| Hotline: 0983.970.780

Tháo chạy khỏi Hồng Kông

Thứ Bảy 06/06/2020 , 07:01 (GMT+7)

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư lo ngại rằng một cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa các siêu cường có thể chấm dứt vị trí đáng ghen tị của Hồng Kông.

Tấm bảng thể hiện chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông, chiều 4/5/2020. Ảnh: Reuters.

Tấm bảng thể hiện chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông, chiều 4/5/2020. Ảnh: Reuters.

Luật an ninh quốc gia dành cho Hồng Kông mà Trung Quốc mới thông qua đe dọa vị thế trung tâm tài chính châu Á của lãnh thổ này, đưa đến dự đoán rằng tiền và giới kinh doanh có thể sớm rời khỏi thuộc địa cũ của Anh.

Mối đe dọa không chỉ đến từ Luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh mới thông qua vào cuối ngày 28/5 mà còn do động thái đó đặt Hồng Kông vào cuộc xung đột Mỹ - Trung đang gia tăng căng thẳng. Hoa Kỳ đang ngày càng thách thức Bắc Kinh trên một số mặt trận và có thể trả đũa theo cách làm suy giảm sự hấp dẫn kinh doanh của đặc khu.

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư lo ngại rằng một cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa các siêu cường có thể chấm dứt vị trí đáng ghen tị của Hồng Kông, là cầu nối giữa động cơ kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

“Dù thế nào đi chăng nữa, họ cần duy trì trạng thái độc lập cho Hồng Kông”, theo Fred Hu, một nhà đầu tư nổi tiếng và cựu Chủ tịch của Quỹ đầu tư Greater China. Công ty đầu tư của ông, Primavera Capital Group, đã đầu tư hàng tỷ USD vào Trung Quốc trong những năm qua.

“Điều này không chỉ rất quan trọng đối với tương lai của Hồng Kông, mà còn thực sự đối với toàn bộ Trung Quốc, trong bầu không khí chính trị rất bất trắc và không ổn định hiện nay”, ông nói thêm.

Trận lụt thoái vốn

Thị trường chứng khoán Hồng Kông đã giảm 5,6% vào 22/5. Giao dịch tương lai bằng đồng HKD, được gắn với giá trị của đồng USD, cho thấy các nhà đầu tư đang dự đoán tiền sẽ thoát ra khỏi lãnh thổ này.

Hôm 27/5, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố rằng Hồng Kông không còn đủ tự chủ từ Trung Quốc đại lục - một đánh giá có thể đe dọa mối quan hệ buôn bán của đặc khu với Hoa Kỳ và giáng một đòn mạnh vào cả các công ty Mỹ và Trung Quốc hoạt động tại đây.

Nhà Trắng sẽ quyết định hành động nào được thực hiện theo đánh giá của ông Pompeo, bao gồm các lựa chọn trừng phạt thuế quan, hạn chế thị thực, kiểm soát xuất khẩu và đóng băng tài sản.

Hàng chục tỷ USD trong thương mại sẽ đột nhiên phải chịu thuế và thành nạn nhân của cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng giữa Washington và Bắc Kinh. Các quan chức Mỹ có thể hạn chế việc đi lại từ Hồng Kông và khiến người dân ở đây khó có được thị thực lao động Mỹ hơn.

Hồng Kông cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc mua công nghệ được coi là nhạy cảm của Washington. Khả năng chuyển đổi của tiền tệ Hồng Kông - được trao đổi tự do với đồng USD - cũng có thể bị đe dọa.

Các quan chức Hoa Kỳ nói rõ rằng hành động này không nhằm vào các công dân Hồng Kông. Hoa Kỳ sẽ cố gắng để đảm bảo “người dân Hồng Kông không bị ảnh hưởng xấu ở mức tốt nhất có thể”, ông David Stilwell, trợ lý thư ký về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết trong buổi họp báo truyền thông ngày 27/5.

Các doanh nghiệp, tuy nhiên, lo lắng. Gần 300 công ty Hoa Kỳ đặt trụ sở chính khu vực của họ tại Hồng Kông và hơn 1.300 doanh nghiệp hoạt động trong thành phố - từ 3M đến Goldman Sachs đến công ty bảo hiểm AIG. Ước tính có khoảng 85.000 công dân Hoa Kỳ sống ở Hồng Kông.

Một phát ngôn viên của Phòng Thương mại Mỹ đã phát biểu tuần trước về “yếu tố sợ hãi đang phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp”. Niềm tin kinh doanh đã bị lung lay bởi 6 tháng biểu tình bạo lực trong năm ngoái liên quan tới một dự luật dẫn độ gây tranh cãi, khiến một số công ty bắt đầu lên kế hoạch chuyển đổi hoạt động.

Một số doanh nghiệp đang xem xét rời khỏi lãnh thổ này hoàn toàn. “Một số công ty mới thành lập, bao gồm các công ty fintech, đang tích cực tìm hiểu các thị trường thay thế, đặc biệt là Singapore, làm cơ sở cho các hoạt động trong tương lai của họ trong nỗ lực ngăn chặn sự bất ổn xã hội đang diễn ra ở Hồng Kông”, ông Benjamin Quinlan, CEO và đối tác quản lý của tư vấn chiến lược độc lập Quinlan and Associates, người cũng ngồi trong hội đồng quản trị của Hiệp hội fintech, nói với Time.

Mùa hè năm ngoái, dòng tiền bắt đầu chảy ra khỏi Hồng Kông và chảy vào Singapore, một thiên đường an toàn trong khu vực.

Điều này dường như lặp lại một lần nữa trong năm nay. Tính đến tháng 3, tiền gửi ngoại tệ tại cả ngân hàng trong nước và quốc tế hoạt động tại Singapore tăng gần gấp đôi kể từ tháng 7, với tổng trị giá 15 tỷ USD. Dữ liệu không cho biết tiền đến từ đâu, nhưng nhiều nhà kinh tế nghi ngờ chúng đến từ Hồng Kông.

“Càng ngày những mối quan tâm này càng thấm vào các quyết định kinh doanh”, William Kaye, một nhà đầu tư lâu năm ở Trung Quốc và là người sáng lập Công ty đầu tư Pacific Group cho biết. “Những gì bị coi là nhỏ giọt có thể trở thành một trận lụt vốn thoát ra khỏi Hồng Kông”.

Ngược dòng

Mặc dù người Trung Quốc giàu có dự kiến sẽ gửi ít tiền hơn ở Hồng Kông vì lo ngại rằng Bắc Kinh đề xuất luật an ninh quốc gia cho đặc khu có thể cho phép chính quyền đại lục theo dõi, tịch thu tài sản của họ, các chủ ngân hàng và nhiều nguồn tin trong ngành cho biết. (Ước tính khối tài sản tư nhân hơn 1 nghìn tỷ USD tại các ngân hàng Hồng Kông là từ các cá nhân đại lục đã gửi tiền ở đó, theo các chủ nhà băng).

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc lại đang mua cổ phiếu Hồng Kông nhiều hơn bao giờ hết.

Dòng tiền từ đại lục đang chảy vào chứng khoán của Hồng Kông với một tốc độ vô song, cung cấp hỗ trợ cho thị trường đang nằm ở trung tâm trong căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.

Các nhà đầu tư đủ điều kiện đã mua 35,3 tỷ USD cổ phiếu trong năm nay, nhiều nhất trong giai đoạn dữ liệu trở lại năm 2017. Mua tăng tốc khi kế hoạch của Bắc Kinh áp đặt luật an ninh đối với đặc khu gây ra vụ sụp đổ thị trường vào ngày 22/5. Các mục tiêu hàng đầu của dòng vốn là những Công ty nhà nước Trung Quốc.

Lịch sử cho thấy sức mua ở đại lục có xu hướng tăng khi cổ phiếu Hồng Kông giảm. Các nhà đầu tư trong nước đã mua mức giảm trong tháng 3 khi chỉ số Hang Seng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm.

Các quỹ do nhà nước hậu thuẫn cũng đã sát cánh để giúp ổn định thị trường Hồng Kông xung quanh các sự kiện chính trị quan trọng, chẳng hạn như năm 2017 khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm đặc khu, kỷ niệm 20 năm lãnh thổ được trao trả cho Trung Quốc.

Chứng khoán Hồng Kông ổn định vào thứ ba, với Hang Seng hồi phục 1,9% và chỉ số biến động giảm 5,6%, mức cao nhất trong một tuần.

Không rõ liệu các quỹ do nhà nước chỉ đạo của Trung Quốc có tham gia vào những ngày gần đây hay không hoặc liệu họ có dành bất kỳ khoản tiền nào để ổn định thị trường hay không. Các quỹ như vậy thường xuyên can thiệp để quản lý sự dao động trong thị trường vốn cổ phần trị giá 7,3 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, đặc biệt là vào những ngày nhạy cảm về chính trị.

Quy chế đặc biệt của Hồng Kông là gì?

Trước khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ" đã được tạo ra để cho phép đặc khu duy trì các quyền tự do và tự chủ nhất định trong 50 năm.

Những quyền tự do đó bao gồm một nền kinh tế thị trường tự do, một nền tư pháp độc lập, tự do ngôn luận và một cơ quan lập pháp địa phương.

Kết quả là nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đưa ra các luật cho phép họ coi Hồng Kông như một thực thể thương mại riêng biệt với một Trung Quốc đại lục hạn chế về kinh tế.

Điều này đã biến Hồng Kông thành một trung tâm tài chính đẳng cấp thế giới ngang tầm với London và New York.

Các giao dịch du lịch miễn thị thực đối ứng, một loại tiền tệ được chốt bằng đồng USD, sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ tư thế giới cũng như luật pháp thân thiện, thuế và các biện pháp bảo vệ pháp lý đều giúp thúc đẩy kinh doanh.

(Kiến thức gia đình số 23)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.