| Hotline: 0983.970.780

Thời điểm để nhà vườn dưỡng sức cho cây thanh long

Thứ Năm 31/03/2022 , 08:35 (GMT+7)

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, đây là thời điểm để các nhà vườn có điều kiện dưỡng lại vườn thanh long sau thời gian dài khai thác quá mức.

Về hiện tượng một số hộ nông dân chặt bỏ cây thanh long để chuyển sang trồng cây trồng khác, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, đây là thời điểm để các nhà vườn có điều kiện dưỡng lại vườn cây sau thời gian dài khai thác quá mức.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: MP.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: MP.

Bùng nổ diện tích thanh long

Bài liên quan

Theo Cục trồng trọt, Việt Nam là một trong những nước có lợi thế để phát triển thanh long khi điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, ánh sáng rất phù hợp để phát triển thanh long. Ngoài ra, chúng ta có bộ giống tương đối đa dạng, đặc biệt kỹ thuật trồng, thâm canh cây thanh long của Việt Nam rất phát triển như kỹ thuật rải vụ thu hoạch thanh long. Do vậy, những năm gần đây diện tích, sản lượng thanh long nước ta tăng nhanh cả về quy mô và phân bố sản xuất.

Năm 2010, cả nước mới chỉ có khoảng 15 nghìn ha, sản lượng 330 nghìn tấn, tập trung tại Bình Thuận với 13,4 nghìn ha (chiếm gần 90%). Do việc trồng thanh long đem lại lợi nhuận khá cao, dẫn đến nhiều địa phương, nông dân tập trung đầu tư phát triển (nhiều năm giá thanh long, nhất là thanh long vụ nghịch đạt trên 20 nghìn đồng/kg).

Đến nay, thanh long có mặt trong sản xuất tại hầu hết các tỉnh, thành phố với diện tích 65 nghìn ha, sản lượng hơn 1,4 triệu tấn. Ngoài Bình Thuận (gần 33 nghìn ha, chiếm hơn 50%), diện tích thanh long đã phát triển mạnh tại 2 tỉnh Long An và Tiền Giang (21,5 nghìn ha, chiếm 33%).

Cây thanh long đã phát triển nóng trong giai đoạn vừa qua. Ảnh: NNVN.

Cây thanh long đã phát triển nóng trong giai đoạn vừa qua. Ảnh: NNVN.

Bài liên quan

Như vậy, diện tích thanh long hiện tại đã cao hơn 33% so quy mô sản xuất theo Quyết định số 5392/QĐ-BNN-TT ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt quy hoạch vùng trồng cây thanh long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (diện tích thanh long theo quy hoạch cả nước đến năm 2030 khoảng 48,5 - 49 nghìn ha).

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây Công nghiệp và Cây ăn quả (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT) cho biết: Thanh long là loại trái cây xuất khẩu chủ lực

Bài liên quan

của Việt Nam. Mặc dù quả thanh long đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như Singapore, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Nga, Ấn Độ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, Úc…, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn là chủ yếu.

Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ, xuất khẩu thanh long bị ảnh hưởng, đặc biệt là thời gian gần đây khi Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid", việc xuất khẩu trái cây nói chung và thanh long nói riêng sang thị trường này gặp rất nhiều khó khăn; giá thanh long giảm mạnh, không được thu mua, tiêu thụ.

Trong khi đó, giá vật tư đầu vào, nhất là phân bón tăng nhanh khiến nông dân thua lỗ (thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau bà con sản xuất thanh long vụ nghịch nên đầu tư rất lớn cho chong đèn, tưới nước… làm chi phí giá thành tăng cao hơn).

Việc quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã khiến tiêu thụ thanh long gặp bế tắc khi gặp sự cố ở thị trường này. Ảnh: Tùng Đinh.

Việc quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã khiến tiêu thụ thanh long gặp bế tắc khi gặp sự cố ở thị trường này. Ảnh: Tùng Đinh.

Mặc dù Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu quả thanh long chính ngạch, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch là chính dẫn đến rủi ro. Thêm vào đó, quả thanh long vẫn xuất khẩu quả tươi, các sản phẩm chế biến còn rất hạn chế.

Việc một số nơi, đặc biệt là các vùng trồng thanh long trọng điểm đã có hiện tượng nông dân phá bỏ cây thanh long, trong đó nguyên nhân khách quan chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giá vật tư, vận chuyển tăng cao, giá bán thanh long thấp không đủ chi phí đầu tư duy trì vườn cây. Nhưng một phần yếu tố chủ quan là do "tăng trưởng nóng", sản xuất theo phong trào đã và đang diễn ra khá phổ biến nên sản xuất thanh long còn thiếu tính bền vững.

Khi phát triển nóng, đã có tình trạng một số địa phương trồng thanh long trên nền đất không phù hợp, thiếu kinh nghiệm canh tác nên chất lượng vườn cây thấp và hiện tượng nông dân phá bỏ cây thanh long hiện nay chủ yếu diễn ra với các vườn già cỗi, năng suất, chất lượng quả thấp.

Đừng để vướng điệp khúc trồng - chặt

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, thanh long là cây ăn quả lâu năm, cần đầu tư kiến thiết cơ bản trong một thời gian đáng kể nên việc chặt bỏ (đặc biệt là với vườn cây đang sung sức) dẫn tới lãng phí thời gian, công sức và chi phí đầu tư ban đầu sẽ rất tốn kém khi trồng thanh long trở lại.

Cùng với chặt bỏ vườn cây thanh long, việc một số nơi nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác (cây ăn quả như mít, sầu riêng…), trong khi thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn, biến động sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ “trồng - chặt” thiệt hại cho nông dân.

Do đó, Cục Trồng trọt khuyến nghị các nhà vườn không nên nóng vội chặt bỏ, chuyển đổi vườn thanh long, đặc biệt là đối với các vườn cây còn sung sức, vùng sản xuất chuyên canh tập trung.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương rà soát quy mô diện tích để đảm bảo phát triển thanh long theo đúng định hướng của Bộ NN-PTNT. Ảnh: NNVN.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương rà soát quy mô diện tích để đảm bảo phát triển thanh long theo đúng định hướng của Bộ NN-PTNT. Ảnh: NNVN.

Trước mắt, khuyến cáo phổ biến các kỹ thuật canh tác trong điều kiện đầu tư thấp, tối thiểu; tỉa bỏ cành, hoa, quả phù hợp đảm bảo duy trì vườn thanh long, tránh tình trạng cây bị suy kiệt, sâu bệnh hại. Đây cũng là thời điểm để các nhà vườn có điều kiện dưỡng lại vườn cây sau thời gian dài khai thác quá mức thông qua các biện pháp rải vụ thu hoạch và dần dần chuyển sang các mô hình canh tác bền vững, an toàn theo các tiêu chuẩn khắt khe hơn của các nước nhập khẩu.

Ngoài ra, gần đây một số nước trên thế giới cũng quan tâm sản xuất, tăng sản lượng thanh long (Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc...), đặc biệt là ngay tại thị trường lớn Trung Quốc cũng phát triển mạnh cây thanh long. Do vậy, dự báo thị trường thanh long nhìn chung sẽ gặp khó khăn hơn trong thời gian tới.

Vì vậy, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cùng với Cục rà soát quy mô diện tích để đảm bảo phát triển thanh long theo đúng định hướng của Bộ NN-PTNT tại Quyết định số 5392/QĐ-BNN-TT. Đồng thời mở rộng phát triển thị trường, quan tâm đồng bộ các giải pháp về canh tác (GAP, hữu cơ), rải vụ thu hoạch phù hợp, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh chế biến đa dạng hóa sản phẩm… để phát triển thanh long hiệu quả cao, bền vững.

Nghiên cứu, phát triển thêm các thị trường xuất khẩu thanh long ngoài Trung Quốc là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Ảnh: NNVN.

Nghiên cứu, phát triển thêm các thị trường xuất khẩu thanh long ngoài Trung Quốc là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Ảnh: NNVN.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực dự báo thị trường, thông tin thị trường trước các vụ sản xuất để làm cơ sở chỉ đạo kế hoạch sản xuất phù hợp; áp dụng các quy trình sản xuất hữu cơ, tuần hoàn; phổ biến các quy trình canh tác tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào phù hợp theo tín hiệu của thị trường.

Các doanh nghiệp cần tăng cường xuất khẩu chính ngạch, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, tiêu thụ, đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất. Xây dựng HTX, liên kết HTX để thiết lập các vùng sản xuất tập trung gắn với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, phân phối tiêu thụ nội địa. Thúc đẩy nhanh hơn việc đầu tư các cơ sở chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm từ trái thanh long tươi. Ngoài ra, cần phát triển hệ thống logistic một cách đồng bộ để sản phẩm thanh long không chỉ xuất khẩu bằng đường bộ sang Trung Quốc mà cần phát triển hệ thống kho bãi phục vụ đường thủy, đường sắt.

"Các địa phương tiếp tục quan tâm lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp, hiệu quả trên cơ sở tín hiệu thị trường, liên kết của doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu với nông dân, HTX để định hướng chuyển đổi thanh long, đặc biệt là đối với các diện tích thanh long cần tái canh, các vùng trồng thanh long hiệu quả thấp", ông Nguyễn Như Cường đề nghị.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.