Thôn nữ yêu lan
Là con của một gia đình nông dân xóm 10, xã Hà Thượng (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), Trần Thu Thảo (sinh năm 1991) sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý văn hóa tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc đã trở về công tác tại xã nhà. Vừa làm Phó Bí thư đoàn xã, Thảo vừa khởi nghiệp chính từ loài hoa cô yêu thích nhất. Khởi nghiệp chưa đầy 5 năm, cô đã có vườn lan hơn 1.000 giò, với hơn 400 loài lan, trong đó có nhiều loài rất quý hiếm. Bình quân hàng tháng, tiền bán lan thu về trên 100 triệu đồng.
Là gương mặt quen thuộc trên các diễn đàn chơi hoa phong lan, Trần Thu Thảo được biết đến với độ uy tín cao về chất lượng cây cũng như kiến thức khá uyên thâm về loài hoa này. Chính vì vậy, mỗi khi cô vào nhóm để bán hàng trực tuyến, lập tức có rất nhiều người đặt hàng, có những giao dịch trị giá nhiều triệu đồng. Thảo cho biết, bố em luôn đau yếu, bệnh nặng, mẹ em nguyên là cán bộ phụ nữ xã nên luôn muốn em về xã công tác để tiện bề chăm sóc bố mẹ.
Nói về chơi lan, bắt đầu là bố em, từ năm 2016 ông bắt đầu xin của bạn bè, người quen về chơi với mục đích có việc làm cho khuây khỏa tuổi già. Em giúp bố chăm lan rồi dần trở thành đam mê. Một phần là để khiếm thêm thu nhập, phần nhiều là muốn học nghề, em đã tìm đến một số nhà vườn phong lan có tiếng để bán hàng thuê. Từ đó, em nhận biết các mặt lan từ hàng thường đến hàng giá trị nhất.
Công việc bán hàng có cơ hội giao lưu với nhiều nhà vườn và người chơi lan trong cả nước đã giúp Thảo không chỉ có kiến thức về lan mà còn có những cơ hội mua được các giống hoa lan của tất cả vùng miền. Cũng trong năm 2016, hai cha con Thảo "giấu mẹ" mua giò phi điệp trị giá 3 triệu đồng trên mạng, từ đó gây giống được hàng chục giò. Vừa trồng vừa học hỏi rút kinh nghiệm, Thảo đã học hỏi kiến thức về hoa lan, cùng phương pháp chăm sóc qua các mạng internet và thăm quan các mô hình trồng lan trong và ngoài tỉnh.
Công phu
Thảo tâm sự: Trong các dòng lan, em thích Phi điệp nhất vì đây là dòng có giá trị kinh tế, đặc biệt loài lan Phi điệp “đột biến” có giá trị kinh tế cao, luôn được nhiều người chơi hoa lan tìm mua. Có nhiều loại Phi điệp trồng đến 5 - 6 năm chưa một lần ra hoa nhưng thân lá của nó rất đẹp. Còn các dòng var thì mặt hoa "cực kỳ mỹ mãn". Hồi đầu năm nay, em đã bán giò Phi điệp Á hậu với giá 200 triệu đồng. Mầm hoa này em mua trên mạng, từ 1 tỉnh miền Nam, lúc đó nó chỉ như que tăm dài gần 10 cm, còn chưa lên mầm gốc, trị giá 50 triệu đồng. Khi em mua về, phải 3 ngày 1 lần nhỏ thuốc kích mầm, mất 3 - 4 tháng nó mới ra rễ, rồi ra 2 mầm gốc. Lúc bán đi mỗi mầm dài 1,5cm. Hiện, vườn còn các giò đắt tiền như Bạch Tuyết, Hồng Môn chỉ hơn 1cm đã có giá trên 125 triệu đồng.
Vì Phi điệp là loại lan quý, khi trồng cần phải thiết kế giàn để treo hoa, cách đất từ 1,5 - 2m, mái có lưới che mát. Ngày tưới 1 lần cho cây, nhưng tưới vừa phải, nên đầu tư bể lọc để lọc nước trước khi bơm tưới, muốn cây khỏe phải bón phân đầy đủ và hợp lý. Chăm lan tuy không nặng nhọc vất vả nhưng cần tỉ mỉ và rất mất thời gian, bố con Thảo lọ mọ trong vườn bất cứ lúc nào rảnh rỗi, thậm chí nửa đêm vẫn phải dậy để bắt sên hoặc "chạy" lan nếu trời mưa to. Lan thường mắc các bệnh thối nõn, thối rễ và bị sên, kiến, chuột phá hoại nên phải được theo dõi quan sát mỗi ngày để phòng trừ nấm bệnh gây hại, thế nên công việc ở vườn lan không thể quy ra ngày công để tính được.
"Lấy lan nuôi lan", Thảo đã đầu tư hệ thống giá, lưới, phun sương tự động trị giá gần 3 tỷ đồng. Trong vườn hiện có hơn 1.000 giò hoa với trên 400 loài từ các dòng bình dân như Quế, Tam Bảo sắc, Hạc vĩ... đến các dòng đắt tiền như Phi điệp mít trị giá 500 nghìn - 1 triệu đồng/kie, giò 4 - 5 ngọn có giá khoảng 20-25 triệu đồng...
Thảo cho rằng chất lượng cuộc sống xã hội đang ngày càng cao hơn, nhiều người đã có khả năng chi phí cho những thú vui giải trí lành mạnh như hoa, cây cảnh... Do vậy, thị trường lan sẽ ngày càng phát triển, có thể sẽ không còn những "cơn sốt" lan "đột biến", nhưng đây là loài hoa đẹp nên vẫn được nhiều người ưa thích và giá bán cao.
Niềm đam mê và tình yêu dành cho hoa lan của cô thôn nữ đã mang lại thành công trên con đường khởi nghiệp. Tuy vườn lan của Thảo ở tận trong xóm núi, nhưng vẫn được đón tiếp rất nhiều khách từ các tỉnh xa tận trong Tây Nguyên, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh đến tham quan, học hỏi nghề trồng lan.
Thời gian tới, Thảo dự định tiếp tục đầu tư và mở rộng vườn lan, đồng thời, nhân một số giống lan quý hiếm nhằm bảo tồn. Quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương bằng chính đam mê và nghị lực của cô gái trẻ đã khiến nhiều thanh niên trong và ngoài huyện hết lòng nể phục.