Làm ruộng toàn người già
Người dân xã Tam An (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, những năm qua công cuộc dồn điền đổi thửa được thực hiện nhanh chóng.
Do đó, cơ giới hóa đưa vào sản xuất nông nghiệp đã tiết kiệm công lao động rất nhiều. Hiện ở Tam An, công việc ruộng đồng do người già gánh vác, đám thanh niên trai trẻ rời quê đi làm ăn, họ không chấp nhận cảnh núp bóng lũy tre làng.
Ông Bùi Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tam An cho biết, toàn xã có 1.834 hộ, với 8.000 nhân khẩu. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp 450 ha, chia theo Nghị định 64, một khẩu được 650m2/người. Tôi hỏi: Ở xã tình trạng người dân đi làm ăn xa nhiều không?
Ông Toàn đáp: “Cũng kha khá đấy, có gần 1.000 người. Họ đi làm ăn theo mùa vụ, người lên Tây Nguyên thu hái cà phê, người ra Đà Nẵng… làm thợ đụng. Gặp nghề gì có tiền, dễ làm thì đều làm tất. Mỗi ngày công, một người cũng kiếm được vài trăm ngàn, nhiều hơn trồng lúa.
Ông Toàn bộc bạch: Người dân Tam An ly hương, nhưng không ly nông. Trong một gia đình, con cái đi làm ăn xa thì ba mẹ ở nhà vẫn bám ruộng đồng, chưa một người dân nào ở đây bỏ ruộng. Những năm gần đây trồng lúa thất thu lớn do biến đổi khí hậu gây ra; sâu bệnh xuất hiện trên diện rộng và nắng nóng kéo. Đặc biệt, phân bón, thuốc BVTV… giá cao khiến thu nhập trồng lúa không có.
“Như vụ đông xuân 2015-2016, diện tích lúa trên địa bàn xã bị chuột cắn phá, do hai năm liền không có lũ lụt, chuột sinh sôi phát triển mạnh. Đến lúc lúa trỗ gặp rầy nâu hoành hành, mưa gió xuất hiện bất thường dẫn đến năng suất thấp. Tính ra, người trồng lúa mấy năm trở lại đây phải bù lỗ, nhưng họ vẫn bám nghề nông. Bỏ công sức ra để được hạt thóc bỏ bồ, phần tận thu rơm rạ chăn nuôi”, ông Toàn bày tỏ.
Tôi hỏi tiếp: Để nông dân sống được với nghề trồng lúa, ông có kiến nghị gì không? Nhiều lắm chứ. Tại địa phương đã có nhiều đoàn đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri, nông dân xã đã có ý kiến rất nhiều. Bà con trình bày sản xuất nông nghiệp làm ra sản phẩm không có lãi, mong Nhà nước có chính sách giúp đỡ. Ghi nhận ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội tiếp thu ý kiến và trả lời người dân sẽ báo cáo Chính phủ.
Ông Toàn cho biết thêm, tình trạng lao động rời quê đi làm ăn xa không chỉ xảy ở Tam An, nó diễn ra hầu hết ở các làng quê miền Trung. Anh cứ đến bất cứ địa phương nào cũng có cảnh này.
Làm nông nghiệp chỉ toàn người già tham gia
Thôn An Mỹ 1, xã Tam An có gần 320 hộ, mỗi năm người dân làm 2 vụ lúa, tính tất tần tật thời gian hết khoảng 2 tháng, 10 tháng còn lại người dân đi làm nghề khác mưu sinh. Bởi làm nông giờ cũng đỡ vất vả so với ngày trước, ruộng đồng đưa cơ giới vào cày bừa, thu hoạch. Người dân đi làm ăn có tiền về thuê máy móc làm hết.
Ông Phạm Đồng, trưởng thôn An Mỹ 1 cho hay, con số chính xác bà con ly hương trong thôn không thống kê hết, chỉ biết là nhiều lắm. Hầu hết gia đình nào cũng có người ly hương. Một số đi làm xa như Sài Gòn, Tây Nguyên; một số vào TP Tam Kỳ, ra TP Đà Nẵng làm nghề xây dựng bán thời vụ. Khi ở quê mùa màng đến, họ lên đường quay về.
"Đám thanh niên rời quê, để lại người già đeo bám ruộng đồng, mỗi khi trong làng có người chết, ban tổ chức lễ tang chạy từng hộ dân nhờ thanh niên giúp đám nhưng tìm đỏ mắt không có. Số lượng ở nhà rất ít, nếu muốn phải gọi điện, thông báo trước ít ngày may ra mới đủ người. Trước đây việc này giao cho thanh niên khỏe mạnh nhưng nay được thay thế vào người lớn tuổi khiêng người chết đi an táng", ông Đồng cho hay.
Đi qua những cánh đồng xã Tam An, Tam Đàn, huyện Phú Ninh vụ hè thu sắp đến, người dân ra đồng đắp bờ, lấy nước vào ruộng nhưng chỉ toàn thấy người già. Lực lượng thanh niên người đi vào các TP lớn làm công nhân, người biết nghề làm thợ xây, người không biết làm phụ hồ. Họ đi cả năm trời, cuối năm về nhà vài bữa... |
Trước những bất cập trên, người dân trong thôn đóng góp mua một xe tang 60 triệu đồng để hạn chế người khiêng. Một khi đưa đi mai táng, lực lượng lớn tuổi cũng đảm nhận được, họ cho lên xe đẩy ra nghĩa địa. Từ ngày có xe tang không còn nặng nề chuyện kêu thanh niên khiêng người chết”, ông Đồng nói.
Mượn người khiêng quan tài
Theo con đường làng từ xã Tam An ra quốc lộ 1A, khi đi qua Nhà văn hóa thôn Vạn Long, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, một đám thanh niên đang đổ bê tông trước nhà văn hóa. Thấy vậy, tôi ngạc nhiên, bởi ở quê bây giờ vắng bóng thanh niên nhưng còn đám người này. Hỏi chuyện thì mới biết, họ cũng như những thanh niên làng Vạn Long, thường xuyên rời quê làm ăn. Mới đây, có dự án đổ mương bê tông, một người đứng ra nhận được mấy trăm mét. Sau đó, kéo nhau về đây làm.
Anh Trần Văn Công (SN 1983, ở tổ 1, thôn Vạn Long) người đứng đầu nhóm xây dựng này chia sẻ: Nhà có được 2 sào ruộng, vợ làm công nhân nhưng nuôi 3 đứa con. Tiền ăn học mỗi tháng hết 500 ngàn đồng/đứa, chưa kể ăn uống.
Trong khi vợ kiếm được 3 triệu đồng, còn anh trồng lúa chỉ đủ cung cấp cho gia đình. Để có tiền nuôi con, anh gửi 3 đứa con cho ông bà nội chăm sóc, hết công trình này, lại đi nhận công trình khác làm. Đến mùa vụ, anh về dăm bữa thu hoạch lại đi tiếp.
Làng quê chỉ thấy nhìn già, thanh niên vắng bóng
“Ngày làm ở đây, nhưng tháng sau nhận được công trình ở Khu công nghiệp Điện Ngọc, TX Điện Bàn, anh em lại kéo ra đó dựng lán trại ở. Không đi thì không đành, mà đi thì xa vợ con, bọn trẻ đi học cuốc bộ đến trường, ăn uống đều trông cả vào ông bà chăm sóc. Cứ đến tháng, mình góp tiền cho ông bà nuôi cháu”, anh Công nói.
Theo anh Công, cả vùng này có riêng gì làng anh đâu, đám thanh niên trong xã Tam Đàn rời làng đi làm ăn hết, cuối năm mới tập trung về quê. Đám thanh niên trai tráng ra đi, việc làng, việc xã để lại cho người già nhà gánh vác.
Làng Vạn Long có hơn 280 hộ được chia ra 4 tổ, đáng lẽ ra mỗi tổ sẽ tự lấy người trong khu dân cư để tổ chức tang lễ nhưng nay, cứ hai tổ gộp thành một. “Có đợt trong làng có 2 đám tang một lúc, cần đến hơn 30 thanh niên đưa người xấu số đi mai táng. Tìm khắp làng không đủ, không còn cách nào khác, người lớn tuổi phải nhập cuộc. Cứ đi được đoạn thì đổi người, vì sức khỏe không có. Thậm chí, có đám tang, không đủ người phải sang làng bên mượn người”, anh Công nói.