984 em mới vào ĐH Nông nghiệp Cần Thơ, còn năm 1982 chỉ học Trung cấp Nông nghiệp thôi.

- Anh kể tiếp về kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng đi?

- Đất vùng Tây Nguyên này rất khác với đất Nam bộ. Khi trồng cây con đối với đất Tây Nguyên cần đào hố sâu, đổ phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh để bón lót, nếu đất đỏ bazan đào hố sâu từ 80 cm trở lên, còn nếu đất mỡ gà đào nông hơn (40 - 50 cm).

Đất đỏ bazan vào mùa khô nóng lắm, trồng sâu cây mới sống được, nếu trồng cạn vào mùa nắng cây chết hết. Năm đầu bài học xương máu của em là trồng xong 4.000 cây chỉ sống được khoảng hơn 100 cây thôi! Năm sau em đào hố sâu và trồng lại, mỗi cây làm thêm một lều căng lưới màu đen che nắng.

- Làm sao đào được hết cái trang trại 62 ha này?

- Phải mua máy để đào anh ạ, đào tay không nổi. Em phải trang bị đủ các loại máy ủi, máy đào chứ. Phải từng bước cơ giới hóa mới làm ăn lớn được. Chi nhiều cho nhân công thì chết.

- Như vậy anh phải đào tạo công nhân lái các máy ủi này à?

- Phải mướn công nhân chuyên nghiệp thôi. Đặc thù của đồng bào dân tộc Tây Nguyên là sau khi có tiền lương phải ăn chơi cho đến khi hết tiền thì mới chịu đi làm tiếp (!). Với vườn cây kinh doanh, sau khi thu hoạch rồi phải phục hồi, phải bón phân để tạo mầm hoa tiếp. Cần bón phân AT1, hàm lượng đạm cao để phục hồi cho nhanh, trong phân này chủ yếu là urê, còn đạm sun phát là không hợp. Khi ra một đợt rồi thì phải bón phân AT2. Trong phân này hàm lượng lân cao, đạm ít.

- Khi nào thì bón phân AT2?

- Khi lá cây đợt đầu vừa già rồi thì bón phân AT2 để phân hóa mầm hoa, AT2 bón 2 lần. Lần một khi cơi đọt vừa thành thục, khi cơi đọt thứ hai thành thục bón lần 2 để tạo mầm hoa. Khi cơi đọt thứ ba chuẩn bị thành thục thì xử lý, kích thích ra hoa bằng phân hàm lượng lân cao và dùng kali xử lý. Trước 15 ngày thì dùng Paclor (Paclor Butazol) để kích thích mầm hoa.

- Những thứ đó là hàng ngoại nhập hay của VN?

- Hàng nhập cả anh ạ. Paclor chỉ dùng được cho cây trên 7 năm tuổi, dùng không quá 2 năm phải ngưng, nếu dùng liên tục 3 năm liền thì lại hỏng. Nó kích thích sinh trưởng, chủ yếu kích thích ra hoa. Cây sầu riêng ở đây làm sớm, nếu để nó ra tự nhiên đúng thời vụ thì không cần xử lý.

- Hạn thế này anh có nghĩ tối công nghệ tưới nhỏ giọt chưa?

- Bọn em đã nhận hơn 100 triệu tiền do UBND xã hỗ trợ để tiếp thu công nghệ này đấy. Nghe nói bên Lâm Đồng báo giá thiết bị tới hơn 1 tỷ đồng. Em làm thiết bị riêng, làm thủ công mới hạ được giá chứ, nước ngoài họ mới làm tự động được vì họ đã công nghiệp hóa nông nghiệp từ lâu rồi.

Bọn em tạo thuận lợi bằng cách xây bể ở trên đỉnh cao, bơm nước lên bể, để nước tự cấp xuống. Hệ thống thiết bị tưới nhỏ giọt của bọn em dự kiến cho mỗi 1ha chỉ mất khoảng 20 triệu đồng thôi. Nếu trang bị được thì cứ thế mà dùng, tiết kiệm được vô khối nước đấy.

- Anh nói tiếp về chuyện kích thích ra hoa đi?

- Sau khi xử lý phân bón xong thì kích thích ra hoa, phun Paclor khoảng 1 tháng sau thì đâm chồi như những mắt cua. Nếu mắt cua không sáng thì dùng urê phun để phá nguyên trạng, kích thích ra hoa.

- Mắt cua không sáng nghĩa là thế nào?

- Mắt cua là từ địa phương, nó là những chồi ra bông, nếu nó không sáng thì dùng urê phun để kích thích ra hoa. Khoảng 1 tuần sau thì nhú đầy hoa. Từ khi ra hoa đến lúc nở là 2 tháng, cũng dùng phân dưỡng hoa. Dùng hàm lượng Bo cao một chút để tích được nhiều phấn, sau này dễ thụ phấn. Cần dùng phân bón lá có các nguyên tố vi lượng cao một chút. Cty Quang Nông có thuốc đặc trị chống rụng trái non rất hiệu quả. Bên cạnh đó cần bón phân nuôi trái non, bón phân không để đi đọt non, đi đọt non là trái rụng.

- Cụ thể là làm thế nào?

- Bón phân thì cứ bón nhưng phải xử lý không cho ra đọt non. Giáo sư hỏi tôi mới nói thôi đấy. Dùng sunphat kali nồng độ cao một chút. Trong quá trình nuôi quả là 4 tháng thì bón 2 lần. Lần cuối cùng trước khi thu hoạch 1 tháng. Khi thu hoạch em bán cho lái buôn họ vào vườn mua rồi tự cắt, mình tính cân thôi. Khi chưa chín họ đã phải cắt rồi, quả nào già đủ tuổi mới cắt. Cắt xong họ nhúng thuốc Ethrel với tên thương phẩm là Núng trái chín.

Người đi cắt sầu riêng mướn có lương cao lắm. Họ dùng cán dao Thái Lan gõ vào quả, nghe tiếng kêu bộp bộp tức là được. Cuống quả sầu riêng có mắt, cuống này phải sâu, nếu còn nghi thì lấy dao chích trên cuống nếu nhựa chảy ra ngọt thì cắt được tức là đường lên tới cuống. Khi cắt thì cắt trên lóng này, còn nhúng thuốc thì nhúng dưới mắt. Thời gian mình cắt, nhúng là 3 ngày. Họ cắt, nhúng thuốc xong là chở đi liền. Thời gian từ lúc đó đến lúc ăn được là 8 ngày. Nếu sử dụng không hết thì nó nứt vỏ ra, gió vào là nhạt ngay, vì vỏ lúc đó khô nó rút đường ra vỏ.

- Giống sầu riêng anh mua ở đâu vậy?

- Em mua giống ghép tận dưới Bến Tre đấy. Họ lấy hạt ươm, sau 1 năm thành gốc ghép, cắt mầm của những cây năng suất cao ghép vào.

- Những người giúp anh quản lý ở đây là thế nào?

- Như vợ chồng anh này là ở gần trường ngày xưa em giảng dạy. Lên đây giúp em 7 năm rồi. Vừa lên kế hoạch, vừa cung cấp các loại vật tư.

- Theo anh thì giống sầu riêng nào là tốt nhất?

- Giống RI6 là dễ bán nhất, giống này của ông Sáu Ri ở Bến Tre lấy từ nước ngoài về. Ông lấy mấy cây về trồng sau này dùng để cung cấp mắt ghép.

- Kinh nghiệm của anh về phòng trừ sâu bệnh cho sầu riêng như thế nào?

- Sầu riêng hay bị rầy trắng phá hại nhiều. Chúng nhỏ lắm, ở trên đọt non. Khi có đọt non thì phải phòng trừ bằng thuốc Sirus. Phun cho ướt lá. Không ảnh hưởng gì đến quả vì có quả rồi thì không còn đọt non, không có đọt non thì không có rầy. Khi có quả thì phải phòng ngừa rệp sáp. Chúng từ đất lên bám vào quả rất nhiều. Khi đó phải dùng thuốc đặc trị của Cty khử trùng. Còn phải chống nấm trên thân cành làm cho cành bị nứt và chảy nhựa. Hiện bọn em đang dùng chế phẩm sinh học để diệt nấm, thấy có hiệu quả tốt lắm.

- Anh có giúp đỡ gì bà con bản địa ở vùng này không?

- Có chứ, ngày trước vùng này làm gì có điện. Em xây dựng trạm biến thế 180 KWA rồi giao cho bên điện lực quản lý. Vừa để tưới tiêu vừa phục vụ điện sinh hoạt cho bà con.

- Tôi phải ghi lại địa điểm của trang trại này để giới thiệu ai muốn mở mang trang trại thì nên lên đây mà học.

- Vâng chúng em có kinh nghiệm gì sẵn sàng chia sẻ. Đã đến lúc nông dân ta phải chuyển sang làm ăn lớn thì mới mong công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đất nước. Trang trại bọn em thuộc thôn 8, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa. Ở đây bây giờ có tên mới là Boong Kré Ú.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.