| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê

Thay đổi phương thức gieo, cấy lúa

Thứ Hai 13/07/2020 , 06:01 (GMT+7)

Tham gia dự án VnSAT, nông dân đã áp dụng nhiều phương pháp sạ tay, máy phun hạt, máy gieo cụm, máy cấy… để tìm ra phương thức tối ưu nhất trong canh tác lúa.

Xã viên HTX Phú Hòa áp dụng biện pháp sạ thưa bằng dụng cụ kéo hàng. Ảnh: Trung Chánh.

Xã viên HTX Phú Hòa áp dụng biện pháp sạ thưa bằng dụng cụ kéo hàng. Ảnh: Trung Chánh.

Trình diễn để nông dân so sánh

Tân Hội là xã nông thôn mới thuộc huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), có diện tích 3.966 ha trồng lúa 2-3 vụ/năm.

Được sự hỗ trợ của Ban Quản lý dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Kiên Giang, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (HTX Phú Hòa, xã Tân Hội) đã chọn hộ dân tham gia mô hình giảm lượng giống gieo sạ, với lượng lúa giống 60 kg/ha, 80 kg/ha, 120kg/ha và 200kg/ha làm cơ sở để nông dân đối chứng.

ThS. Lương Thanh Hải, Tư vấn truyền thông VnSAT Kiên Giang: Giảm lượng giống gieo sạ là quan trọng nhất, là tiền đề thực hiện các kỹ thuật khác. Theo thí nghiệm, mỗi ha chỉ cần gieo sạ 60-80 kg lúa giống là đủ. Qua đó, giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình canh tác lúa, thông qua giảm lượng phân bón, thuốc BVTV và nước tưới. Tuy nhiên, để giảm giống hiệu quả cần có những điều kiện cần thiết như: Chất lượng giống phải tốt, ruộng phải bằng phẳng, phòng trừ cỏ dại, diệt ốc, bón phân sớm và đầy đủ, chủ động nước tưới tiêu.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX Phú Hòa cho biết: “Trong 4 hộ tham gia, thì hộ sử dụng 60 kg lúa giống/ha sử dụng phương pháp gieo mạ, cấy bằng máy.

Còn các hộ còn lại sử dụng phương pháp sạ thưa bằng máy phun hạt và sạ lan bằng tay theo kiểu truyền thống”.

Trong suốt quá trình canh tác, đều có cán bộ  của ngành nông nghiệp theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.

Kết quả cuối vụ, ruộng lúa cấy 60kg/ha, sạ thưa 80 kg/ha và 120kg/ha có số bông/m2, chiều dài bông, số hạt trên bông, hạt chắc… nhiều hơn so với ruộng lúa sạ 200kg/ha. Năng suất cao hơn lúa sạ 200kg/ha là 1,4 tấn/ha.

Ruộng lúa cấy 60kg/ha, 80 kg/ha, 120kg/ha phun thuốc ít hơn lúa sạ 200kg/ha từ 2- 3 lần phun.

Kết quả điều tra thống kê cho thấy ngoài việc giảm thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, nông dân tham gia mô hình còn giảm số lần sử dụng thuốc trừ các loại dịch hại.

“Năng suất ở các ruộng cấy, sạ thưa đều cao hơn hoặc tương đương ruộng đối chứng, tạo cây lúa khoẻ ngay từ đầu vụ, giảm áp lực dịch hại, sử dụng phân bón hợp lý cân đối hơn, lúa ít đổ ngã hơn, ứng dụng tốt công nghệ sau thu hoạch và giảm được lần phun thuốc, hạt gạo an toàn cho người tiêu dùng. 

Số tiền lợi nhuận tăng thêm của người nông dân tham gia mô hình do giảm lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới, thất thoát sau thu hoạch và năng suất tăng”, anh Nguyễn Văn Huỳnh đánh giá.

Từ các mô hình trình diễn của dự án VnSAT, xã viên HTX Phú Hòa đã tìm ra phương pháp sạ thưa phù hợp bằng máy phun hạt. Ảnh: Trung Chánh.

Từ các mô hình trình diễn của dự án VnSAT, xã viên HTX Phú Hòa đã tìm ra phương pháp sạ thưa phù hợp bằng máy phun hạt. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lưu Văn Dai, xã viên HTX Phú Hòa mạnh dạn áp dụng phương pháp cấy 60 kg/ha nhận xét: “Chi phí công cấy trọn gói hiện nay là 5 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, ruộng sự dụng máy cấy mang lại nhiều lợi ích nhiều mặt cho bà con nông dân, cả về kinh tế, môi trường và xã hội. Ruộng cấy bằng máy không chỉ giảm lượng giống, giảm sâu bệnh do mật độ thưa, khoảng cách đồng đều, hạn chế đổ ngã, dễ áp dụng cơ giới khi thu hoạch.

Đặc biệt là đối với những nơi làm lúa 3 vụ/năm, việc cấy bằng máy sẽ có thêm thời gian cách ly giữa các mùa vụ, thuận lợi cho bà con vệ sinh đồng ruộng, làm đất, hạn chế bị ngộ độc hữu cơ”.

Theo ông Dai, việc cấy máy cũng gặp những khó khăn, hạn chế như ruộng làm lúa 3 vụ/năm, đất bị ngâm nước nhiều, máy dễ bị lầy lún, khó hoạt động, mặt ruộng không bằng khó quản lý nước, tốn nhiều công lao động trong khâu gieo và vận chuyển mạ đến ruộng cấy… Vì vậy, nếu ruộng nhiều thì nên áp dụng biện pháp sạ thưa bằng máy phun hạt là thích hợp nhất.

Đầu tư máy cấy làm dịch vụ

Anh Võ Hoàng Thân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Thân, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: Sau khi được cán bộ dự án VnSAT Cần Thơ mở lớp tập huấn, tham quan mô hình điểm trình diễn máy cấy trở về, tôi mạnh dạn quyết định đầu tư 430 triệu đồng để mua máy cấy Kubota của Nhật Bản để vừa làm 10 ha ruộng lúa nhà, vừa mở hướng làm dịch vụ cấy cho bà con lân cận.

Bắt đầu từ vụ hè thu 2020, tôi bắt tay làm sân gieo mạ khay cho ruộng lúa nhà mình và làm dịch vụ theo yêu cầu đặt hàng cho một số bà con thêm được 12 ha. Kết quả đến nay lúa lên xanh đồng, bà con thăm lúa khen quá. Hiện đã có nhiều bà con đặt máy cấy cho vụ đông xuân sắp tới (2020-2021) hơn 50 ha.

Dự án VnSat Cần Thơ trình diễn mô hình áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa. Ảnh: Hữu Đức.

Dự án VnSat Cần Thơ trình diễn mô hình áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa. Ảnh: Hữu Đức.

Anh Thân cho rằng: So sánh với 3 phương thức gieo cấy trước đây mà anh đã từng làm qua. Nếu thời nay cấy tay tốn nhân công mà thuê thợ cấy cũng chẳng có.

Sạ lúa bằng tay thì không đều, tốn hao giống lúa tới 20-25 kg/công (tầm lớn 1.300 m2). Còn gieo bằng công cụ sạ hàng khá tiến bộ nhưng mật độ vẫn còn dầy, lượng giống cũng gần 200 kg/ha. Trong khi máy cấy gieo mạ chỉ tốn giống 6-6,5 kg hoặc tối đa 7 kg/công.

Với nhiều mặt lợi ích, khi bà con đến xem đã thấy lúa sạ thưa giảm phân, thuốc rõ rệt. Hơn nữa khi lượng giống gieo sạ càng ít, nông dân không còn ngại chi phí mua giống lúa xác nhận, không lẫn, năng suất lúa và chất lượng càng cao. Hiệu quả lợi nhuận chắc chắn sẽ tăng hơn.

Trở lại cánh đồng nhà anh Phan Thiện Khanh, nông dân làm lúa giỏi ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, ruộng lúa vẫn rặt một màu xanh rì, dang xa, tít tắp.

Sau hơn 5 năm, nhiều nông dân còn nhớ anh Khanh là một trong 2 nông dân tham gia cùng đoàn cán bộ Viện lúa ĐBSCL sang Vương quốc Brunei thực hiện trình diễn mô hình kỹ thuật trồng lúa giống OM với nông dân nước bạn. Thành công trở về, anh Khanh vẫn say mê, miệt mài chuyên tâm với ruộng lúa, vườn nhà.

Nông dân Phan Thiện Khanh, mạnh dạn áp dụng biện pháp cấy máy, ruộng cấy sau 40 ngày, cây lúa đang phát triển tốt. Ảnh: Hữu Đức.

Nông dân Phan Thiện Khanh, mạnh dạn áp dụng biện pháp cấy máy, ruộng cấy sau 40 ngày, cây lúa đang phát triển tốt. Ảnh: Hữu Đức.

Anh Khanh nói, kỹ thuật trồng lúa hiện đại không ngừng đổi mới, nông dân thời nay khỏe hơn trước rất nhiều.

Anh từ tốn về cách làm của mình: Tôi không ngần ngại áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới đã được cán bộ nông nghiệp kiểm chứng qua các mô hình thực nghiệm, xác nhận hiệu quả. Đơn cử mỗi khâu gieo sạ lúa, tôi đã từng sạ tay so sánh qua các công cụ gieo sạ hàng. Nhưng gieo mạ khay, dùng máy cấy tôi mới bắt tay làm lần đầu tiên trong vụ lúa hè thu năm nay (2020).

Anh Khanh kể cách làm: Lúc đầu, sau khi kết thúc vụ lúa ĐX tôi cùng 5 hộ dân trong xóm đặt hàng 7 ha với chủ máy cấy với giống lúa thuần OM 5451. Riêng tôi cấy 1,7 ha.  Mạ gieo khay trước nửa tháng (15 ngày). Đến khi đưa máy cấy (Kubota) cấy hàng cách hàng 3 tấc (30 cm), cây cách cây 1,2-1,4 cm hoặc cấy thưa 1,6 cm. Trong điều kiện mặt đất bằng phẳng, ít mềm, lún máy có thể cấy 3-4 ha/ngày.

Đến thời điểm này lúa sinh trưởng hơn 40 ngày, lúa nở bụi vươn lên xanh mượt. Anh Khanh và bà con gieo lúa bằng máy cấy cho biết giờ mới có thể thở phào, nhẹ nhõm.

Theo anh Khanh, dùng máy cấy lợi trước mắt là giảm được giống gieo sạ còn 7-10 kg lúa giống/công (tầm cấy 1.300 m2/công), so với sạ lúa bằng tay 15-20 kg/công. Tính gộp chung tiền lúa giống gồm mạ và công máy cấy 500.000 đ/công, cao hơn so với chi phí lúa sạ tay theo tập quán cũ khoảng 130.000 đ/công.

Tuy nhiên mặt lợi thấy được rất nhiều: Nhờ sạ thưa, lúa nở bụi và sau 40 ngày không có sâu bệnh và chưa một lần dùng phun thuốc BVTV. Khâu bón phân giảm rõ rệt, vì lúa xanh tốt nên giảm cả 3 loại phân Urê, DAP, NPK và gộp chung bón rất ít, dự kiến đến cuối vụ khoảng 50 kg/công, thấp hơn 10 kg công so trước đây.

Tính chung bù qua sớt lại, dùng máy cấy vẫn lợi hơn về mặt chi phí, không phải dùng thuốc BVTV nhiều, sức khỏe nông dân tốt hơn và môi trường đồng ruộng được cải thiện tốt hơn. “Vụ lúa sắp tới tôi sẽ tiếp tục gọi máy cấy với lượng giống 7 kg/công”, anh Khanh quả quyết.  

"Hiện nay nhiều nơi nông dân còn thói quen sử dụng lượng giống gieo sạ trung bình vẫn còn cao, từ 100-150 kg/ha, cá biệt có một số diện tích diện tích gieo sạ lên tới 200 kg/ha. Tham gia dự án, nông dân được tập huấn về các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”…

Từ đó, mạnh dạn áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng, sử dụng máy cấy, máy phun hạt đã góp phần giảm đáng lượng giống gieo sạ.

Tuy nhiên, hiện các loại máy phục vụ cơ giới hóa khâu gieo, cấy còn quá ít so với các loại máy khác. Cần có các chính sách hoặc các dự án để hỗ trợ nông dân mua máy, thiết bị cơ giới hóa phục vụ sản xuất hiệu quả hơn", TS. Đỗ Minh Nhựt, Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT Kiên Giang.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc

BẮC GIANG Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc thay ông Nguyễn Đức Ninh nghỉ hưu theo chế độ.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...