| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê

VnSAT cùng nông dân làm thương hiệu - gia tăng giá trị cho hạt gạo

Thứ Hai 15/06/2020 , 06:01 (GMT+7)

Dự án VnSAT không chỉ giúp nông dân canh tác lúa bền vững, với hạ tầng đồng bộ, mà còn giúp các tổ chức nông dân làm thương hiệu gạo gia tăng giá trị.

Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL làm thương hiệu gạo từ dự án VnSAT, với tên gọi Ruộng nhà mình.

Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL làm thương hiệu gạo từ dự án VnSAT, với tên gọi Ruộng nhà mình.

Độc đáo gạo “Ruộng nhà mình”

Trong 8 tỉnh ở ĐBSCL tham gia Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT, thì Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên tổ chức lễ ra mắt và giới thiệu các sản phẩm gạo của dự án VnSAT với thương hiệu gạo “Ruộng nhà mình”.

Ngay sau khi vừa ra mắt, thương hiệu gạo “Ruộng nhà mình” đã nhanh chóng được thị trường chấp nhận. Bởi không chỉ được đóng túi tiện lợi và đẹp mắt mà chất lượng gạo được đảm bảo bởi quy trình canh tác thâm canh lúa tiên tiến theo “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, VietGAP và cao hơn nữa là GlobalGAP…

Sản phẩm gạo an toàn - tối ưu giá do Dự án VnSAT Đồng Tháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu với tên gọi là "Ruộng nhà mình" đã và đang cung cấp ra thị trường nội địa. Đây là mô hình đi đầu ở ĐBSCL về việc xây dựng thương hiệu gạo sạch đến người tiêu dùng.

Ông Phan Văn Năm, Phó ban Quản lý Dự án VnSAT Đồng Tháp cho biết: Sản phẩm gạo an toàn – tối ưu giá dưới thương hiệu “Ruộng nhà mình” được sản xuất tại vùng trồng lúa theo hướng VietGAP của các Hợp tác xã (HTX) Tiến Cường, ở huyện Tam Nông và HTX Thuận Tiến, ở huyện Cao Lãnh được Dự án VnSAT Đồng Tháp hỗ trợ.

Trong đó, HTX Thuận Tiến là mô hình tiêu biểu về ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý đồng ruộng. Giống sản xuất trong toàn bộ vùng nguyên liệu là giống xác nhận. Tất cả phân bón, thuốc BVTV đều nằm trong danh mục các sản phẩm cho phép sử dụng của Bộ NN-PTNT và được HTX quản lý, lưu trữ bằng hình ảnh.

Trước 10 ngày thu hoạch, “Ruộng nhà mình” sẽ kiểm tra vùng nguyên liệu và xác định sản lượng dự kiến. Vùng nguyên liệu được lấy mẫu ngẫu nhiên để phân tích chất lượng.

Toàn bộ sản phẩm thu hoạch được bảo quản, chế biến, đóng gói tại nhà máy chế biến gạo cao cấp đạt chứng nhận ISO 9001:2015, HACCP, BRC và SA 8000 của Công ty Lương thực Đồng Tháp.

Sản phẩm của chuỗi liên kết được gắn mác thương hiệu “Ruộng nhà mình” và đóng gói bao 2kg, 5kg, 10kg. Toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ chất lượng khâu đầu vào và đầu ra với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Ngoài ra, các tổ chức tham gia chuỗi liên kết được chia sẻ lợi nhuận sau bán hàng lên đến 500 đồng/kg đối với lúa sạch và 150 đồng/kg đối với lúa an toàn. Tối ưu toàn bộ chuỗi giá trị thông qua việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và thương mại.

Từ đó người tiêu dùng trong nước mua được sản phẩm gạo an toàn, chất lượng với giá thành thấp hơn từ 10% – 15% so với giá bán sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Gạo mang thương hiệu Ruộng nhà mình được chế biến từ nguồn nguyên liệu đạt chuẩn từ các HTX tham gia dự án VnSAT.

Gạo mang thương hiệu Ruộng nhà mình được chế biến từ nguồn nguyên liệu đạt chuẩn từ các HTX tham gia dự án VnSAT.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết: “Mô hình "Ruộng nhà mình" hình thành trên ý tưởng “cây xoài nhà tôi” đang hướng đến sản xuất nông sản sạch cho người tiêu dùng trong nước và cả xuất khẩu. Đó là mục tiêu ngành nông nghiệp cả nước và tỉnh Đồng Tháp đang hướng đến.

Đặc biệt, dự án VnSAT đang tạo ra hệ sinh thái hướng đến sản xuất nông sản sạch hơn. Trong đó, người nông dân bỏ qua tư duy thương vụ.

Tôi nghĩ, nếu chính quyền, nông dân, doanh nghiệp không thay đổi tư duy thì nền nông nghiệp sẽ bị phá vỡ.

Sản phẩm gạo "Ruộng nhà mình" giúp kết nối giữa nông dân - người tiêu dùng, doanh nghiệp - thị trường ngày càng tăng niềm tin với nhau, giúp hạt gạo Việt vươn xa hơn, được các nước trên thế giới biết đến”.

Nhờ Dự án VnSAT hỗ trợ, đã cho ra sản phẩm gạo từ thương hiệu “Ruộng nhà mình”. Từ đó, giúp cho Đồng Tháp mở ra một hành trình mới, minh bạch hoá nông sản với sự đồng hành của Dự án VnSAT, tạo ra các sản phẩm sạch.

Với mục tiêu Đồng Tháp hướng đến là sản xuất nông nghiệp bền vững, sạch và an toàn. Đó là “hợp tác, liên kết, thị trường” hướng đến nông nghiệp bền vững.

“Ruộng nhà mình” đã cụ thể hóa về 3 thành tố trên, không chỉ mang lại niềm tin cho người tiêu dùng mà còn góp phần giải bài toán khó của ngành nông nghiệp.

Gạo Ruộng Nhà mình không chỉ được đóng túi tiện lợi và đẹp mắt mà chất lượng gạo được đảm bảo bởi quy trình canh tác thâm canh lúa tiên tiến.

Gạo Ruộng Nhà mình không chỉ được đóng túi tiện lợi và đẹp mắt mà chất lượng gạo được đảm bảo bởi quy trình canh tác thâm canh lúa tiên tiến.

Theo ông Lê Minh Hoan, khi mô hình "Ruộng nhà mình" hình thành, chuỗi liên kết sẽ gắn bó chặt chẽ hơn.

Chính quyền, nông dân, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, phát huy giá trị truyền thống, kết nối người sản xuất và người tiêu dùng, minh bạch hóa sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tất cả hãy cùng nhau “về làng”, đưa thông tin và công nghệ đến với người nông dân, xây dựng làng quê thông minh, nông dân thông minh.

Mặc dù bước đầu sẽ có nhiều khó khăn, các ngành chức năng của tỉnh, các phương tiện truyền thông cùng ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển mô hình “Ruộng nhà mình”, tạo niềm tin và sức lan tỏa để tiếp tục phát triển cho nhiều nông sản khác chứ không riêng về gạo…

Đẩy mạnh làm thương hiệu gạo từ dự sán VnSAT

Nhờ tham gia dự án VnSAT mà nhiều tổ chức nông dân (HTX, Tổ hợp tác) ở ĐBSCL đã xây dựng được vùng nguyên liệu chuyên canh lúa rộng lớn ổn định.

Bên cạnh đó, các đơn vị này còn được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là lò sấy lúa, kho chứa lớn đạt tiêu chuẩn để thu mua lúa gạo cho các bà con xã viên.

Từ nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng tốt, nhiều hợp HTX, tổ hợp tác tiến tới làm thương hiệu gạo cho riêng mình, nhằm nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, tăng thêm lợi nhuận.

Ông Trịnh Công Minh, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp An Bình (xã An Bình, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết, tham gia Dự án VnSAT, đơn vị được đầu tư trụ sở, phòng làm việc, cửa hàng, kho chứa, các máy móc phục vụ sản xuất lúa giống…

Ngoài ra, còn được đầu tư tuyến đường nội đồng khoảng 5 km. Còn về xã viên thì được tập huấn kỹ thuật, từ đó giúp thay đổi cách làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm lượng giống giẹo sạ, sử dụng thuốc BTVT…

Thông qua Dự án VnSAT, HTX Nông nghiệp An Bình được hỗ trợ xây dựng bộ Nhận diện thương hiệu sản phẩm chế biến gạo.

Thông qua Dự án VnSAT, HTX Nông nghiệp An Bình được hỗ trợ xây dựng bộ Nhận diện thương hiệu sản phẩm chế biến gạo.

Hiện nay, trình độ sản xuất lúa của bà con nông dân đã được nâng lên rất nhiều. Toàn bộ diện tích của HTX hiện nay nông dân đã áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, để làm ra gạo an toàn theo phương thức quản lý vi lượng (cuối vụ sẽ lấy mẫu mang đi phân tích). Thậm chí là áp dụng canh tác lúa chất lượng cao theo chuẩn quốc tế - SRP 100.

“Quá trình canh tác, nông dân được HTX An Bình cung cấp toàn bộ vật tư đầu vào, từ giống, phân, thuốc… và đến cuối vụ thì thu mua lại lúa hàng hóa cho nông dân.

Hiện có 2 phương thức thu mua để nông dân lựa chọn. Một là mua theo giá cố định ký từ đầu vụ. Hai là mua theo giá thị trường + thêm 200 đồng/kg nếu lúa đạt chuẩn an toàn quản lý vi lượng. Số lúa nguyên liệu này được HTX thu mua, đưa đi chế biến để làm gạo mang thương hiệu gạo an toàn của đơn vị cung cấp cho thị trường”, ông Minh cho biết.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc VnSAT An Giang cho biết, quá trình triển khai dự án, Ban Quản lý tỉnh An Giang đã phối hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh chọn HTX nông nghiệp An Bình để làm mô hình cải thiện và mở rộng quy mô cánh đồng lớn cơ giới hóa đồng bộ gắn với nâng cao năng lực chế biến sau thu hoạch và phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Truyền thông Tầm Nhìn hỗ trợ xây dựng bộ Nhận diện thương hiệu sản phẩm chế biến gạo cho HTX này. Qua đó, đã giúp cho đơn vị làm tốt thương hiệu gạo, tạo đầu ra ổn định.                                    

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp:

“Việc mở ra mô hình “Ruộng nhà mình” đã cụ thể hóa về 3 vấn đề then chốt trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng tháp, đó là “hợp tác, liên kết, thị trường”, không chỉ mang lại niềm tin cho người tiêu dùng mà còn góp phần giải bài toán khó của ngành nông nghiệp.

Mô hình này ra đời nhằm mục đích giúp các thành phần trong chuỗi liên kết cần gắn bó chặt chẽ hơn.

Trong cả chính quyền, nông dân và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, phát huy giá trị truyền thống, kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, minh bạch hóa sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng”.

  • Tags:
Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Đấu giá sâm Ngọc Linh để xóa nhà tạm cho đồng bào Xơ Đăng

Hai củ sâm Ngọc Linh được đấu giá 238 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng để xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.