| Hotline: 0983.970.780

Thắng thua nghề nuôi ngao: [Bài 2] Quy hoạch bị phá vỡ

Thứ Sáu 29/11/2019 , 08:56 (GMT+7)

Những bãi ngao tự phát, thiếu sự quản lí quy củ tiềm ẩn nhiều bất ổn về an ninh trật tự.

Khai thác ngao đêm.

Dù chính quyền TP Hải Phòng đã dành sự quan tâm nhất định để giải quyết bài toán nuôi ngao, đã giao các quận, huyện liên quan quy hoạch vùng nuôi, nhưng tới thời điểm này, chưa địa phương nào triển khai thực hiện được.
 

Những bất ổn từ nuôi trồng tự phát

Trước khi có quyết định của UBND TP về việc tạm giao quản lý hành chính khu vực ven biển giữa các quận, huyện thuộc TP Hải Phòng: Đồ Sơn, Dương Kinh, Hải An, Cát Hải, Tiên Lãng, Kiến Thụy, thì toàn bộ bãi triều nuôi ngao chưa được phân định ranh giới hành chính trên biển giữa các quận, huyện và diện tích này do TP Hải Phòng quản lý.

Những gồ cát hàng nghìn ha, trải dài từ khu vực quận Đồ Sơn đến huyện Tiên Lãng, là khu vực có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven biển.

Mặt khác, ở những khu vực này cũng có nhiều mỏ cát với trữ lượng lớn và hầu hết các khu vực mỏ cát đều nằm ở những vị trí là ngư trường đánh bắt tự nhiên hay khu vực nuôi ngao của ngư dân. Do đó, trong nhiều năm qua, ở khu vực này đã xảy ra tình trạng tranh chấp giữa doanh nghiệp khai thác cát với các hộ nuôi ngao, giữa các hộ nuôi ngao với các ngư dân khai thác ngao tự nhiên, dẫn đến việc nhiều mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Qua khảo sát của lực lượng chức năng, vấn đề tranh chấp bãi nuôi ngao thường xuyên xảy ra ở các khu vực bãi triều như ở phường Tràng Cát, xã Quần Mục, xã Đại Hợp, phường Bàng La, xã Quang Vinh…

Đỉnh điểm cho cuộc chiến “ngao – cát” là năm 2017, khi xuất hiện tàu khai thác cát trái phép tại các bãi cát khu vực người dân đang nuôi ngao, khiến hàng trăm ha nuôi ngao bị ảnh hưởng, nhiều nơi ngao chết trắng bãi, thì cuộc chiến tranh giành địa bàn nổ ra. Người dân và những người hút cát xô xát, chính quyền sau đó phải vào cuộc xử lí.

Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân của những bất ổn về an ninh trật tự tại những khu vực này chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn giữa các ngư dân truyền thống khai thác ngư lợi tự nhiên với người dân tự ý cắm cọc dựng chòi canh, quây vây chiếm diện tích bãi bồi không cho các ngư dân vào đánh bắt thủy sản tự nhiên.

Thứ 2, mâu thuẫn do tranh chấp diện tích giữa các hộ nuôi tự phát gây mất an ninh trật tự. Và thứ 3 là mâu thuẫn giữa doanh nghiệp được TP cấp phép khảo sát, khai thác cát với các hộ nuôi ngao tự phát.

Hiện nay, tình hình an ninh các khu vực nuôi ngao đã nhiều chuyển biến tích cực. Khu vực tranh chấp giữa hút cát và các hộ dân nuôi ngao đã lắng xuống. Tuy nhiên đó chỉ là thỏa thuận “ngầm” giữa các bên, chưa có phân định rõ ràng, rạch ròi. Và vẫn tiềm ẩn những bất ổn, có thể xảy ra tranh chấp bất cứ lúc nào.

Đơn cử như mới đây, theo anh Vũ Trí Tuân – hộ nuôi ngao ở cửa sông Văn Úc, trong 1 tháng đã xảy ra 2 vụ xô xát liên quan đến “làm ăn” tại khu vực bãi triều gần khu vực nuôi ngao của bà con.

Ông Hoàng Đình Dũng – Trưởng phòng Kinh tế quận Đồ Sơn cho hay: “Đến nay, tình hình an ninh trật tự cơ bản ổn định, không còn hiện tượng trộm cắp tài sản, đánh nhau, tranh giành khu vực nuôi ngao, không có việc chồng lấn, tranh chấp giữa các doanh nghiệp khai thác cát và nuôi thả ngao trên địa bàn.

“Tuy nhiên, tình trạng các hộ tự ý cắm cọc vây bãi, dựng chòi, nuôi thả ngao trái phép có diễn biến phức tạp, phát sinh mới nhiều trường hợp nuôi thả ngao chưa được ngăn chặn kịp thời. Công tác quản lý phương tiện, con người khu vực bãi triều còn hạn chế…”, ông Dũng nói.
 

Quy hoạch không sát thực tế

Giải quyết bài toán nuôi ngao, chính quyền Hải Phòng đã dành nhiều sự quan tâm, đã giao cho các quận huyện liên quan quy hoạch vùng nuôi. Cụ thể, năm 2017, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã hướng dẫn lập quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản các quận/huyện. Tuy nhiên, do vướng mắc trong vấn để bố trí kinh phí nên hiện mới có UBND huyện Kiến Thụy lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển nuôi ngao vùng cửa sông Văn Úc (địa bàn huyện Kiến Thụy quản lí) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉ lệ 1/100.

Theo quy hoạch này, đến năm 2020, diện tích nuôi ngao trên địa bàn huyện Kiến Thụy khoảng 750 ha, sản lượng đạt 18.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 297 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 16 triệu USD.

Tuy nhiên, tìm hiểu của PV Báo NNVN, đến nay quy hoạch này chưa triển khai được.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hải Phòng, hiện tại, trên địa bàn TP có 218 hộ nuôi ngao, trong đó có 55 hộ, diện tích đã xác định được là 937,26 ha. 
Hầu hết các hộ nuôi thả ngao tại các cồn cát vùng biển Hải Phòng đều tự phát, có hộ dân tự ý cắm cọc nhận phần diện tích ở các bãi cát bồi trên biển để nuôi thả ngao, cũng có trường hợp cắm cọc nhưng không làm lại chuyển nhượng cho người khác gây mất trật tự an ninh trên bãi nuôi thả ngao.

Theo UBND xã Đại Hợp, ngày 27/6/2018 các phòng, ban chức năng của UBND huyện Kiến Thụy phối hợp với UBND xã Đại Hợp tổ chức Hội nghị công bố Quyết định số 635/QĐ- UBND ngày 24/4/2018 của UBND huyện Kiến Thụy về Quy hoạch chi tiết phát triển nuôi ngao tại trụ sở UBND xã.

Tuy nhiên, tại hội nghị này, có nhiều ý kiến trái chiều của các hộ dân dẫn đến việc triển khai chưa được đồng thuận, có nhiều ý kiến thắc mắc về diện tích 750ha là chưa phù hợp. Do vậy việc hướng dẫn cho nhân dân hoàn thiện thủ tục đề nghị thuê mặt nước biển để triển khai nuôi ngao và hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt chưa thực hiện được.

“Hiện nay toàn xã có 45 hộ có diện tích đang nuôi thả ngao ngoài bãi triều. Các hộ nuôi tự phát, không thực hiện theo quy hoạch”, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, khẳng định.

Còn bà Nguyễn Thị Yến, hộ nuôi ngao ở thôn Nam Hải, Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy cho biết, diện tích được huyện Kiến Thụy phê duyệt chỉ có 750ha, rất ít so với thực tế diện tích người dân chúng tôi đang nuôi trồng, mặt khác quy hoạch nuôi ngao nằm nhiều ở khu vực lòng sông và bãi sình lầy, không thích hợp cho việc nuôi ngao bởi con ngao chỉ sống và phát triển trên gồ cát. Chỗ quy hoạch không thể nuôi được ngao, nên chúng tôi chưa thể thực hiện được.

“Chúng tôi ở đây không có đất nông nghiệp, xuất phát từ đi biển đánh cá, giờ chuyển sang nuôi ngao. Nếu không nuôi ngao thì chúng tôi sẽ làm gì? Chúng tôi mong muốn được nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ đầy đủ với Nhà nướ để tiếp tục nuôi ngao mưu sinh”, bà Yến nói.

Về vấn đề này, theo Chi cục trưởng Thủy sản Hải Phòng Nguyễn Thanh Xuân, trong quá trình nuôi ngao trên bãi, các ngư dân thường không có vật chuẩn để xác định ranh giới nên thường xảy ra tranh chấp, gây lộn xộn trên bãi ngao. Công tác quản lý bãi triều của chính quyền địa phương và các ngành chức năng còn chồng chéo, khó kiểm soát.

Hiện tại, một số quy hoạch cũ đã bị phá vỡ, các quận huyện tiến hành rà soát, thống kê danh sách các tổ chức, cá nhân đang sử dụng khu vực bãi bồi ven sông, ven biển để nuôi nhuyễn thể của địa phương để xây dựng quy hoạch gắn với quy hoạch chung của thành phố.

13-03-09_2
Một người dân thôn Nam Hải (Kiến Thụy) bị thương trong cuộc chiến ngao - cát năm 2017 (Ảnh nhân vật cung cấp).

“Chúng tôi đang yêu cầu các quận huyện rà soát lại diện tích nuôi thực tế, phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngành nông nghiệp… để xây dựng quy hoạch gắn với quy hoạch TP. Sẽ không có quy hoạch riêng cho từng lĩnh vực nữa mà mỗi địa phương chỉ có 1 quy hoạch chung thôi. Riêng với huyện Kiến Thụy đã có quy hoạch chi tiết và đã được UBND thành phố phê duyệt thì vẫn tiếp tục cho triển khai”, ông Xuân cho hay.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm