Chỉ cần được hỗ trợ trụ xi măng để làm nọc cho thanh long leo thì sẽ nhanh chóng giúp dân thoát nghèo ngay trên mảnh vườn tạp sau 3 năm trồng. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ nhiệm HTX thanh long ruột đỏ (TLRĐ)Đại Đức (ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) khẳng định.
Ông Thân cho biết: Từ đầu năm đến nay HTX đã bán được 3,6 tấn trái TLRĐ cho Cty NiNa Hoàng tại TPHCM để XK sang thị trường Mỹ. Đây là bước ngoặt SX trên vườn tạp ở xã Đức Mỹ nói riêng và trong tỉnh Trà Vinh nói chung.
Trái TLRĐ Đại Đức đi Mỹ được là nhờ 5 xã viên trong HTX mang trái đi dự thi trái ngon an toàn đều đạt giải cao. Hội Làm vườn Trà Vinh đã giới thiệu trái TLRĐ của HTX với Cty thu mua XK.
Ông Thân hài lòng với trái TLRĐ sang Mỹ
Ông Thân nói: Cây TLRĐ bám rễ được trên vùng Đại Đức này là nhờ nhà nước cho tôi đi học hỏi mô hình ở Tiền Giang cách đây 6 năm. Khi đi tham quan về tôi đúc kết được tính năng và hiệu quả của loại cây trồng này. Đây là cây rất dễ trồng, cho trái quanh năm, có thị trường trong nước và XK. Tôi trồng thử nghiệm 2.000 m2, sau một năm thu hoạch đạt hiệu quả cao.
Sau đó cầm sổ đỏ đến ngân hàng xin vay 200 triệu đồng để mở rộng trên toàn diện tích 2 ha nhưng họ chỉ cho vay 100 triệu. Thế là phải "liệu cơm gắp mắm" cải tạo toàn mảnh vườn tạp 2 ha thành vườn TLRĐ chuyên canh. Sau 3 năm đầu tư đã thu về đủ vốn lấn lãi, trả hết nợ ngân hàng từ năm 2010. Từ 2011 đến nay chỉ bỏ công tưới nước, chăm sóc, bón phân là hái trái mà thôi.
Sau khi ông Thân trồng TLRĐ hiệu quả, có nhiều bà con đến học hỏi kinh nghiệm và ông đã thành lập HTX. Ngày đầu thành lập HTX có 26 xã viên nhưng nay chỉ còn 22 xã viên canh tác trên diện tích 12,8 ha.
Những người rút ra khỏi HTX là do bà con không đóng góp vốn điều lệ. Trong khi đó, vốn điều lệ mỗi xã viên góp 5 triệu đồng là để làm vốn thu mua trái TLRĐ của xã viên bán cho Cty và nhà thu mua ở Tiền Giang.
Khoản tiền sinh lợi từ nguồn vốn xã viên đóng góp HTX sử dụng vào hoạt động của HTX và chia cho xã viên. Xã viên không lo mất vốn đóng góp. Hiện tại, bà con ngoài HTX cũng đến học trồng TLRĐ.
Đến thời điểm này toàn xã Đức Mỹ có hơn 40 ha TLRĐ. Hướng tới HTX sẽ lập kế hoạch trình lãnh đạo xã, huyện mong được hỗ trợ chính sách vay tiền để làm vốn thu mua sản phẩm của bà con. Tất cả các xã viên đang canh tác theo quy trình VietGAP và tổng sản lượng thu được từ 10 - 15 tấn trái/tháng.
Tỷ lệ trái đạt tiêu chuẩn XK (500 - 800 gram/trái) chiếm khoảng 40%/tổng sản lượng thu hoạch. Trái đạt tiêu chuẩn này thì nhà XK mua luôn cao gần gấp đôi theo giá thị trường. Số lượng không đạt sau khi đã phân loại thì HTX sẽ chuyển bán cho các nhà thu mua ở Tiền Giang theo giá thị trường.
Ông Thân nói: Trồng TLRĐ nặng vốn đầu tư trụ đá, còn công chăm sóc, phân bón thì không đáng kể. Bình quân 1 ha thu khoảng 30 - 40 tấn/năm, sau khi trừ chi phí 30%/tổng sản lượng thì nhà vườn thu lãi 70%. Nhờ hiệu quả cao nên có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo như hộ Lê Văn Sĩ, xã viên HTX trồng 3.000 m2 nuôi được 2 con ăn học đại học, có xe, có nhà.
Ông Sĩ nói: Nhờ học mô hình trồng TLRĐ của ông Thân mà gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định. Trồng cho leo lên trụ đá, ở dưới gốc thanh long để cỏ nuôi bò rất hiệu quả lại tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Ông Thân nói: Qua thăm dò thì nhiều bà con rất muốn chuyển đổi vườn tạp sang trồng TLRĐ chuyên canh nhưng do thiếu vốn đầu tư trụ đá. Bình quân 1.000 m2 đầu tư 100 trụ đá cần khoảng 6,5 triệu đồng. Số tiền này khá lớn đối với những người nghèo và cận nghèo, đất ít. Nếu được hỗ trợ khoản vốn đầu tư trụ đá làm nọc sau 5 năm hoàn vốn thì ngay lập tức diện tích trồng sẽ được mở rộng. Đầu ra HTX sẽ đảm bảo bà con xã viên theo giá thị trường.
Ông Lê Văn Bé, Chủ tịch Hội Làm vườn Trà Vinh cho biết: "Trà Vinh hiện có 74 ha TLRĐ, tập trung ở các huyện Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè. Trong đó huyện Càng Long có diện tích nhiều nhất, trên 30 ha. Bình quân mỗi năm, cả tỉnh cho thu hoạch khoảng hơn 300 tấn, trong đó sản lượng đạt tiêu chuẩn XK chiếm khoảng 60%. Trà Vinh đã xây dựng thương hiệu hàng hóa cho trái TLRĐ, nhờ vậy đã có thị trường ổn định".