| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ khó khăn đầu tư các khu giết mổ tập trung

Thứ Năm 04/07/2024 , 16:17 (GMT+7)

Để thu hút đầu tư các khu giết mổ tập trung, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã tham mưu Sở NN-PTNT đề xuất tỉnh các phương án tháo gỡ.

Khó thu hút khu giết mổ tập trung

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 131 cơ sở giết mổ được chính quyền địa phương và ngành thú y quản lý. Trong đó, 21 cơ giết mổ bò, bình quân mỗi cơ giết mổ 3 con/ngày (dao động 1 - 7 con/ngày); 85 cơ sở giết mổ lợn, bình quân mỗi cơ sở giết mổ 5-6 con/ngày (dao động 1 - 20 con/ngày) và 25 cơ sở giết mổ gia cầm, bình quân mỗi cơ sở giết mổ 100 con/ngày (dao động 70 - 200 con/ngày).

Hiện nay Khánh Hỏa có nhiều hàng trăm cơ sở giết mổ. Ảnh: KS.

Hiện nay Khánh Hỏa có nhiều hàng trăm cơ sở giết mổ. Ảnh: KS.

Ông Huỳnh Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho biết, trong 131 cơ sở giết mổ, 88 cơ sở giết mổ đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đối với 43 cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, chính quyền địa phương đang phối hợp với ngành thú y kiểm tra, hướng dẫn nâng cấp sửa chữa và cho nghỉ hoạt động khi không đủ điều kiện.

Trong khi đó, thời gian qua việc thu hút đầu tư các dự án giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh chưa được hấp dẫn, chưa khuyến khích được nhà đầu tư.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam, ngày 29/7/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2094 về “Kế hoạch xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2025”. Đồng thời, tỉnh phê duyệt dự án kêu gọi vốn đầu tư ngoài ngân sách đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, kêu gọi đầu tư 6 khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn các huyện Vạn Ninh, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Khánh Sơn, thị xã Ninh Hòa và TP Cam Ranh.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Chăn nuôi Nhân Thuận Phát đề xuất thực hiện dự án nhà máy giết mổ gia súc tại thôn Đông, xã Sông Cầu (Khánh Vĩnh) với quy mô giết mổ 960 con lợn/ngày đêm. Còn các địa điểm khác tỉnh kêu gọi đầu tư nhưng chưa có nhà đầu tư khảo sát, đề xuất.

Theo ông Huỳnh Kim Khánh, nguyên nhân là do một số địa điểm xây dựng khu giết mổ tập trung theo Quyết định số 2094 của UBND tỉnh không còn đảm bảo khoảng cách theo quy chuẩn QCVN 01-150:2017/BNNPTNT của Bộ NN-PTNT.

Bên cạnh đó, đối với chính sách ưu đãi đầu tư vào khu giết mổ tập trung theo Nghị định số 57 ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đối với các chính sách về đất đai, hỗ trợ vốn đầu tư, chưa cụ thể từng khu vực và gặp khó khăn khi áp dụng vào điều kiện thực tế tại các địa phương nên chưa khuyến khích được nhà đầu tư.

Thêm vào đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa đề xuất phương án đầu tư các hạng mục hệ thống giao thông, nước, điện, xử lý chất thải và giải tỏa mặt bằng, san lấp mặt bằng...từ nguồn vốn ngân sách. Vì vậy chưa có sẵn sàng mặt bằng thuận lợi cho các nhà đầu tư khảo sát và đầu tư.

Ngoài ra, một số địa phương có nhu cầu giết mổ gia súc, gia cầm rất ít, tuy nhiên vốn đầu tư vào khu giết mổ tập trung khá cao nên hiệu quả kinh tế sau đầu tư thấp.

Đề xuất giải pháp

Trước tình hình trên, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và xúc tiến xây dựng các khu giết mổ tập trung, ông Huỳnh Kim Khánh cho hay, đơn vị đã tham mưu Sở NN-PTNT báo cáo, đề xuất UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh đã có công văn số 6213 ngày 10/6/2024 về tình hình triển khai và đề xuất phương án đầu tư các khu giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Khánh Hòa đang kêu gọi nhiều khu giết mổ tập trung. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa đang kêu gọi nhiều khu giết mổ tập trung. Ảnh: KS.

Trong đó, UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa xác định địa điểm xây dựng khu giết mổ tập trung đảm bảo quy chuẩn của Bộ NN-PTNT. Từ đó báo cáo UBND tỉnh, xin điều chỉnh địa điểm khu giết mổ tập trung được quy định tại Quyết định số 2094/QĐ-UBND ngày 29/7/2022.

“Khi các địa phương xác định địa điểm, Chi cục sẽ tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2094 phù hợp với thực tế hiện nay”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa bày tỏ.

Còn tại huyện Vạn Ninh đề xuất đầu tư khu giết mổ tập trung trên địa bàn bằng nguồn ngân sách. Về vấn đề này, UBND tỉnh giao UBND huyện Vạn Ninh báo cáo, đề xuất kiến nghị cụ thể về việc đầu tư và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xử lý.

Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh xem xét trình Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành chính sách đặc thù để khuyến khích đầu tư vào các khu giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh.

Tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh xem xét thành lập đoàn công tác nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về kêu gọi đầu tư, xây dựng và quản lý khu giết mổ tập trung tại một số tỉnh, thành phố, làm cơ sở áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, thời gian tới, ngành thú y tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quản lý chặt cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; đồng thời tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và giảm dần các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ theo chủ trương của UBND tỉnh tại Quyết định số 2094. Khi đó, toàn tỉnh chỉ còn lại 69 cơ sở giết mổ đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y trong giai đoạn xây dựng khu giết mổ tập trung.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.