Không còn kiểu chăn nuôi “được mất nhờ trời”
Huyện Nam Giang là một trong những địa phương thuộc vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam với đa số người dân là đồng bào thiểu số. Đặc điểm địa hình đồi núi nên ngoài trồng rừng, làm nương rẫy nguồn thu nhập thêm của người dân còn dựa vào hoạt động chăn nuôi.
Ở đây, đồng bào chăn thả nhiều loạt vật nuôi như trâu, bò, dê, heo, gà... Theo tập quán từ lâu đời, trước kia, hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm của bà con chủ yếu là thả rông xung quanh vườn, dưới sàn nhà hoặc thả trong rừng. Thực tế cho thấy, cách làm này không mang lại hiệu quả cao, chỉ mang tính tự cung, tự cấp, “được mất nhờ trời” và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Anh Bnướch Huệ trú thôn Tà Đắk, xã Tà Bhing cho biết, trước đây, gia đình anh thường nuôi giống heo đen bản địa. Cũng như các hộ dân khác trong vùng, heo được anh thả tự do đi kiếm ăn, ít khi quan tâm, chăm sóc. Vậy nên, từ lúc nuôi đến lúc có thể lấy thịt thương phẩm mất thời gian rất lâu, thậm chí còn bị mất trộm, chết vì dịch bệnh.
“Heo thả như thế lúc chúng đi vào trong rừng kiếm ăn thường xảy ra trường hợp bị dính bẫy thú của người dân, lâu ngày mới phát hiện được phải đành vứt bỏ, rồi bị bắn trộm, bị bệnh chết nơi nào không biết. Vì đây là tập quán từ xưa kia của bà con rồi nên dù gặp trường hợp gì cũng phải chấp nhận, lại tiếp tục bỏ tiền ra mua con giống khác về nuôi”, anh Bnướch Huệ chia sẻ.
Trước thực tế này, vài năm trở lại đây, cùng với nguồn vốn từ các chương trình, dự án, chính quyền huyện Nam Giang đã triển khai hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn cho người dân thực hiện các mô hình chăn nuôi để gia tăng hiệu quả kinh tế. Trong đó, chú trọng việc thay đổi nhận thức của bà con, chuyển từ lối sản xuất cũ sang phương pháp phù hợp, hiệu quả hơn.
Hộ anh Bnướch Huệ là một trong số nhiều hộ dân được hỗ trợ để phát triển mô hình nuôi heo đen ở xã Tà Bhing nói riêng và huyện Nam Giang nói chung. Vào năm 2023, gia đình anh được hỗ trợ 6 con heo giống, thức ăn chăn nuôi và tập huấn kỹ thuật.
Sau khi được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, anh Bnướch Huệ bắt đầu bỏ kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống lưới B40 bao quanh khu vực chăn thả.
Hiệu quả thấy rõ khi đàn heo của gia đình anh phát triển rất tốt, toàn bộ số con heo nái được hỗ trợ đã sinh sản lứa đầu tiên với gần 20 con heo con.
“Giờ tôi mới thấy được khi làm chuồng trại để chăn nuôi mình có thể dễ dàng quản lý, chăm sóc được đàn heo. Thấy đàn heo khỏe mạnh như thế tôi rất vui, vừa rồi có nhiều người hỏi mua heo giống của tôi về nuôi nhưng tôi chưa muốn bán. Tôi sẽ nuôi toàn bộ để bán heo thịt, có giá trị hơn”, anh Bnướch Huệ vui mừng nói.
Tương tự, sau khi được hỗ trợ 5 con heo đen giống, bà Bling Dịu (trú xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) cũng đã đối ứng bằng việc bỏ chi phí đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, hàng rào lưới thép rộng khoảng 200m2 ở phía sau vườn nhà. Với sự hướng dẫn thường xuyên của các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, bà đã biết cách chăm sóc đàn heo bài bản hơn so với cách thả rông trước đây.
“Hồi trước cứ bắt heo về rồi thả cho đi tự do, nó kiếm được cây, củ gì ngoài vườn, trong rừng thì ăn nấy. Sau khi làm chuồng nuôi nhốt, ngày nào tôi cũng nấu cám gạo, bột ngô, chuối cho heo ăn rồi thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Vậy nên cả đàn con nào cũng khỏe mạnh, sinh sản, phát triển tốt hơn nhiều. Giờ đàn heo mấy chục con này là tài sản lớn, hy vọng thời gian tới sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”, bà bà Bling Dịu tâm sự.
Thay đổi nhận thức là cả một quá trình
Theo thống kê của Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Giang, hiện trên địa bàn có khoảng trên 10.000 con đại gia súc và là một trong những địa phương có đàn vật nuôi lớn của tỉnh Quảng Nam. Thời gian qua, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm ở huyện Nam Giang đang có nhiều sự chuyển biển tích cực, mang lại hiệu quả cao hơn so với các huyện miền núi khác của tỉnh này.
Thành quả này không chỉ nhờ vào các cơ chế, chính sách hỗ trợ mà còn có sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp huyện trong công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy sản xuất cho bà con. Cứ mỗi năm 2 đợt, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Giang đều phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt cho người dân ở các xã để các hộ dân hiểu, nắm cũng như áp dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn.
Ông Alăng Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật huyện Nam Giang cho biết: “Để thay đổi được tập quán đã có từ lâu đời trong chăn nuôi gia súc, gia cầm của bà con không phải là dễ dàng, ngày một, ngày hai. Do đó, chúng tôi xác định phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Nhờ vậy, đến nay, đã có khoảng 60 - 70% hộ dân trong huyện đã biết chăn nuôi sử dụng chuồng trại thay vì thả rong gia súc, gia cầm như trước”.
Cũng theo ông Alăng Thùy, việc thay đổi này thể hiện rõ rệt nhất là ở các xã vùng núi cao, giáp với biên giới nước bạn Lào. Ở những xã này, người dân không chỉ làm chuồng trại theo từng hộ gia đình mà nhiều người còn khoanh vùng theo từng khu vực rộng lớn, gom gia súc thả chung. Chính vì thế mà khi đến những địa phương này, tình trạng gia súc xuất hiện ở các tuyến đường liên thôn, liên xã hầu như không có.
"Việc làm chuồng trại để nuôi gia súc, gia cầm ở huyện còn góp phần không nhỏ trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Trước kia, mỗi con gia súc bị nhiễm bệnh chắc chắn cả đàn sẽ bị lây nhiễm. Ngoài ra, khi thả rông không thể khoanh vùng, dập dịch hoặc bắt vật nuôi để điều trị. Nhiều trường hợp trâu, bò thả rông trên núi lâu ngày khi thấy người tới là bỏ chạy. Chủ hộ mất luôn vật nuôi, kinh tế bị thiệt hại", ông Alăng Thùy nói.
Với những thay đổi tích cực này từ nhận thức của bà con mà những năm gần đây, huyện Nam Giang là địa phương có tỷ lệ vật nuôi được tiêm phòng thuộc top đầu của tỉnh Quảng Nam, đạt hơn 80% tổng đàn, cao hơn nhiều so với một số huyện ở vùng đồng bằng.