| Hotline: 0983.970.780

Thành lập HTX ếch cùng làm giàu

Thứ Tư 07/04/2021 , 15:45 (GMT+7)

Nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm khiến nhu về ếch giống gia tăng. Nông dân huyện Củ Chi (TP.HCM) đã nắm bắt cơ hội này, thành lập HTX ếch cùng làm giàu…

Khởi nghiệp từ ếch

Theo sự giới thiệu của Hội nông dân xã Nhuận Đức (Củ Chi), chúng tôi đến thăm gia đình anh Dương Đình Tình, một trong những hộ đầu tiên nắm bắt cơ hội làm giàu từ loài ếch.

Dẫn chúng tôi đi xem dãy bể nuôi ếch xây bằng gạch, nền láng bê tông, chia thành nhiều ô riêng biệt ngay trong vườn nhà, anh Tình  kể: Sau nhiều năm làm các công việc khác nhau nhưng đều không đem lại hiệu quả kinh tế, một lần tình cờ được thăm quan mô hình nuôi ếch ở tỉnh Tây Ninh, anh quyết định khởi nghiệp bằng nghề nuôi ếch.

Trang trại ếch được làm bài bản ngay tại vườn nhà của anh Tình. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại ếch được làm bài bản ngay tại vườn nhà của anh Tình. Ảnh: Trần Trung.

Ban đầu, với số vốn khiêm tốn, anh tận dụng đất quanh nhà đào 2 ao và lót bạt để nuôi gần 5.000 ếch thương phẩm. Thế nhưng, sau 9 tháng dày công chăm sóc, đến khi cho thu hoạch thì giá ếch thịt xuống thấp, anh quyết định tuyển chọn những con ếch khỏe mạnh làm giống, số còn lại bán để cân đối thu chi. Nhờ mát tay, chỉ với 200 cặp ếch bố mẹ, sau 4 tháng đã sản sinh ra gần 8 vạn chú ếch con, với giá bán giống khoảng 500 đồng/con đem lại thu nhập trên 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ếch sinh sản tại trang trại của anh Tình. Ảnh: Trần Trung.

Ếch sinh sản tại trang trại của anh Tình. Ảnh: Trần Trung.

Nhận thấy nuôi ếch trong ao đất khó kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ sống thấp, thất thoát nhiều, qua mày mò nghiên cứu anh phát hiện ếch sống trong bể nổi xi măng với nhiều ưu điểm vượt trội. Từ đó, anh nâng cấp toàn bộ khu chăn nuôi lên thành 7 ao, dần dà tăng lên tới 80 ao. Trong đó, 15 ao được sử dụng nuôi 5.000 cặp ếch bố mẹ, 5 ao phục vụ phối giống và 60 ao nuôi ếch con.  Hiện mỗi tháng anh Tình xuất bán ra thị trường gần 1,5 tấn ếch giống (tương đương khoảng 2,2 triệu con) với giá 600 đến 900 đồng/con, thu về hàng trăm triệu đồng/tháng.

Ếch giống tại trang trại của anh Tình. Ảnh: Trần Trung.

Ếch giống tại trang trại của anh Tình. Ảnh: Trần Trung.

Bắt tay cùng làm giàu…

Thấy được hiệu quả từ mô hình của anh Tình, rất nhiều người dân trong và ngoài địa phương đã đến tham quan học hỏi và mạnh dạn đầu tư nuôi. Tuy nhiên, hầu hết bà con chưa nắm vững kỹ thuật, không ít hộ khi có dịch bệnh xảy ra thì lúng túng không biết xử lý như thế nào, dẫn đến chăn nuôi kém hiệu quả.

Anh Tình (giữa) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ếch sinh sản với các thành viên tham gia liên kết sản xuất với HTX. Ảnh: Trần Trung.

Anh Tình (giữa) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ếch sinh sản với các thành viên tham gia liên kết sản xuất với HTX. Ảnh: Trần Trung.

Nhằm giúp bà con ổn định sản xuất, năm 2019, Anh Tình đã chủ động đứng ra thành lập HTX chăn nuôi ếch Phát Đạt với 7 thành viên, quy mô sản xuất gần 5 ha. Trên cương vị mới, bên cạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm phương pháp chăn nuôi và giống ếch mới đem lại hiệu quả cao để chia sẻ, hỗ trợ cho bà con trong và ngoài HTX để cùng nhau làm giàu.

Nhiều hộ trong HTX ếch Phát Đạt có thu nhập rất tốt. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều hộ trong HTX ếch Phát Đạt có thu nhập rất tốt. Ảnh: Trần Trung.

Anh Mai Huyền Đệ, thành viên đầu tiên tham gia vào HTX cho biết, gia đình anh bắt đầu nuôi ếch từ năm 2018, do thiếu kinh nghiệm, ếch thường xuyên bị bệnh và chết khiến tổng đàn hao hụt nhiều. Từ khi tham gia HTX, nhờ được hỗ trợ kỹ thuật nên anh Đệ từng bước nắm rõ quy trình nên việc chăn nuôi ngày càng thuận lợi. Theo anh Đệ, dù chỉ sở hữu 1.000 cặp ếch giống, đợt tết vừa qua, do ếch thương phẩm hút hàng đẩy giá ếch giống lên cao ngất ngưởng hơn 900 đồng/con đã đem lại thu nhập cho gia đình anh gần 100 triệu đồng.

HTX ếch Phát Đạt đang từng bước xây dựng quy trình chăn nuôi, chế biến theo chuỗi khép kín. Ảnh: Trần Trung.

HTX ếch Phát Đạt đang từng bước xây dựng quy trình chăn nuôi, chế biến theo chuỗi khép kín. Ảnh: Trần Trung.

Không chỉ phát triển tại địa phương, HTX Phát Đạt còn liên kết sản xuất với nhiều hộ nông dân ở nhiều vùng miền. Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Tình cho biết: Khi số lượng sản phẩm làm ra ngày một nhiều, để giải bài toán tiêu thụ và nâng cao giá trị sản xuất, song song với sản xuất ếch giống, HTX định hướng bà con chuyển đổi sang ếch thương phẩm; đồng thời, từng bước xây dựng quy trình chăn nuôi, chế biến theo chuỗi khép kín.

“Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó còn cả một chặng đường dài phía trước. HTX mong muốn nhà nước cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ về cơ chế chính sách để HTX ngày một phát triển”, anh Tình bộc bạch.

Ông Tô Văn Quốc - Chủ tịch Hội nông dân xã Nhuận Đức cho biết, thiên nhiên khá ưu đãi cho địa phương về điều kiện thời tiết khí hậu thổ nhưỡng. Đặc biệt với hệ thống kênh Đông, không chỉ cung cấp nước sản xuất xuất nông nghiệp mà còn là điều kiện lý tưởng để nuôi trồng thủy hải sản.

Trong bối cảnh thực hiện chủ trương chung của Thành phố về quy hoạch phát triển công nghiệp, từ đó khiến diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, địa phương đã định hướng bà con chuyển đổi sang các loại cây trồng vật nuôi ít chiếm diện tích đất nhưng hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, cách làm của HTX Phát Đạt là một ví dụ điển hình, được địa phương đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.