| Hotline: 0983.970.780

Thanh Oai tạo chất xúc tác cho các sản phẩm OCOP

Thứ Năm 20/08/2020 , 08:09 (GMT+7)

Bằng những chính sách riêng, Thanh Oai đang tạo ra các chất xúc tác thu hút sự quan tâm của nhiều người cùng tham gia vào chương trình OCOP.

Nuôi vịt lấy trứng ở xã Liên Châu. Ảnh: NNVN.

Nuôi vịt lấy trứng ở xã Liên Châu. Ảnh: NNVN.

Theo ông Dương Bá Mẫn Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai năm 2019 địa phương có 11 sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, bước đầu bán khá tốt tạo ra không khí phấn khởi cho các chủ thể.

Năm 2020, huyện phấn đấu có thêm 22 sản phẩm được chứng nhận bằng cách tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm này.

Anh Lê Văn Trẻo người có trang trại nuôi 4.000 vịt đẻ, 10 ha ao cá-thành viên trong Hội Chăn nuôi sản xuất tiêu thụ trứng vịt Liên Châu đã 5 năm nay chia sẻ mỗi ngày trang trại bán 17.000-18.000 quả trứng cho thương lái, nhà hàng, bếp ăn tập thể...

Theo anh con vịt rất khỏe, gần như không cần đến kháng sinh, hơn thế, môi trường nuôi sạch, ăn sạch, ở sạch, uống sạch giúp cho quả trứng rất chất lượng, tuy nhiên trước đây tiêu thụ còn nhiều khó khăn dù đã có thương hiệu, làm cả nhãn mác nhưng khi đóng gói như thế sẽ đội giá mỗi quả trứng lên 200 đồng mà người tiêu dùng thì cứ chọn giá rẻ.

Để nâng tầm thương hiệu, thời gian gần đây, Liên Châu đang nỗ lực đưa sản phẩm trứng vịt được công nhận sản phẩm OCOP để cho các trang trại như anh có thể tiếp cận ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, siêu thị, cửa hàng tiện ích... qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ qua hợp đồng, gia tăng giá trị sản phẩm.

Ông Hoàng Như Dã-Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Châu Mai của xã Liên Châu cho biết đơn vị có 78 thành viên nuôi 30 ha cá, 800.000 vịt đẻ, 200.000 gà đẻ sản phẩm ra rất nhiều nên mong là sẽ có đầu ra khi tham gia xếp hạng OCOP.

Bà Tạ Thu Hương-chủ cơ sở nón lá xã Phương Trung cho biết trung bình mỗi năm, cơ sở xuất khẩu 5.000 chiếc nón lá, quạt... bán cho các doanh nghiệp để xuất khẩu tới Châu Âu, Nhật Bản, Australia... nên muốn tham gia vào chương trình OCOP để gia tăng giá trị, thuận lợi trong tìm kiếm đối tác lớn hơn, ký kết hợp đồng to hơn thậm chí trực tiếp bán sản phẩm ra nước ngoài chứ không phải qua những trung gian.

Trứng vịt Liên Châu. Ảnh: NNVN.

Trứng vịt Liên Châu. Ảnh: NNVN.

Hỏi về tác dụng của OCOP không gì hơn kinh nghiệm của những người, những đơn vị đi trước. Năm 2019, sản phẩm "Gạo thơm Bối Khê" của hợp tác xã Tam Hưng xã Tam Hưng được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao nên được biết đến nhiều hơn trên thị trường, giá bán cao hơn trước đây.

Không dừng lại đó, để đẩy mạnh sản phẩm nức danh này, đầu năm 2020, UBND huyện Thanh Oai đã hỗ trợ hợp tác xã 900 triệu đồng để mua máy móc phục vụ chế biến, giới thiệu giúp sản phẩm tới nhiều kênh tiêu thụ của doanh nghiệp, nhà hàng cũng như người tiêu dùng.

Thanh Oai còn có 51 làng nghề với nhiều sản phẩm tiềm năng như điêu khắc, tạc tượng, lồng chim, tăm hương, quạt, mộc, may mặc, tương, miến, bún, bánh, giò chả, nem chua...mang đậm bản sắc, đầy hi vọng đạt chuẩn OCOP trong thời gian tới...

Gạo thơm Bối Khê của HTX Tam Hưng. Ảnh: Tư liệu.

Gạo thơm Bối Khê của HTX Tam Hưng. Ảnh: Tư liệu.

Theo ông Nguyễn Văn Chí-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội kiêm Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố chương trình OCOP đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tiểu thủ công, mỹ nghệ của bà con Thủ đô, góp phần nâng cao thu nhập, tạo nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Các lãnh đạo của Thanh Oai cũng rất tâm đắc với hướng đi đó. Trong một định hướng gần hơn cho năm 2021, huyện tiếp tục phối hợp với các chủ thể xây dựng thương hiệu cho những mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương và các sản phẩm làng nghề để đăng ký sản phẩm OCOP.

 Cùng với đó, huyện xây dựng cơ chế hỗ trợ cho sản phẩm được xếp hạng lồng ghép vào các chương trình đang được cả hệ thống chính trị quan tâm như: Xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, công nghệ cao… có hỗ trợ về kinh phí, khoa học, kỹ thuật, mặt bằng sản xuất cho các chủ thể. Thanh Oai xác định rõ, các sản phẩm được công nhận OCOP sẽ là nguồn lực để các làng nghề, hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã... tạo sức bật về kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân...

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.