| Hotline: 0983.970.780

Thanh trà mất mùa do nắng nóng

Thứ Ba 27/08/2019 , 10:15 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài làm cho nhiều diện tích cây đặc sản thanh trà ở Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển, dẫn đến tình trạng mất mùa.

11-29-34_thnh_tr_o_phong_dien_duoc_boc_trong_tui_trnh_nh_nng_mt_troi
Bọc túi cho trái thanh trà tránh nắng nóng.

Thời điểm này đang bắt đầu vụ thu hoạch song tại các vùng chuyên canh thanh trà, sản lượng lẫn chất lượng giảm hẳn so với mọi năm.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có trên trên 850ha thanh trà tập trung chủ yếu ở các vùng chuyên canh tại phường Thủy Biều, Hương Hồ (thành phố Huế), xã Hương Vân (thị xã Hương Trà), xã Phong Thu (huyện Phong Điền)… Cây thanh trà bắt đầu thu hoạch từ tháng 8 DL, nhưng hiện tại hầu hết diện tích trồng cây thanh trà từ sản lượng đến chất lượng giảm hẳn so với mọi năm.

Phường Thủy Biều (TP. Huế) có hơn 145 ha thanh trà nổi tiếng không chỉ ở Thừa Thiên - Huế mà còn cả nước. Thanh trà Thủy Biều ngoài mang lại thu nhập cho người dân còn góp phần thu hút khách du lịch. Khác với mọi năm, thanh trà Thủy Biều vụ này mất mùa, trái nhỏ, thưa thớt và chất lượng thấp.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hảo (tổ dân phố 15, phường Thủy Biều) trồng hơn 30 gốc thanh trà, những năm trước mang lại thu nhập gần 60 triệu đồng/năm. Song, năm nay thanh trà phát triển kém và sản lượng rất thấp.

Ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Biều cho biết: “Chất lượng trái thanh trà Thủy Biều vụ này khá thấp, sản lượng giảm sâu so với mọi năm. Ngoài ra, một số diện tích thanh trà chết rải rác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nắng nóng kéo dài, một số chủ vườn phản ứng chậm nên bị thiệt hại. Mặc dù chúng tôi cũng khuyến cáo người trồng bổ sung nguồn nước và các biện pháp canh tác nhưng tình trạng mất mùa cũng xảy ra”.

Huyện Phong Điền có gần 300 ha thanh trà. Nắng nóng kéo dài khiến tỷ lệ đậu quả ở mức thấp. Xã Phong Thu là địa phương có diện tích thanh trà chiếm gần một nửa huyện Phong Điền, năm 2018, loại cây này mang lại thu nhập cho người dân gần 15 tỷ đồng.

Gia đình ông Nguyễn Châu ở thôn Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền trồng 3.000m2 cây đặc sản thanh trà. Thời điểm này của những năm trước đây, vườn thanh trà của gia đình ông Châu cho trái trĩu quả, chuẩn bị thu hoạch. Năm nay, do thời tiết nắng nóng bất thường từ đầu vụ, cây thanh trà ra hoa muộn nên tỷ lệ đậu quả rất thấp, cho trái nhỏ, trái chưa chín hết đã rụng đầy vườn.

Theo ông Châu, từ lâu, nhờ trồng cây thanh trà nên kinh tế gia đình ổn định. Thời tiết năm nay đầu vụ mưa rét, tiếp đến nắng hận kéo dài nên thanh trà bị mất mùa, sản lượng còn lại còn khoảng 50%.

Ông Nguyễn Huế, Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền cho biết, đối với hợp tác xã thì thanh trà là loại cây trồng chủ lực của bà con. Năm nay bị mất mùa lớn, do đầu vụ ảnh hưởng mưa rét, cây ra hoa bị rụng, cuối vụ thì hạn hán kéo dài, nên cây thanh trà không sinh trưởng được, dẫn đến mất mùa cuối vụ.

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên - Huế thừa nhận, đây là vụ mùa không đạt hiệu quả như mong muốn, sản lượng thanh trà thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Ông Thọ cho rằng, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, người trồng thanh trà cần có sự đầu tư về hệ thống tưới tiêu cũng như áp dụng những biện pháp chăm sóc cây phù hợp trong mùa nắng nóng, có phương án chống hạn.

“Dù đang vào vụ thu hoạch nhưng vẫn còn nhiều diện tích trái chưa đủ tiêu chuẩn để thu hoạch. Do vậy, người trồng cần tăng cường chăm sóc, bổ sung nguồn nước để trái phát triển, đáp ứng được chất lượng, cải thiện thu nhập trong bối cảnh thanh trà đang mất mùa”, ông Thọ nói.

Để thanh trà trở thành cây có giá trị cao, UBND tỉnh TT-Huế đang khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học; tập huấn chuyển giao vào sản xuất các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình quản lý dịch hại, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt..., công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch; thay thế dần các giống cũ bằng các giống mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn. Khuyến khích phát triển liên kết hộ…

Theo kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thanh trà đến năm 2025 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, diện tích vùng nguyên liệu sẽ mở rộng diện tích trồng mới thanh trà khoảng 116 ha. Phấn đấu đến năm 2020 ổn định diện tích vùng nguyên liệu đạt 942 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 643 ha, năng suất trái đạt 17-18 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 10.900 - 11.500 tấn quả/năm. Xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo vườn cây già cỗi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Xem thêm
Cải thiện chất lượng bò thịt tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Pháp

HÀ NỘI Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Thủ công nghiệp Ile-de-France (CMA IDF) nâng cao chất lượng bò thịt Việt Nam.

Muôn kiểu phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

BÌNH ĐỊNH Trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ngành chức năng Bình Định có nhiều cách phòng dịch bệnh nguy hiểm này để bảo toàn đàn lợn.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Công nghệ tự động đo khí nhà kính phát thải trên ruộng lúa

THÁI BÌNH Dự án hợp tác với Đan Mạch của Viện Môi trường Nông nghiệp mở ra triển vọng xây dựng hướng dẫn cụ thể để tối ưu hóa năng suất, chất lượng cây trồng.

Khó khăn trong quản lý nhóm tàu câu, chụp mực khơi

QUẢNG NAM Khó khăn lớn nhất của nghề cá Quảng Nam trong chống khai thác IUU là quản lý nhóm tàu câu, chụp mực khơi có nguy cơ khai thác vượt ranh giới cho phép.

Cơn mưa dập tắt đám cháy rừng trên núi

Sơn La Vụ cháy xảy ra chiều 5/4, ở khu vực núi cao, dốc đứng, địa hình hiểm trở, nhiều đá lăn nên việc tiếp cận hiện trường, chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất