| Hotline: 0983.970.780

Thành tỷ phú nhờ nuôi ong

Thứ Sáu 10/10/2014 , 08:15 (GMT+7)

Sản lượng mật mỗi năm hàng trăm tấn, anh Phong thu về hơn 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi trên 500 triệu đồng, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 8 - 10 lao động

Sở hữu 1.500 đàn ong, mỗi năm cho thu nhập trên 1,3 tỷ đồng, mô hình nuôi ong lấy mật của anh Trần Xuân Phong ở thôn Phúc Lộc A, xã An Khang, TP Tuyên Quang đang được biết đến như một địa chỉ tin cậy cho những ai muốn làm giàu.

Hàng nghìn thùng ong đặt khắp vườn, mùi mật ong thơm ngào ngạt là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tìm đến nhà anh Trần Xuân Phong, người được ví như “vua ong” ở xứ Tuyên. Nhưng có lẽ ít ai biết năm nay anh Phong mới 31 tuổi.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phong cho biết: "Nuôi ong cũng nhiều khó khăn và vất vả, nếu nuôi chỉ để lấy mật dùng thì khá đơn giản nhưng nuôi số lượng lớn để làm giàu rất khó, phải am hiểu thời tiết, các vùng địa lý nhiều nơi; trong quá trình nuôi phải nắm bắt rõ đặc tính đi lại, ăn uống, quy luật trưởng thành cũng như các loại bệnh có thể xảy ra đối với đàn ong như bệnh thối ấu trùng, ký sinh trùng, hội chứng ngộ độc... từ đó mới có thể duy trì và tăng nhanh số lượng đàn ong".

Năm 2002, anh được bố mẹ chuyển cho 150 đàn ong mật giống nội làm vốn. Thử sức với nghề nuôi ong, anh vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm và thành công cũng bắt đầu mỉm cười với gia đình anh khi những vụ thu hoạch mật ong đạt kết quả.

Năm đầu tiên, đàn ong của anh chỉ cho khoảng 60 lít/đàn/vụ (1 lít bằng 1,5 kg), chất lượng mật chưa thơm, chưa ngon nên chỉ bán với giá 20.000 - 25.000 đ/kg, trừ chi phí còn lãi gần 70 triệu đ/năm. Năm 2006 anh đã tìm ra cách lai tạo giữa giống ong vàng của miền Bắc với giống ong Ý của miền Nam, tạo thành giống ong lai, vừa cho lượng mật cao, vừa chống chọi được với cái lạnh của miền Bắc. Từ đó, anh quyết tâm cải tạo và mở rộng quy mô đàn ong sang nuôi ong lai, bởi ong lai có nhiều đặc tính giống ong nội nhưng cho mật nhiều hơn.

Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, năm 2008 anh ký hợp đồng với Cty Ong Đắk Lắk, nhờ đó mà sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Đến nay, đàn ong của anh đều là giống ong lai siêu mật. Vừa lấy mật, vừa nhân đàn, mỗi năm thêm vài chục tổ, đến nay anh đã có trong tay gần 1.500 đàn ong mật lai (lúc cao điểm lên 1.700 - 2.000 đàn).

TP Tuyên Quang đã đầu tư 6 tỷ đồng để anh Phong xây dựng nhà xưởng, dây chuyền vừa SX vừa chế biến mật ong, tiến tới xây dựng thương hiệu mật ong rừng Tuyên Quang.

Sản lượng mật mỗi năm hàng trăm tấn, thu về hơn 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi trên 500 triệu đồng, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 8 - 10 lao động là đoàn viên thanh niên trên địa bàn, với mức thu nhập 4 - 5 triệu đ/người/tháng.

Anh Phong cho biết thêm, sau Tết âm lịch thời tiết ấm áp là phải chuẩn bị cho ong xây tổ, tạo đàn. Để có đàn ong khỏe hút được nhiều mật, đến cuối tháng 2 âm lịch, phải kết thúc việc chia đàn và khoảng cuối tháng 3 đến tháng 5 là bắt đầu thu mật. Loại hoa để ong lấy mật tốt nhất là hoa nhãn, vải, cà phê, điều, bạc hà... Tuy nhiên, mỗi vùng chỉ có một mùa hoa nở nên anh thường xuyên phải di chuyển đàn ong đến những vùng có nhiều hoa.

Cứ vào đầu tháng 12 hàng năm, anh Phong di chuyển ong vào tỉnh Bình Phước đón hoa điều; tháng 2 lên tỉnh Gia Lai hưởng hoa cà phê; tháng 3 quay về tỉnh Bắc Giang đón vụ hoa vải, sau đó chuyển về đón hoa nhãn tại tỉnh Hưng Yên. Tháng 7 anh lại  chuyển ong lên tỉnh Sơn La đón vụ hoa càng cua, tháng 10, 11 về tỉnh Hà Giang có hoa bạc hà.

Cứ như thế, đàn ong của anh cho mật liên tục, mỗi năm có đến 4 vụ thu hoạch mật. Việc di chuyển ong phải làm trong đêm, vì thời gian này đàn ong về tổ ngủ, có như thế ong mới không bị phân tán đàn và bị chết do thay đổi khí hậu đột ngột.

Để tạo điều kiện cho những hộ nuôi ong trong vùng trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, anh Phong đứng ra thành lập HTX nuôi ong Phong Thổ gồm 25 xã viên là những hộ nuôi ong trên địa bàn xã, trong đó có 70% là đoàn viên thanh niên, nâng tổng số đàn ong của HTX lên gần 4.000 đàn.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm