Bình quân mỗi năm có 2,5 triệu ha lúa ở ĐBSCL sử dụng giống xác nhận có nguồn gốc từ dự án sản xuất giống lúa xuất khẩu. |
Từ đó góp phần tăng diện tích sản xuất lúa ở ĐBSCL sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn, nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp.
Dự án đã giúp hoàn thiện hệ thống sản xuất và cung cấp hạt giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ xuất khẩu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của lúa gạo nước ta trên thị trường quốc tế; góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân trồng lúa.
TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết; trong giai đoạn từ năm 2012 - 2018, Viện đã phối hợp với Trung tâm giống nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL thực hiện các nội dung như: Duy trì giống gốc, sản xuất giống siêu nguyên chủng, xây dựng mô hình trình diễn công nghệ sản xuất giống cấp nguyên chủng, sản xuất lúa nguyên chủng từ nguốn vốn huy động...
Kết quả đạt được cụ thể: Duy trì giống gốc diện tích 33 ha, sản lượng 23,228 tấn; sản xuất giống siêu nguyên chủng 24 giống OM trên diện tích 74 ha, với sản lượng trên 280 tấn; xây dựng mô hình trình diễn công nghệ sản xuất giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng từ nguồn vốn huy động với diện tích 2.558,5ha, sản lượng 10.368 tấn.
Ngoài ra, Viện còn tổ chức 16 lớp đào tạo về quy trình công nghệ nhân giống cấp nguyên chủng cho người sản xuất giống tại các địa phương trong vùng. Thông qua đào tạo quy trình công nghệ; học viên đã nắm vững các biện pháp kỹ thuật nhân giống các cấp, các biện pháp quản lý chất lượng hạt giống, các phương pháp kiểm tra và đánh giá chất lượng hạt giống.
Nhờ vậy, công tác sản xuất và quản lý giống của các địa phương đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là đảm bảo được chất lượng hạt giống.
“Dự án đã giúp nâng cao năng lực sản xuất lúa giống cho các tỉnh vùng ĐBSCL; hàng năm cung cấp hơn 36 tấn giống siêu nguyên chủng, 1.587 tấn giống nguyên chủng, 79.350 tấn giống xác nhận, nâng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận từ 35% năm 2010 lên 60% năm 2018, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân", TS Trần Ngọc Thạch chia sẻ.
Theo TS Huỳnh Văn Nghiệp, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, bình quân, mỗi năm có 2,5 triệu ha diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL sử dụng giống xác nhận có nguồn gốc từ dự án cung cấp. Sản lượng lúa hàng năm tăng do sử dụng giống xác nhận sản xuất từ giống nguyên chủng của dự án là 2.500.000 ha x 0,2 tấn/ha = 500.000 tấn. Giá trị tăng lên 500.000 tấn x 5 triệu đồng/tấn = 2.500 tỷ đồng.
Dự án sản xuất giống lúa xuất khẩu cũng có tác động gián tiếp giúp tăng tỉ lệ sử dụng giống xác nhận trong vùng từ 35% năm 2010 lên 60% năm 2018. Đây là cơ sở để nhân rộng những giống có phẩm chất tốt, năng suất cao và ổn định, thích nghi với điều kiện bất lợi tại vùng ĐBSCL; từng bước nâng cao ý thức của nông dân trong việc sử dụng giống xác nhận vào sản xuất lúa hàng hóa. Thời gian tới, Viện Lúa ĐBSCL sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong vùng nâng cao sử dụng giống lúa xác nhận theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT. |