TP Hà Tĩnh là đô thị đang có tốc độ phát triển mạnh trên mọi lĩnh vực |
Đến ngày 13/2, TP. Hà Tĩnh đã “hái quả ngọt” khi được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định số 175/QĐ-TTg, công nhận TP. Hà Tĩnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
TP. Hà Tĩnh có diện tích gần 57km2, với hơn 202.000 người dân; có 16 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 10 phường, 6 xã. Gồm các phường: Bắc Hà, Nam Hà, Tân Giang, Nguyễn Du, Trần Phú, Hà Huy Tập, Đại Nài, Văn Yên, Thạch Linh và Thạch Quý; và các xã: Thạch Trung, Thạch Hạ, Thạch Môn, Thạch Đồng, Thạch Hưng và Thạch Bình.
Kể từ năm 1831, tỉnh lị Hà Tĩnh được thành lập, lúc đó tiền thân của TP. Hà Tĩnh đã trở thành trung tâm tỉnh lị nhưng mới chỉ là một đơn vị hành chính nhỏ đóng trên địa bàn xã Trung Tiết (nằm ở khu vực giáp ranh giữa phường Thạch Quý và phường Tân Giang ngày nay).
Trải qua quá trình phát triển, đến năm Giáp Tý (1924), vua Khải Định mới chính thức ban hành Đạo dụ thành lập thị xã Hà Tĩnh. Về mặt hành chính, lúc bấy giờ thị xã Hà Tĩnh được chia làm 8 phố, gồm: Tiền Môn, Hậu Môn, Tả Môn, Hữu Môn, Tân Giang, Nam Ngạn, Hoàn Thị, Tịnh Trung. Mỗi phố có một ngôi Đền Thành hoàng riêng để tế lễ, thờ cúng. Riêng phố Hậu Môn (thuộc phố Đồng Vinh sau này) không có Đền Thành hoàng nhưng lại được lập Đền Đức Mẹ. Đến năm 2007, thị xã Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận TP. Hà Tĩnh là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Vào thời điểm đó, so với hiện tại về diện tích và các đơn vị hành chính cấp phường, xã trực thuộc không có gì thay đổi. Song về quy mô dân số từ chỗ gần 100.000 người dân (năm 2007) nay đã tăng lên hơn 202.000 người dân.
Hiện tại, TP Hà Tĩnh được xem là một đô thị đang có tốc độ phát triển mạnh trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội... Trong tương lai, để tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, tương xứng với chức năng của đô thị loại I, tỉnh Hà Tĩnh nói chung và TP.Hà Tĩnh nói riêng sẽ tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của dân cư, tạo diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.