Ngày 5/1, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì Hội thảo tham vấn đề xuất “Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL” (gọi tắt là Dự án WB 11 - MERIT).
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Bộ NN-PTNT tổ chức một hội thảo dành riêng cho một dự án quốc tế, hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo đề xuất dự án được Ban quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO) đưa ra, Dự án WB 11 với mục tiêu tăng cường tính chống chịu khí hậu và nâng cao sinh kế tại các địa phương tham gia dự án ở 9 tỉnh vùng ĐBSCL. Bao gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang. Mới đây nhất, tỉnh An Giang cũng có nguyện vọng được tham gia dự án.
Cụ thể, dự án sẽ tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm giải quyết vấn đề, cải thiện, phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung, phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch. Từ đó tạo ra công việc làm, thu nhập cao hơn cho người lao động.
Bước đầu đề xuất, Dự án WB 11 sẽ có 3 hợp phần. Hợp phần 1 sẽ tăng cường thể chế và các hệ thống thông tin. Hợp phần 2 đi vào đầu tư hạ tầng chống chịu khí hậu cấp vùng. Và hợp phần 3 là thúc đẩy đa dạng sinh kế và kinh tế nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu. Diện tích hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ Dự án WB 11 khoảng 960.000 ha, với số hộ dân hưởng lợi là 920.000 hộ. Nguồn kinh phí dự kiến trên 500 triệu USD, một trong những dự án lớn nhất từ trước đến nay.
Tại hội thảo, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều đề xuất giúp hoàn thiện dự án. Theo quan điểm ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến sinh kế của người dân trong tỉnh. Vì thế, việc tăng cường sinh kế cho người dân trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết.
Ông Sử đánh giá Dự án WB 11 là một dự án đường dài, ông đề xuất về phía CPO cần có một kế hoạch chi tiết cho dự án, trên cơ sở đó tỉnh Cà Mau sẽ có những tính toán để xác định mức độ, phạm vi tham gia dự án.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, Dự án WB 11 tuy đang ở giai đoạn đề xuất, nhưng được Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng thống nhất cao. Dự án mang tính liên kết vùng cao, nếu triển khai nhanh, kết hợp với các dự án thời gian qua đã được Bộ NN-PTNT đầu tư, sẽ góp phần giúp người dân Sóc Trăng hoàn toàn có thể chủ động được nguồn nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt trước thách thức biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, để Dự án WB 11 mang lại thành công, dự án phải nhận được sự đồng thuận, tham gia từ ban đầu của nhiều bên như 9 tỉnh vùng ĐBSCL, Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Thế giới (WB) và các đơn vị liên quan.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, liên kết với các dự án ODA đã, đang và sẽ đầu tư ở vùng ĐBSCL, để tránh chồng chéo, giúp dự án phát huy hiệu quả. Trên nguyên tắc, đầu tư phải xuất phát từ sinh kế, nhu cầu chuyển đổi sản xuất, từ đó đề xuất các dự án phục vụ cho việc chuyển đổi đó.
“Chúng ta cần quyết tâm từ trái tim, nếu chỉ bàn xong rồi để mọi thứ trôi đi, “bàn thôi không làm” tránh trường hợp của một số dự án đã từng vấp phải”, Thứ trưởng Hiệp nhấn mạnh.
Về tiến độ triển khai Dự án WB 11, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ NN-PTNT nỗ lực để tháng 12/2023 sẽ có những dự án thành phần đầu tiên trình lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB).
Để làm được điều này, Thứ trưởng yêu cầu thực hiện ngay một số nội dung trọng tâm là rà soát lại các địa phương tham gia dự án, tổng mức đầu tư phù hợp cho dự án. Đồng thời, mong muốn nhận được sự đồng thuận từ các Bộ ngành liên quan để thúc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án, theo tinh thần hình thức riêng lẻ, nhưng đi cùng nhau.