| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa: Nông dân ăn ớt...đắng

Thứ Tư 03/03/2010 , 10:10 (GMT+7)

Bỏ ngô, phá lạc để trồng ớt dự án, đến khi ớt cho quả thì sản phẩm lại không tiêu thụ được, khiến người nông dân trồng ớt tại xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) lao đao.

Dù cây ớt đang cho thu hoạch quả, nhưng bà con nông dân xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vẫn phá bỏ vì không tiêu thụ được

Bỏ ngô, phá lạc để trồng ớt dự án, đến khi ớt cho quả thì sản phẩm lại không tiêu thụ được, khiến người nông dân trồng ớt tại xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) lao đao.

Tháng 8/2009, HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Minh Lộc (HTX Minh Lộc) là bên A ký hợp đồng trồng trọt, thu mua ớt với Cty Rau quả Giang Kiều- Thượng Hải của Trung Quốc (viết tắt là Cty Giang Kiều) là bên B. Theo hợp đồng, bên A tự nguyện dành 8,5 ha đất canh tác để trồng ớt. Bên B cung cấp giống ớt, thuốc trừ sâu và chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm ớt quả đúng tiêu chuẩn.

Sau khi hợp đồng ký kết, 8,5ha đất trước đây đang dùng trồng lạc, ngô đã được HTX Minh Lộc vận động người dân chuyển sang trồng ớt. Anh Nguyễn Văn Hải, ở thôn Minh Hùng (Minh Lộc) cho biết: “Khi đưa dự án về, HTX cho chúng tôi biết trồng ớt sẽ cho thu nhập gấp nhiều lần trồng các cây hoa màu khác. Trồng mỗi sào ớt có thể cho thu nhập từ 10- 12 triệu đồng. Vậy là chúng tôi đã bỏ không trồng lạc, ngô nữa mà chuyển sang trồng ớt”.

Theo anh Hải thực tế thì việc trồng ớt tại địa phương không cho kết quả như dự án. Gia đình anh Hải trồng 3 sào ớt theo dự án. Dù chăm sóc ớt đúng như kỹ thuật được tập huấn nhưng với diện tích này, gia đình anh chỉ thu hoạch được khoảng 1 tấn ớt quả, theo giá cả đã ký kết thì bán được khoảng 3 triệu. Theo như tính toán của ông Nguyễn Văn Công- Chủ nhiệm HTX Minh Lộc, tổng đầu tư, chi phí để trồng một sào ớt đến khi cho thu hoạch hết khoảng 1,3 triệu đồng, với mức đầu tư đó nhà anh Hải không những không có lãi từ việc trồng ớt mà còn mang nợ HTX.

Tương tự nhà anh Hải, nhà ông Nguyễn Văn Hợt, 70 tuổi, ở thôn 1 cũng trồng 3 sào ớt cho dự án của HTX. Tuy nhiên 3 sào ớt nhà ông Hợt chỉ cho thu hoạch được 5 tạ ớt, tương đương 1,5 triệu đồng.

Dù trước mắt khó khăn về đầu ra cho sản phẩm đã được tạm thời giải quyết song đây là bài học lớn về việc triển khai các dự án về nông thôn. Đất sản xuất là tư liệu sản xuất gần như duy nhất của nông dân, vì thế càng không thể lấy đất nông nghiệp làm nơi thử nghiệm các dự án.

Dù năng suất kém song lượng ớt quả do người dân Minh Lộc khó nhọc trồng được lại gặp trục trặc trong khâu tiêu thụ. Ông Vũ Huy Đăng- Chủ tịch UBND xã Minh Lộc cho biết: "Khi ớt cho thu hoạch rộ thì Cty Giang Kiều chỉ thu mua được 5 tấn rồi bỏ thị trường không quay lại thu mua ớt cho người dân nữa. Thực tế trên khiến 150 hộ trồng ớt dự án trong tình cảnh dở khóc dở cười. Nhiều hộ dân đã tranh thủ dịp Tết Canh Dần 2010 đào cây ớt (có quả chín đỏ) mang lên TP bán cho người dân làm ớt cảnh chơi tết. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì mỗi cây ớt dự án xuất khẩu đem bán trong dịp tết được khoảng 7.000- 10.000 đồng. Nhiều nhà trồng ớt không có sức mang ớt đi bán thì đành nhìn cảnh ruộng ớt chín đỏ au mà không bán được".

Hiện ở Minh Lộc dù cây ớt đang cho rộ quả nhưng người dân vẫn kiên quyết phá bỏ ớt. Những diện tích ớt quả còn xanh, chưa đến kỳ thu hoạch người dân cũng ngắt bỏ ớt xanh, nhổ cây để giải phóng đất. Ông Nguyễn Văn Long- Trưởng phòng NN- PTNT huyện Hậu Lộc cho biết: “Ngay sau khi Cty Giang Kiều bỏ không thu mua ớt cho người dân Minh Lộc và người dân trồng ớt của 4 xã khác, chúng tôi đã tìm ngay đối tác mới. Hiện tại Cty CP Chế biến Nông sản Thắng Lợi (tỉnh Hải Dương) đã vào địa phương để từng bước thu mua sản phẩm ớt quả”.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.