Các địa phương căng mình chống dịch
Những ngày này, trụ sở UBND các xã có dịch, xã uy hiếp, xã vùng đệm tại Thanh Hóa hầu như chỉ cắm lại vài người trực cơ quan, còn lại được huy động xuống các chốt kiểm dịch, các điểm dịch… để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch. Khắp các tuyến đường, vôi bột rải trắng xóa, các hộ chăn nuôi cũng tự lập chốt trên con đường vào trang trại, gia trại.
Tại các điểm chốt do chính quyền các cấp dựng lên, hóa chất được phun lên rơm rạ nhằm bảo lưu lâu hơn hóa chất tiệt trùng. Những chuyến xe qua trạm chốt đều được lực lượng liên ngành kiểm tra nghiêm ngặt, phun hóa chất. Người dân chủ động lên UBND các xã nhận vôi về tiêu độc khử trùng. Trại chăn nuôi lớn, nội bất xuất, ngoại bất nhập hàng tháng trời; xe chở thức ăn sau khi được tiêu độc khử trùng đều phải dừng ở phía xa, dùng băng chuyền hoặc người cõng từng bì thức ăn vào trại…
Tại các huyện, ngay khi phát hiện lợn ốm, chết, người dân đều báo cáo lên chính quyền địa phương, ngành thú y để lấy mẫu bệnh phẩm. Ngoài lượng hóa chất được tỉnh cấp, các huyện, xã chủ động mua thêm hóa chất, vôi bột phòng dịch.
Công tác chống dịch TLCP tại Thanh Hóa được Bộ NN đánh giá cao |
Chúng tôi gặp ông Trần Công Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Công (Thiệu Hóa) khi ông đang cùng các thành viên ban chỉ đạo chống dịch xuống khu chuồng nuôi của bà Lê Thị Tâm, thôn Xuân Quang để tổ chức tiêu hủy 14 con lợn bị dịch TLCP. Ông Lý cho biết, kể từ thời điểm trên địa bàn xuất hiện dịch TLCP, ông cũng như nhiều cán bộ, lãnh đạo xã chưa được một đêm yên giấc. Xã đã huy động hàng trăm lượt người tham gia chống dịch.
“Đến thời điểm này, Thiệu Công đã tổ chức tiêu hủy trên 300 con lợn, có những hộ phải tiêu hủy 2-3 lần. Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách luôn ở trong tình trạng sẵn sàng để khi cần điều động làm nhiệm vụ là đi ngay. Đã có 120 lít hóa chất, 16,5 tấn vôi được sử dụng cho công tác chống dịch. Mặc dù đến nay anh em chưa có chế độ gì nhưng tất cả đều đang rất tích cực để chống dịch. Số lượng áo chống dịch nay dã sử dụng hết, anh em đành phải sử dụng áo mưa, dùng một lần rồi tiêu hủy luôn” – ông Lý cho biết.
Thiệu Hóa là địa phương thứ 2 tại Thanh Hóa xuất hiện dịch TLCP. Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm huyện, tính đến ngày 24/3/2019, dịch TLCP đã xuất hiện tại 29 hộ của 13 thôn, 8/28 xã, thị của huyện.
Ngoài ra, có 2 xã có lợn chết với các triệu chứng dịch TLCP cũng được tiêu hủy. Cơ quan chức năng đã phải tiêu hủy 482 con lợn với tổng trọng lượng 31.911 kg. UBND huyện Thiệu Hóa đã lập 25 chốt kiểm soát, được tỉnh cấp 778 lít hóa chất tiêu độc khử trùng và huyện trích kinh phí mua 200 lít hóa chất và 54.000 kg vôi bột.
Không chỉ huyện vùng dịch, những địa phương chưa xuất hiện dịch TLCP, tinh thần chống dịch cũng đã được lên giây cót từ rất sớm.
Người dân chủ động rải vôi bột trên con đường vào trại chăn nuôi |
Bà Lê Thị Thanh Hiếu, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Hoằng Hóa vừa chỉ đạo công tác cấp phát vôi bột vừa cho biết, ngay từ cuối năm 2018, khi hay tin dịch TLCP có nguy cơ tràn vào Việt Nam, huyện Hoằng Hóa đã kiện toàn ban chỉ đạo.
Về chuyên môn, trạm tổ chức hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu của dịch TLCP đồng thời thống kê, rà soát lại tổng đàn, các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi và các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Dù cả 4 cán bộ trạm đều là nữ nhưng từ khi có kịch bản phòng chống dịch TLCP, đêm nào tại trạm cũng phải cắt cử người trực. Ngoài nguồn hóa chất được tỉnh cấp, huyện, xã cũng trích kinh phí mua dự trữ hàng trăm lít hóa chất, các phương tiện bảo hộ dùng trong tiêu hủy, phòng chống dịch.
“Cả hệ thống chính trị cấp huyện tham gia phòng chống dịch. Ban chỉ đạo huyện phân công nhiệm vụ từng cá nhân, đơn vị tham gia chống dịch. Huyện có công văn chỉ đạo các lực lượng công an, thú y, quản lý thị trường thường xuyên kiểm soát các phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn. Ý thức người dân được nâng lên qua công tác tuyên truyền. Chính vì thế, chỉ cần 1 con lợn ốm, chết thì lực lượng thú y đều nắm rõ” – bà Hiếu cho biết.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Thanh Hóa có tổng đàn lợn lớn, dao động từ 812 nghìn đến 1,2 triệu con với hơn 500 trang trại chăn nuôi lợn tập trung, 2.334 gia trại, 190.197 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ; 2.414 cơ sở, điểm giết mổ; 488 chợ bán thực phẩm. Địa bàn rộng, mật độ dân cư cao, chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ chiếm số lượng lớn khiến việc ngăn chặn, khống chế bệnh trở nên rất khó khăn, nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng.
Trước tình hình trên, ngay từ cuối năm 2018, “kịch bản” chống dịch TLCP đã được xây dựng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương giảm các cuộc họp; thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách ngăn chặn, ứng phó với dịch TLCP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y.
|
Sau khi ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp được kiện toàn, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN&PTNT trực tiếp xuống các ổ dịch để kiểm tra, chỉ đạo thực hiện bao vây, dập dịch. Sở NN&PTNT phân công lãnh đạo sở, lãnh đạo chi cục thú y cùng 2 đội phản ứng nhanh trực tiếp tại địa bàn để hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc cùng UBND các huyện có dịch thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch bệnh; thành lập 3 đoàn công tác, trưởng đoàn là giám đốc, các phó giám đốc sở kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại 27 huyện, thị xã, thành phố.
Chỉ tính từ ngày 1/3/2019 đến 20/03/2019 đã có 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời được thành lập; 2 trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông được tăng cường lực lượng; 27 huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập 171 chốt kiểm soát và 11 tổ kiểm soát lưu động thực hiện tuần tra, kiểm tra các hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn huyện, tỉnh với gần 2,2 nghìn xe chở gia súc, gia cầm được tiêu độc khử trùng. Tổng số lượng hóa chất huy động để tiêu độc khử trùng là 72.879 lít, 372 tấn vôi bột. Từ ngày 1/1/2019 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã lấy 291 mẫu giám sát dịch bệnh trên lợn. Trong số 134 mẫu chẩn đoán, giám sát bệnh dịch TLCP có 31 mẫu dương tính...Tính đến ngày 22/3/2019, toàn tỉnh đã tiêu hủy 1.357 con lợn với tổng trọng lượng 71.302,5 kg.
Vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, công tác tiêu độc khử trùng được thực hiện liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Đối với vùng đệm, vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch. Sau tháng cao điểm tiêu độc khử trùng, các địa phương định kỳ triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng những khu vực có nguy cơ cao.
Thanh Hóa đã tiêu hủy 1.357 con lợn nhiễm dịch TLCP |
Theo ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, 100% cán bộ của Chi cục Thú y và các Trạm Thú y, các trạm kiểm dịch trên địa bàn đã được huy động cho công tác chống dịch. “Chúng tôi buộc phải chia nhỏ lực lượng ra 5 chốt kiểm dịch, mỗi chốt 3 người; 2 trạm kiểm dịch, mỗi trạm 5 người. Số còn lại, cả văn phòng và các thành viên khác đều phải luôn luôn sẵn sàng chờ lệnh xuất phát.
Hễ nghe ở đâu có báo lợn ốm, chết là chúng tôi lập tức có mặt để lấy mẫu bệnh phẩm, hướng dẫn người dân, các địa phương tăng cường công tác chống dịch. Sau khi có kết quả dương tính, lực lượng thú y phải phối hợp cùng địa phương cân trọng lượng, tổ chức tiêu hủy. Nhiều lần, đoàn công tác của Sở NN&PTNT tỉnh vừa phối hợp với địa phương tiêu hủy xong thì trời đã sáng, đành chợp mắt trên xe. Có lúc vừa tiêu hủy xong điểm này nhưng lại nghe tin ở điểm khác có lợn ốm chết, thế là lại phải đi ngay. Vất vả là thế nhưng với tinh thần chống dịch như chống giặc, các thành viên ban chỉ đạo vẫn động viên anh em không được lơ là, chủ quan với dịch TLCP”.
“Mong người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn an toàn dịch bệnh”
Đó là tâm sự của ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa. Ông Giang cho hay, số lượng lợn xuất chuồng tại thời điểm này giảm tới 60% so với trước lúc dịch TLCP xuất hiện. Một phần lý do là vì tại các vùng dịch, hoạt động giết mổ, vận chuyển được kiểm soát rất nghiêm ngặt nên không có một con lợn nào tại vùng dịch được vận chuyển ra ngoài. Một phần do tâm lý e ngại của người dân khi ăn thịt lợn.
“Hiện nay, công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn trên địa bàn rất nghiêm ngặt, đảm bảo sản phẩm thịt lợn bán trên thị trường không nhiễm dịch TLCP. Người dân cần hiểu rằng, dịch TLCP không lây sang người hay động vật khác, chỉ gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi vì lây lan nhanh, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị. Vì vậy, mong người tiêu dùng sẽ không quay lưng với thịt lợn, vẫn sử dụng thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được đóng dấu kiểm dịch” – ông Giang cho biết.
Để tháo gỡ một phần khó khăn cho người chăn nuôi, tỉnh Thanh Hóa và ngành nông nghiệp địa phương chỉ đạo
Đại diện Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, công tác phòng chống dịch TLCP tại Thanh Hóa hiện cũng đang gặp những khó khăn: lực lượng thú y huyện, thị xã, thành phố mỏng; lực lượng Thú y cơ sở hạn chế về chuyên môn, phụ cấp rất thấp. Bình phun thuốc sát trùng,Thiết bị bảo quản mẫu, thùng đựng mẫu, tại huyện, xã được cấp từ năm 2011, đến nay đã hư hỏng hết; các trang bị máy gây choáng (chết) lợn trước khi tiêu hủy, bao đựng lợn, bạt, thuốc xử lý môi trường để tiêu hủy lợn chưa được trang bị. Kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch tại cơ sở hiện gặp rất nhiều khó khăn. Các hộ chăn nuôi nằm trong vùng dịch (đặc biệt là các trang trại chăn nuôi lợn lớn) không bị dịch bệnh nhưng không tiêu thụ được trong khi kinh phí đầu tư duy trì đàn lớn đây cũng là những khó khăn cho người chăn nuôi. |
các xã, huyện chưa có dịch đảm bảo mọi hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn, sản phẩm lợn theo quy định.
Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình cụ thể lập chốt kiểm soát tại đầu mối giao thông chính, cửa ngõ vào địa bàn bố trí đầy đủ các lực lượng tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24h đối với lợn và sản phẩm lợn vận chuyển qua địa bàn; phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt kiểm soát đầu mối giao thông.
Động vật, sản phẩm động vật được kiểm tra nghiêm ngặt giấy xác nhận nguồn gốc, chứng nhận kiểm dịch. Việc vận chuyển lợn, sản phẩm thịt lợn từ vùng dịch bị tạm dừng trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con lợn cuối cùng mắc bệnh DTLCP được tiêu hủy trên địa bàn cấp huyện.
Tại các vùng (cấp xã) chưa có dịch dịch TLCP, các cá nhân, tổ chức chỉ được phép vận chuyển lợn khi có đủ các điều kiện và được trạm thú y hướng dẫn đường đi; thực hiện đầy đủ các biện pháp tiêu độc khử trùng.
Đối với các cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, các cá nhân, tổ chức được phép vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch khi được cơ quan Thú y lấy mẫu, xét nghiệm và có kết quả âm tính với dịch TLCP; được cấp giấy kiểm dịch...
Đối với vùng có dịch, cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn trong cùng xã có dịch, nếu lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP và chỉ được tiêu thụ trong địa bàn có dịch...
Ngành nông nghiệp địa phương cũng tăng cường hướng dẫn người dân có các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vận động các trang trại lợn giống trên địa bàn tuân thủ nghiêm quy trình chống dịch để duy trì nguồn giống tái đàn sau dịch.
Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết thêm, sở đang đề nghị tỉnh cân nhắc cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, giết mổ, dự trữ, kinh doanh để bình ổn giá, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.