UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo thành phố Hạ Long tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về môi trường và quy hoạch để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Cuối năm 2019, huyện Hoành Bồ sáp nhập về thành phố Hạ Long thành một đơn vị hành chính, gồm 21 phường, 12 xã. Trước sáp nhập, Hoành Bồ là huyện miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; trong 12 xã và 1 thị trấn, có 6 xã miền núi, 5 xã vùng cao, nhiều xã vừa thoát khỏi xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, năm 2010 còn 13%; thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 11 triệu đồng/người/năm...
Vì vậy, công việc đặt ra với thành phố khá bộn bề, vừa phải sắp xếp ổn định tổ chức, vừa phải thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu theo bộ tiêu chí mới và phải thực hiện theo lộ trình Quảng Ninh là tỉnh nông thôn mới vào trước năm 2025.
Đến hết năm 2020, thành phố mới chỉ được công nhận 18/72 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Vậy nên, để biến những thách thức thành cơ hội, cùng nhiều giải pháp đồng bộ, thành phố Hạ Long đã xây dựng chương trình, kế hoạch theo hướng rõ mục tiêu, nội dung cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.
Thành phố thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhất là tiêu chí về hình thức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo... theo tiêu chí vùng Đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là, vai trò người đứng đầu.
Trong niềm vui, ông Triệu Văn Chuyên, thôn Đồng Mùng, xã Tân Dân (Hạ Long), cho biết: Hầu hết mọi người dân ở thôn đã không còn bỏ hoang đất đai như trước và những mảnh vườn hoang hóa ngày nào, giờ đây đã được bao phủ bằng màu xanh của các loại cây trái, các trang trại, gia trại và rừng gỗ lớn... Thôn, bản đổi mới, con người đổi mới, tư duy đổi mới và các ngôi biệt thự ở khắp các thôn, bản không còn là điều xa lạ với người dân nơi đây...
Vươn mình đi lên của các xã vùng cao Kỳ Thượng, Đồng Sơn, Đồng Lâm, Sơn Dương - nơi tỷ lệ người đồng bào dân tộc chiếm gần 100% và là những xã khó khăn nhất của thành phố Hạ Long, để rồi giờ đây cả 4 xã này đang từng ngày khởi sắc và được xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu năm 2022.
Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Hạ Long là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, tiệm cận với khu vực đô thị. Hiện trên địa bàn thành phố Hạ Long, các xã đã kiên cố hoá hệ thống giao thông đạt 100%. Hạ Long được ghi nhận là địa phương tiêu biểu đầu tư các tuyến đường giao thông liên vùng, liên xã, thôn, tạo tính kết nối trên địa bàn. Giá trị đầu tư cho giao thông vùng nông thôn Hạ Long trong 3 năm qua là gần 4.500 tỷ đồng. Tỷ lệ hài lòng của người dân Hạ Long đối với kết quả xây dựng nông thôn mới đạt 99,66%.