| Hotline: 0983.970.780

Thu không bù chi, cơ sở giết mổ tập trung lay lắt

Thứ Sáu 15/12/2023 , 08:36 (GMT+7)

Đầu tư hàng tỷ đồng chỉ thu về từng cắc bạc lẻ là thực trạng buồn tại các cơ sở giết mổ tập trung ở Nghệ An và nút thắt vẫn chưa có lời giải.

Đa phần cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn Nghệ An xuống cấp nghiêm trọng do không đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: Việt Khánh.

Đa phần cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn Nghệ An xuống cấp nghiêm trọng do không đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: Việt Khánh.

Càng làm càng lỗ

Nghệ An có tổng đàn chăn nuôi, đặc biệt là tổng đàn lợn thuộc tốp đầu cả nước. Để quán xuyến hiệu quả đã triển khai xây dựng nhiều cơ sở giết mổ tập trung khá quy mô, tuy nhiên chủ trương này đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”.

Cơ sở giết mổ tập trung của bà Nguyễn Thị Nghĩa đóng tại khối 3, thị trấn Yên Thành (Nghệ An) có diện tích hơn 2.000 m2, trừ 200 triệu đồng được hỗ trợ, gia đình phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng. Mô hình này xây dựng từ năm 2015, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2017. Những tưởng sẽ ăn nên làm ra nhưng thực chất hoạt động cầm chừng, lay lắt qua ngày đoạn tháng.

Dù được trang bị khá đầy đủ các hạng mục thiết yếu, cơ bản đảm bảo nhu cầu giết mổ tập trung quy mô nhưng số đầu lợn đưa về đây cực kỳ hạn chế, bình quân chỉ khoảng 4 – 5 con/ ngày.

Đầu tư hơn 2 tỷ đồng nhưng mỗi ngày cớ sở giết mổ của bà Nghĩa chỉ thu về tối đa 150.000 đồng. Ảnh: Việt Khánh.

Đầu tư hơn 2 tỷ đồng nhưng mỗi ngày cớ sở giết mổ của bà Nghĩa chỉ thu về tối đa 150.000 đồng. Ảnh: Việt Khánh.

“Toàn huyện Yên Thanh có trên 10 lò mổ tập trung nhưng đa phần đã đóng cửa từ lâu, một số ít gắng gượng nhưng chẳng ăn thua, cơ sở ở Hợp Thành khá hơn đôi chút nhờ dân cư đông đúc, nhu cầu giết mổ cao, còn lại đều bê bết.

Cơ sở của tôi diện tích khá lớn nên còn tận dụng, kết hợp kinh doanh nhiều loại hình (quản lý chợ, cho thuê ki-ốt, có bãi giữ xe…) mới giảm tải đôi phần áp lực, bằng không cũng bỏ lâu rồi. Mô hình này dẹp bỏ là đúng, thu không bù chi thì gắng giữ ích gì”, bà Nguyễn Thị Nghĩa chốt lại.

Hình thức giết mổ tập trung đòi hỏi nhiều bước, rất cầu kỳ thành thử phát sinh nhiều chi phí vận hành, nào tiền củi, tiền điện, tiền nhân công… với nguồn thu èo uột hiện nay quả thực khó kham nổi.

Lờ mờ từ 2h sáng lò mổ của bà Nghĩa đã đỏ điện để phục vụ cho các cơ sở kinh doanh giò chả, đáng nói số này không đáng kể, loanh quanh mổ 1 con lợn là đủ.

Ngược lại số đông cần nhu cầu thịt tươi, do đó thường chờ đến tầm 5 - 6h sáng mới rục rịch vào việc, khoảng thời gian để không dài lê thê nhưng chủ lò vẫn phải tiếp củi giữ lửa, chung quy rất tốn kém.

Thức đêm thức hôm “vần” nhiều công đoạn (trông coi, đun nước, dọn dẹp, trực ca…) buộc bà Nghĩa phải chi thêm 4 triệu đồng/ tháng thuê người quán xuyến, trông nom.

Với mức giá “niêm yết” 30.000 đồng/ con lợn, mỗi ngày cơ sở giết mổ của bà Nghĩa thu về tối đa 150.000 đồng, mỗi tháng tầm 4,5 triệu, trừ chi phí vận hành cơ bản chưa đủ để trả lương cho bộ phận giúp việc.

Cần nói thêm, Yên Thành là huyện trọng điểm về chăn nuôi với tổng đàn khá lớn nhưng phần đa nuôi nhỏ lẻ, mỗi hộ dăm ba con. Người dân có thói quen “chung đụng” nên thường chủ động giết mổ tại gia để tiết kiệm chi phí, vô hình trung kéo theo muôn vàn nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm, lại gia tăng mức độ lây lan dịch bệnh, đồng thời góp phần đẩy các cơ sở giết mổ tập trung vào đường cùng.

Ý thức được mối họa tiềm tàng HĐND huyện Yên Thành đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh và quản lý giết mổ cho UBND các xã, thị trấn, có điều mức 8 triệu/ năm chỉ như muối bỏ bể.

Số lượng lợn giết mổ tại các cơ sở tập trung quá ít. Ảnh: Việt Khánh.

Số lượng lợn giết mổ tại các cơ sở tập trung quá ít. Ảnh: Việt Khánh.

Qua 7 năm vận hành trầy trật, bản thân bà Nghĩa và nhiều chủ lò mổ khác hiểu rõ hơn ai hết những vấn đề bức bách, để tháo gỡ Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành cơ chế phù hợp hơn.

Trước mắt, phải điều chỉnh, nâng chi phí giết mổ tối thiểu 40.000 đồng/con thay thế định mức cũ áp dụng từ 10 năm trước. Bên cạnh đó, đơn vị chuyên môn phải đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ các bước, từ đầu vào đến lúc xuất hàng thay vì buôn bán tự do, mạnh ai nấy làm suốt bấy lâu:

“Vật nuôi có dấu kiểm dịch chưa, lợn khỏe hay ốm, có dấu hiệu bất thường hay không? Nếu đầu vào không đảm bảo ai chịu trách nhiệm? cần tách bách, rõ ràng, phải có chế tài đủ mạnh mới giải quyết được thực trạng khốn khó hiện nay”.

“Công tác kiểm tra, giám sát, quản lý dịch bệnh tại các khu vực giết mổ, các điểm kinh doanh nhìn chung đang “thả nổi”. Cơ quan chuyên ngành vẫn cử người quán xuyến chung nhưng nặng hình thức, mang tính đối phó. Ví dụ, từ 2h sáng công tác giết mổ đã diễn ra nhưng nhiều hôm tận 4 - 5h, trời sáng bảnh mắt mới nhác thấy bộ phận phụ trách đến ghi nhận, kiểm đếm qua loa”, một chủ cơ sở giết mổ tập trung cho biết.

Thực trạng đáng báo động

Toàn tỉnh Nghệ An có 41 cơ sở giết mổ, tập trung tại 11 huyện, thành, thị được UBND cấp huyện quy hoạch, có cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y. Đi đầu là Yên Thành với 14 cơ sở, tiếp đến là Thanh Chương, Đô Lương (cùng 6 cơ sở), Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn…

Để khuyến khích phát triển tỉnh Nghệ An đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, định mức tương ứng với 20% kinh phí đầu tư nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở. Khảo sát sơ bộ, tối thiểu mỗi huyện, thành, thị phải có ít nhất 1 cơ sở giết mổ tập trung, vị chi còn 10/21 đơn vị cấp huyện chưa đảm đương được. Trong cái rủi có cái may, cũng bởi “đi chậm” nên tránh được cảnh ôm rơm nặng bụng.

Thu không bù chi là thực trạng chung hiện nay. Ảnh: Việt Khánh.

Thu không bù chi là thực trạng chung hiện nay. Ảnh: Việt Khánh.

Thay vì giết mổ tập trung, người dân lại hướng đến các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thể hiện qua 781 điểm rải rác khắp 21 huyện, thành, thị (Đô Lương 161, Quỳnh Lưu 129, Hưng Nguyên 88, Con Cuông 47, Diễn Châu 36…). Đáng chú ý chỉ 129 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số còn lại chưa được chính quyền quản lý, đồng nghĩa ẩn chứa muôn vàn nguy cơ.

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An và Sở NN-PTNT, hàng năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y đều thành lập Đoàn công tác để kiểm tra, đánh giá, thẩm định các cơ sở giết mổ. Trong năm 2013, qua 12 đợt ra quân không có cơ sở nào đạt loại A, có 56 cơ sở đạt loại B, chưa kể nhiều đơn vị không được xếp loại do… tạm thời ngừng hoạt động.

Cơ quan chuyên ngành của Nghệ An đã nêu rõ hàng loạt vấn đề nổi cộm hiện nay của lĩnh vực chăn nuôi, thú y, gồm: Chưa xây dựng được cơ sở giết mổ động vật tập trung theo QCVN 150:2017/BNNPTNT của Bộ NN-PTNT; quá trình giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật, lấy mẫu để xét nghiệm chưa thường xuyên; số lượng gia súc đưa vào giết mổ chưa được nhiều, các cơ sở không đủ chi phí để duy trì hoạt động; công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chưa thực hiện định kỳ hằng tuần; hệ thống thu gom rác thải, phòng chống động vật gây hại chưa hoàn thiện, các cơ sở chủ yếu vẫn giết mổ ở sàn, chưa có giết mổ treo…

Nhà nước cần điều chỉnh chính phù hợp để vực dậy các cơ sở giết mổ tập trung. Ảnh: Việt Khánh.

Nhà nước cần điều chỉnh chính phù hợp để vực dậy các cơ sở giết mổ tập trung. Ảnh: Việt Khánh.

Từ đó đề xuất Trung ương, tỉnh kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai xây dựng các khu giết mổ động vật tập trung hiện đại. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thú y cấp tỉnh, cấp huyện để đảm đương yêu cầu ngày càng cao.

Nghệ An có lộ trình đưa các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ động vật tập trung dưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y. Từ hướng đi này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3175/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí khảo sát lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu giết mổ động vật tập trung tại xã Nghi Kim, thành phố Vinh.

Xem thêm
Trâu, bò vỗ béo 'cái nghèo teo đi'

THÁI NGUYÊN Ngoài được hỗ trợ toàn bộ con giống, người dân còn được hỗ trợ 50% thức ăn theo định mức và tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu, bò.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.