Trại dưỡng ngư đầu tiên của Tây Nguyên
Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku (hồi đó còn là thị xã) khoảng 30km, Trại dưỡng ngư đầu tiên ở Tây Nguyên được thành lập tại xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai ngày nay. Nơi đây có địa thế hữu tình, xung quanh là trập trùng những dãy núi, rừng cây với khí hậu trong lành. Hồi đó, khu vực trại dưỡng ngư là một thung lũng mờ sương trên cao nguyên lộng gió. Nhiều người lớn tuổi nơi đây kể lại rằng, nơi đây từng là nơi nghỉ dưỡng sầm uất cuối tuần.
Theo các tài liệu có được, và theo những người cao niên thì thời thuộc Pháp, đây vốn là một đồn điền rộng lớn do người Pháp cai quản. Đến khoảng những năm 1955 - 1961, Trại dưỡng ngư đầu tiên ở Tây Nguyên được thành lập với sự tư vấn của các kỹ sư canh nông du học ở Pháp về với mục đích nuôi, nghiên cứu và nhân giống một số loài thuỷ sản đặc hữu cho khu vực các tỉnh Tây Nguyên.
Theo đó, một vùng rộng lớn bỗng chốc trở thành một “đại công trường”. Hàng chục ao hồ với quy hoạch hết sức bài bản được thành hình: Những ngôi nhà dành cho những người quản lý có đầy đủ công trình ăn ở, sinh hoạt, làm việc khoa học. Khu sinh hoạt cho công nhân cũng được xây dựng riêng với đầy đủ những tiện nghi thiết yếu. Ở các ao hồ, hệ thống đường đi trên bờ ao được quy hoạch đủ rộng cho xe tải nhỏ có thể ra, vào tận nơi để chuyên chở các thứ cần thiết đến tận mỗi ao như thức ăn cho cá, lưới…, hoặc chở cá từ mỗi ao ra ngoài.
Cách Trung tâm dưỡng ngư khoảng 5 - 6km, Nhà máy thuỷ điện Bàu Cạn ngoài mục đích phát điện, còn lấy nước tưới cho vùng chè Bàu Cạn rộng lớn. Cũng từ hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện này, nước được dẫn về đến tận mỗi ao hồ của trại dưỡng ngư. Nguồn nước trong lành được đảm bảo quanh năm chứng tỏ sự am hiểu về thổ nhưỡng, địa lý của những người đã bỏ công khảo sát, thành lập nên trung tâm này.
Cả một quần thể kiến trúc được xây dựng liền lạc, khoa học. Không chỉ là nơi ương nuôi giống thủy sản, đây còn là nơi nghỉ dưỡng khá lý tưởng cho các quan chức thời đó.
Những lần “thay tên - đổi chủ”
Sau năm 1975, nơi đây được chính quyền tiếp quản, duy trì. Nhớ lần vào cách đây một năm, tôi gặp ông Đào Bá Lộc, khoảng gần 70 tuổi, có mặt ở xã Bình Giáo này từ năm 1986. Theo ông Lộc thì sau năm 1975, Đoàn 331 thuộc Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng tiếp quản và bàn giao cho Ty Nông nghiệp Gia Lai - Kon Tum, lấy tên gọi là Trại cá giống Thanh Bình. Toàn bộ có khoảng 20 người. “Tôi làm lái xe ở đây. Thời ấy trại chủ yếu là cho đẻ, ương nuôi một số loại cá như trắm, chép, mè, rô phi với số lượng ít. Cá của trại sản xuất ra được đưa đến một số cơ sở nuôi thuỷ sản ở Tây Nguyên”, ông Lộc nói.
Từ đó đến nay, nơi đây đã trải qua không ít lần “thay tên đổi chủ”. Năm 1993, trại cá được đổi tên thành Xí nghiệp Cá giống Tân Bình do huyện Chư Prông trực tiếp quản lý. Do yếu kém về quản lý dẫn đến thua lỗ nên chỉ một năm sau, phải chuyển sang hình thức hợp tác xã với tên Hợp tác xã nuôi cá nước ngọt xã Bình Giáo. Hoạt động được 14 năm, hợp tác xã được chính các xã viên đấu thầu lại, trồng lúa một vụ và nuôi cá. Đến năm 2008, tỉnh Gia Lai có quyết định thu hồi toàn bộ nơi này để đầu tư xây dựng lại, lấy tên gọi Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai cho đến ngày nay, giao Sở NN-PTNT trực tiếp quản lý.
Từ đây, qua nhiều thăng trầm, Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai tồn tại không mấy phần sáng sủa. Cũng phải công bằng mà nhìn nhận rằng đã có một thời gian dài, nơi đây là trung tâm ương nuôi, cung cấp một số giống cá đặc hữu cho các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài việc giúp bà con tận dụng mặt nước ngọt sẵn có để thả cá, phát triển kinh tế gia đình, trung tâm còn góp phần bảo tồn, ương nuôi và phát triển những giống cá đặc hữu, phù hợp với vùng đất Tây Nguyên. Còn bây giờ, chuyện buồn… nhiều hơn chuyện vui.
Theo quy hoạch phát triển thuỷ sản của tỉnh Gia Lai năm 2009, diện tích phát triển thủy sản đến năm 2015 đạt gần 16 ngàn ha, đến năm 2020 đạt hơn 24 ngàn ha; tốc độ tăng bình quân 2009 - 2020 là 16,22%/năm. Sản lượng thủy sản đến năm 2015 đạt gần 4.300 tấn, đến năm 2020 đạt hơn 9.000 tấn; tốc độ tăng bình quân 2007 - 2020 là 24,53% (trong đó sản lượng thủy sản nuôi đến 2015 đạt 3.500 tấn, năm 2020 đạt 8.000 tấn). Số lao động làm việc trong ngành sản xuất thủy sản đến năm 2010 là 5.000 người, năm 2020 là 9.000 người.
Buồn nhiều hơn vui
Sau Tết Nhâm Dần, tôi lại vào Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai. Giám đốc Trung tâm - ông Phạm Hữu Phước, cho biết: Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đã giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho chúng tôi từ cuối năm 2020. Khi ấy, quỹ hoạt động về sự nghiệp của trung tâm chỉ còn hơn 100 triệu. 5 con người là cán bộ, nhân viên ở đây không còn biên chế, không có hợp đồng.
Nhớ những lần trước đó vào với trung tâm, nơi đây còn đông đúc, nhộn nhịp lắm. Nhất là những lúc kéo cá, không khí nơi đây hết sức vui nhộn. Chiều đến, sân bóng chuyền lúc nào cũng có người chờ để được đến lượt mình vào sân. Bếp ăn tập thể thì đông vui, ấm áp, tối đến bập bùng tiếng đàn ghita…
Còn bây giờ…
Do không chịu nổi khó khăn, thiếu thốn nên nhiều nhân lực có trình độ về thuỷ sản của trung tâm đã phải xót xa bỏ công việc mà mình yêu thích, gắn bó từ nhiều năm. Có người về quê tận Quảng Bình làm… cò đất. Người thì về nhà nấu rượu nuôi heo. Theo đó, không ít những hồ cá giờ trơ đáy, cá thịt, cá giống rất ít.
“Nếu muốn hợp đồng thì chúng tôi phải tự bỏ tiền. Khó càng thêm khó! Hiện nhân viên đã nghỉ việc gần hết, chỉ còn lại bốn người gồm hai nam và hai nữ. Từ tháng 8 đến nay quỹ lương của trung tâm đã không còn để chi trả”, ông Phước cho biết. Cũng theo ông Phước thì năm 2021, nguồn thu của trung tâm chỉ đạt 250 triệu đồng. Nguồn kinh phí đã vậy, nhân lực cũng khó khăn không kém khi chỉ với bốn con người gồm cả giám đốc đến nhân viên, quản lý một vùng rộng lớn với ao hồ, tài sản, rồi tổ chức sản xuất kinh doanh… “Muốn kéo cá cũng cần ít nhất bốn người. Khi ấy, chính tôi cũng phải… cởi quần dài, ra tay kéo cá cùng anh em", ông Phước tâm sự.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai: “Đây là chính sách xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, không làm được thì phải xử lý thôi. Sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra, đánh giá lại. Nếu không làm được thì phải tính toán. Dĩ nhiên là phải tính toán kỹ để có những giải pháp phù hợp”.
Ông Phạm Hữu Phước: “Với 20 ao trên diện tích hơn 12ha và cơ sở vật chất hiện có, chúng tôi khẳng định có thể đủ điều kiện cung cấp cá giống, cá bột cho khoảng 30% nhu cầu. Nhưng cung thì sẵn mà đầu ra thì khó khăn. Đàn cá bố mẹ như trắm, trắm đen, mè, trôi, rô phi, diêu hồng, lăng phải giảm từ 3 tấn xuống còn 1 tấn vì không có đủ tiền mua thức ăn. Cá ốm trơ xương. Năm rồi chỉ cho cá trắm, diêu hồng đẻ. Hiện giờ khó cả nhân lực lẫn nguồn lực ”.