| Hotline: 0983.970.780

Thành công nhờ “lấy dân làm gốc”

Thứ Sáu 31/12/2021 , 18:22 (GMT+7)

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”! Áp dụng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời này, việc khó đến đâu cũng thành.

Dù là huyện nghèo nhất của tỉnh với 7/7 xã đặc biệt khó khăn, Nhưng vài năm trở lại đây, huyện Ðắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã khoác lên mình “chiếc áo mới” đẹp hơn. Ấy là nhờ phong trào xây dựng NTM có nhiều khởi sắc, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là nhờ chính quyền các cấp xác định rõ nhân tố quan trọng đầu tiên trong xây dựng NTM là dân.

Nghĩ đến dân, cho dân cái họ cần trước

Cuối năm, thời tiết Tây Nguyên se lạnh, vừa kết thúc mùa mưa, nắng dịu, không còn gay gắt như hồi tháng 5 nữa. Điều khiến tôi thích thú là tuyến đường QL14 chạy dọc 4 tỉnh Tây Nguyên đã được đầu nhà nước đầu tư, mở rộng và phẳng lỳ. Nhiều đoạn vắt vẻo trên những triền núi như dải lụa, rất đẹp. Từ TP Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông, rẽ vào QL28, hướng về xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tôi lại tiếp tục thấy môt con đường rất đẹp, 2 bên đường, xen giữa những ngôi nhà khang trang là những vườn cà phê mơn mởn.

Đến xã Quảng Sơn, tôi tấp vào quán cà phê sát bên UBND xã ngồi nghỉ, uống nước và hỏi thăm đường. Ông Lê Đình Hùng, cán bộ hưu trí, năm nay 71 tuổi, ngồi bàn bên cạnh, hỏi: “Chú ở Sài Gòn lên à?”. Tôi ngạc nhiên: “Sao chú biết hay vậy?”. Ông cười: “Nhìn người tôi đoán thôi”, rồi ướm hỏi: “Chú chắc không phải lên du lịch đâu nhỉ?”.

QL28, từ TP.Gia Nghĩa đi xã Quảng Sơn, Đắk Glong. Ảnh: Hồng Thuỷ.

QL28, từ TP.Gia Nghĩa đi xã Quảng Sơn, Đắk Glong. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nghe tôi nói đi công tác, tìm hiểu về xây dựng NTM ở địa phương, ông Hùng cho biết: “Tôi ở Hội cựu chiến binh xã nên cũng nắm rõ. Thời gian đầu Quảng Sơn làm NTM cũng chậm, vì hồi đó đa số người dân còn nghèo, suốt ngày lo lên nương lên rẫy làm quần quật, thời gian đâu mà tìm hiểu, nên họ chẳng biết NTM là cái gì, làm thế nào. Nếu không có sự đồng tình và tham gia của người dân thì dù nhà nước có rót xuống bao nhiêu tiền cũng khó. Nhất là Quảng Sơn có hơn 70% là đồng bào thiểu số. Cho nên, tôi nghĩ yếu tố quan trọng hàng đầu khi bắt tay vào làm NTM, đó là nghĩ đến dân, làm sao cho dân hiểu”.

Nghe ông Hùng phân tích, tôi ngạc nhiên hỏi: “Nếu địa phương mà có nhiều người hiểu biết như chú thì xây dựng NTM chắc thuận lợi?”. Ông Hùng cười: “Chưa hẳn đâu. Vì mình hiểu biết cũng chỉ cơ bản thế thôi, với lại mình không phải lãnh đạo, nên cũng chỉ tuyên truyền cho bà con lối xóm, chứ có quyết được gì đâu”.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, mấy năm nay Quảng Sơn đã có nhiều thành tích khá trong xây dựng NTM. Đó là từ khi người dân nhận thấy những kết quả tích cực từ chương trình thực tế mang lại, về tất cả mọi mặt. “Với đồng bào thiểu số, cần chứng minh cho họ thấy hiệu quả thực tế trước mắt. Đó là chấm dứt cảnh đói ăn, thiếu mặc, được hỗ trợ vốn, quy trình kỹ thuật trong sản xuất, đường sá đi lại sạch sẽ, trẻ con được đến trường, được chăm sóc y tế… khi họ thấy những điều tốt đẹp đó ngay trước mắt, mình mới phân tích họ họ hiểu, đó là NTM đấy. Và tiếp tục tuyên truyền để họ hiểu rõ hơn thế nào là NTM. Họ tin và làm theo ngay”, ông Hùng nói.

Mô hình cà phê xen bơ áp dụng khoa học kỹ thuật của anh gia đình Trần Mạnh Hùng, ở thôn 2, xã Quảng Sơn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Mô hình cà phê xen bơ áp dụng khoa học kỹ thuật của anh gia đình Trần Mạnh Hùng, ở thôn 2, xã Quảng Sơn. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nói về chương trình xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Kiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: “Xã Quảng Sơn đất rộng người thưa, địa hình chia cắt bởi rừng núi, đi lại khó khăn, 70% là hộ nghèo… Nói thế để anh thấy, việc xây dựng NTM khó khăn cỡ nào. Nhưng bây giờ, diện mạo Quảng Sơn đổi thay hoàn toàn rồi. Đời sống người dân, từ vật chất đến văn hoá tinh thần đều tăng lên nhiều, số hộ nghèo giảm mạnh”.

Giải thích về nguyên nhân đạt được những kết quả này, ông Kiện phân tích: “Quan trọng nhất là sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Yếu tố quan trọng nữa, là xác định rõ chủ thể của NTM là người dân, muốn dân ủng hộ, làm theo, thì trước mắt phải làm sao nâng cao đời sống mọi mặt của dân lên trước. Chúng tôi đi theo hướng này, và đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Họ sẵn sàng hiến hàng ngàn m2 đất làm đường, làm công trình công cộng. Lực lượng lao động trẻ, khoẻ của xã sẵn sàng tham gia làm công ích. Quá trình xây dựng NTM, có nhiều tổ chức, cá nhân nổi bật như Hội Cựu chiến binh chỗ chú Hùng, rồi nhiều cá nhân sản xuất giỏi, đóng góp nhiều, rất đáng biểu dương”.

Nhờ được tư vấn, hỗ trợ trong chương trình NTM mà bây giờ bà con biết làm ăn, năng suất cây trồng cao hơn, thu nhập tăng nhiều so với trước. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nhờ được tư vấn, hỗ trợ trong chương trình NTM mà bây giờ bà con biết làm ăn, năng suất cây trồng cao hơn, thu nhập tăng nhiều so với trước. Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Không vì thành tích mà huy động quá sức dân”

 Nhiều năm trước, huyện Đắk Glong có 7 xã thì cả 7 đều nằm trong diện “đặc biệt khó khăn”. Cư dân của huyện có tỷ lệ khá lớn là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào. Hộ nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí thấp. Bên cạnh đó, địa bàn rộng, bị chia cắt bởi rừng núi, hệ thống giao thông chưa được đầu tư tốt nên đi lại khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyên truyền, đầu tư xây dựng NTM.

Trước những khó khăn trên, chính quyền huyện Đắk Glong xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, không vì thành tích mà huy động quá sức dân, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, bám sát các cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến tỉnh để xây dựng kế hoạch và nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt hiệu quả cao nhất.

Bây giờ, dời sống người dân ở vùng núi Đắk Glong không còn heo hút như xưa. Thấp thoáng trong cá vườn cà phê, nhiều ngôi nhà kiên cố mới xây. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Bây giờ, dời sống người dân ở vùng núi Đắk Glong không còn heo hút như xưa. Thấp thoáng trong cá vườn cà phê, nhiều ngôi nhà kiên cố mới xây. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đến hết năm 2020, toàn huyện đạt 87 tiêu chí NTM, trung bình mỗi xã đạt 12,4 tiêu chí. Trong đó có 1 xã NTM đầu tiên của huyện là Quảng Khê. Sau 10 năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM đã thực sự lan tỏa, trở thành phong trào thi đua trên địa bàn huyện. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đã góp phần làm thay đổi rõ nét bộ mặt vùng nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Đầu năm 2021, Đảng bộ huyện Đắk Glong đã ban hành Nghị quyết “Xây dựng NTM giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030”. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, huyện Đắk Glong đặt mục tiêu có từ 2 - 3 xã đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đạt từ 14-16 tiêu chí. Trong đó, 2 xã Quảng Sơn và Đắk Ha, mỗi xã có từ 2 - 3 vườn mẫu, rẫy mẫu đạt chuẩn NTM theo quy định. Huyện cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả các xã trên địa bàn đều đạt chuẩn xây dựng NTM; trong đó, có 2-3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

So với cách đây chục năm, cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần của người dân Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã tốt hơn nhiều lần.  Ảnh: Hồng Thuỷ

So với cách đây chục năm, cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần của người dân Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã tốt hơn nhiều lần.  Ảnh: Hồng Thuỷ

Nghị quyết nêu rõ, trong công tác tuyên truyền xây dựng NTM phải được thực hiện bằng nhiều hình thức, thông qua hoạt động của các tổ chức hội, các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Xây dựng NTM phải được tiến hành đồng loạt ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí, lồng ghép các chương trình, dự án và các cuộc vận động.

Trở lại Đắk Glong hôm nay, đi trên trục QL28, 2 bên đường vẫn là những vườn cây ăn trái, cà phê, tiêu ấy, nhưng nay xanh tươi, năng suất cao hơn nhờ được canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật. Thấp thoáng giữa màu xanh vườn tược ấy, là những ngôi nhà mới xây, mái ngói đỏ au, nước sơn chưa kịp nhuốm bụi. Trường học, trạm y tế cũng đều được xây mới, khang trang hơn. Chủ nhân vùng đất này vẫn là những con người xưa cũ ấy, nhưng nay nhìn họ bớt lam lũ hơn, quần áo tươm tất hơn…

Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết “Xây dựng NTM giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030” của huyện Đắk Glong là: đẩy mạnh triển khai các đề án về lĩnh vực nông nghiệp như: “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, gắn hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; Đề án Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu các hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện... 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.