Những cánh rừng vắng bóng đàn bò
Thôn Nam Tượng 3 thuộc xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định) có 5 xóm với hơn 500 hộ dân. Xưa nay, nguồn thu nhập chính của người dân thôn Nam Tượng 3 là chăn nuôi bò.
Kiểu chăn nuôi bò trước đây của người dân Nam Tượng 3 nghe rất lạ, đến mùa khô hạn, nước trong lòng hồ Núi Một đã kiệt, trên 1.000 con bò của người dân thôn Nam Tượng 3 được chủ nuôi lừa đi qua lòng hồ, vào cánh rừng An Trường nằm bên kia hồ Núi Một để thả rông, bò tự kiếm ăn ở những bãi cỏ tự nhiên nằm ven rừng.
Khi bò đã vào bãi chăn thả, những chủ nuôi thản nhiên quay về nhà mà không lo bò mình thất lạc giữa đại ngàn mênh mông.
Bò kiếm ăn, sinh sôi nẩy nở thành đàn trong rừng, năm bảy bữa chủ nuôi vào kiểm tra một lần. Trước mùa mưa lũ, những chủ nuôi bò ở thôn Nam Tượng 3 vào rừng lùa đàn bò của mình về nhốt.
Bởi, trong mùa mưa lũ hồ Núi Một đầy nước, khiến các bãi chăn thả bị ngập, bò không còn chỗ đứng. Lùa bò về, chủ nuôi bán bớt những con bò đã trưởng thành.
Qua năm sau, đến mùa hồ Núi Một kiệt nước, đàn bò của người dân thôn Nam Tượng 3 lại được thả rông vào rừng An Trường, cứ thế hết năm này sang năm khác.
Ông Trần Quốc Tuấn (64 tuổi), người có thâm niên nuôi bò thả rông ở thôn Nam Tượng 3, cho biết: Bò thả rông trong rừng đi ăn theo đàn.
Dù rừng núi An Trường tiếp nhận đến hàng ngàn con bò, nhưng chủ nuôi không bao giờ bị lạc mất bò của mình. Điểm đặc biệt là dù lẫn giữa hàng ngàn con bò, nhưng chủ nuôi “nhìn mặt” là nhận biết đàn bò của mình, không bao giờ nhận lộn bò của nhau.
“Chỉ có giống bò sẻ mới đủ sức chịu đựng “dầm mưa dãi nắng”, chứ bò lai không thể nuôi theo kiểu thả rông cả năm trong rừng. Nuôi bò thả rông trong rừng chủ nuôi không phải cho ăn, nên không tốn chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, thả rông trong rừng bò mắc bệnh hoặc chết chủ nuôi không thể biết, nên tính ra không hiệu quả là mấy. Những năm gần đây, người dân thôn Nam Tượng 3 không còn thả rông bò trong rừng nữa, mà nuôi nhốt bằng giống bò lai để dễ kiểm soát dịch bệnh.
Hiện, trong thôn chỉ có 2 hộ còn nuôi bò thả rông trong rừng với khoảng 50 con mỗi hộ”, ông Trần Quốc Tuấn cho hay.
Một lần về xã miền núi Bok Tới (huyện Hoài Ân, Bình Định), chúng tôi nhận thấy người dân ở đây hiện đã giảm đáng kể hình thức nuôi bò thả rông như trước đây. Cả heo đen, giống heo bản địa cũng vậy.
Nếu như trước đây lũ heo đen được chủ nuôi thả chạy lông nhông trong rừng cả ngày lẫn đêm để tự kiếm thức ăn, thì nay cũng được nuôi thả rông, nhưng chỉ trong phạm vi nhất định được rào chắn kỹ lưỡng, bên trong có khu chuồng lợp mái che để heo vào tránh mưa tránh nắng.
Nuôi nhốt quản lý được dịch bệnh
Theo ông Đinh Giang Sang, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Bok Tới, xã hiện có 1.830 hộ dân, chiếm 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài trồng rừng nguyên liệu, chăn nuôi trâu bò và heo đen là nguồn thu chính của người dân ở đây. Hiện ở Bok Tới có đàn trâu bò 1.400 con và 1.500 con heo đen.
Trước đây, bà con đồng bào thiểu số ở xã Bok Tới hầu hết chăn nuôi trâu bò theo hình thức thả rông vào rừng để gia súc tự kiếm thức ăn, cả heo bản địa cũng vậy.
Qua công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương và ngành chức năng, hiện bà con ở đây đã thực hiện nuôi nhốt.
Song song với việc thực hiện nuôi trâu bò nhốt chuồng, bà con cũng đã biết trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi.
“Hiện, người dân Bok Tới đã nhận thấy lợi ích của việc nuôi nhốt trâu bò, nên hạn chế nuôi thả rông. Bà con chăn nuôi ở đây đã biết trồng cỏ để chủ động thức ăn cho gia súc.
Heo đen ở Bok Tới hiện cũng không còn thả rông trong rừng nữa, mà chỉ thả rông trong 1 diện tích nhất định, trong khuôn đó bà con làm mái che để heo vào tránh trú mưa nắng”, ông Đinh Giang Sang cho hay.
Theo ông Đinh Văn Chưa, cán bộ thú y xã Bok Tới, sau khi bà con thực hiện nuôi gia súc nhốt chuồng, tình hình dịch bệnh trên trâu bò, heo đen ở địa phương này giảm rõ rệt. Nuôi nhốt chuồng, nếu gia súc bị dịch bệnh chủ nuôi dễ dàng phát hiện, báo cho ngành chức năng để được chữa trị kịp thời, hạn chế thiệt hại.
“Trâu, bò nuôi thả rông người nuôi không thể theo dõi dịch bệnh, có khi cả ngày vào rừng thăm cũng không gặp chúng, do đó, nếu gia súc bị dịch bệnh chủ nuôi không thể phát hiện dẫn đến gia súc bị chết trong rừng gây thiệt hại về kinh tế.
Cả heo đen cũng vậy, nuôi nhốt nếu heo bị bệnh người nuôi phát hiện, chữa trị kịp thời nên khả năng bớt bệnh cao hơn”, ông Đinh Văn Chưa chia sẻ.
Ở huyện miền núi Vân Canh (Bình Định), nơi hiện chỉ còn 133 con trâu được nuôi tại xã Canh Liên và 14.800 con bò được nuôi trên địa bàn 7 xã, thị trấn.
Theo ông Lê Minh Tiến, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vân Canh, qua công tác tuyên truyền của ngành chức năng, hiện nay bà con chăn nuôi ở địa phương này đã dần bỏ tập tục chăn nuôi thả rông.
Khi bò được nuôi nhốt thì tỷ lệ tiêm phòng được nâng cao, dịch bệnh được kiểm soát nên người chăn nuôi hạn chế được thiệt hại.
“Hiện, chỉ còn số ít hộ dân ở xã vùng cao Canh Liên còn nuôi trâu bò thả rông, còn lại hầu hết đã đưa về nhà làm chuồng thực hiện nuôi nhốt, đồng thời trồng cỏ, mua rơm dự trữ cho bò ăn.
Lợi ích của trâu bò nuôi nhốt là nếu trên địa bàn xảy ra dịch bệnh, người nuôi phát hiện kịp thời bệnh trên đàn trâu bò mình nuôi, cán bộ thú y kịp thời can thiệp, giảm bớt thiệt hại về kinh tế cho hộ gia đình”, ông Lê Minh Tiến cho hay.
Theo ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão, đến nay, toàn huyện này có hơn 4.300 hộ chăn nuôi 11.350 con bò, 3.756 con trâu; người dân tự trồng hơn 25 ha cỏ để phục vụ chăn nuôi.
Để chăn nuôi trở thành trọng tâm trong phát triển kinh tế của địa phương, huyện An Lão vận động bà con phát triển chăn nuôi theo hướng có chuồng trại tập trung, chủ động công tác phòng chống dịch bệnh.
“Nhiều năm trước, ngành chức năng huyện đã nỗ lực động viên bà con phát triển chăn nuôi trâu bò, chọn giống tốt để đầu tư, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, cập nhật kiến thức cho bà con. Hầu hết hộ chăn nuôi trên địa bàn đều có trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp chế biến thành thức ăn cho trâu bò, đặc biệt là coi trọng ý kiến tư vấn của nhân viên thú y cũng như cán bộ khuyến nông trong phòng chống dịch bệnh”, ông Đỗ Đình Biểu cho hay.