| Hotline: 0983.970.780

Đa dạng sinh kế cho người dân cù lao

Thứ Bảy 17/12/2022 , 18:37 (GMT+7)

Nhằm ứng phó với biến đối khí hậu, người dân huyện Cù Lao Dung đã phát triển đa dạng nguồn thu, từ nuôi vọp, ốc len cho đến khai thác tiềm năng du lịch.

Người dân bắt ốc len tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

Người dân bắt ốc len tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

Toàn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có trên 24 km bờ biển với khoảng 1.700ha diện tích rừng ngập mặn ven biển, với nhiều loại thủy hải sản giúp người dân mưu sinh. Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác, nguồn lợi này đang dần cạn kiệt, khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng.

Dự án chống chịu với biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã giúp người dân thực hiện mô hình nuôi ốc len, vọp dưới tán rừng. Mô hình này không những giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu mà còn góp phần bảo vệ rừng ngập mặn.

Ông Trần Văn Mới ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, một trong các hộ tham gia dự án cho biết, mỗi hộ tham gia sẽ được hỗ trợ 70% chi phí con giống gồm 840kg vọp và 160kg ốc len để thả nuôi. Sau khoảng trên dưới một năm thả nuôi, bà con có thu nhập khá. Cụ thể, giá vọp đang ở mức từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, ốc len dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg.

"Bà con nuôi tương đối nhàn, đỡ chi phí thức ăn vì tận dụng được nguồn trong tự nhiên, rủng rỉnh mỗi tháng bỏ túi thêm vài triệu đồng. Từ ngày thành lập tổ hợp tác tham gia mô hình, người dân sinh sống ổn định và giữ được rừng", ông Mới nói.

Chung quan điểm, ông Đặng Quốc Trí, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung đánh giá, người dân tham gia dự án đã góp phần gìn giữ hệ sinh thái rừng. Đặc biệt, với những loài đặc sản như ốc len, vọp, ba khía, khách du lịch thường có nhu cầu tiêu dùng cao tại các quán ăn.

"Đa phần du khách thích thú với những món này, bởi chúng được giới thiệu là đặc sản trên vùng đất bãi bồi Cù Lao Dung", ông Trí chia sẻ.

Cũng theo ông Trí, ốc len và vọp rất dễ nuôi, không tốn công chăm sóc, ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là trước tình hình biến đổi khí hậu. Thời gian tới, huyện Cù Lao Dung phấn đấu mở rộng diện tích rừng ngập mặn mỗi năm từ 10 - 20ha, giúp ổn định hơn nữa cuộc sống cho người dân vùng ven biển.

Đối mặt biến đổi khí hậu, người dân tại huyện Cù Lao Dung vẫn phát triển đa dạng nguồn thu, trong đó có phát triển du lịch.

Đối mặt biến đổi khí hậu, người dân tại huyện Cù Lao Dung vẫn phát triển đa dạng nguồn thu, trong đó có phát triển du lịch.

Hơn 1.700ha rừng phòng hộ của huyện Cù Lao Dung còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí trên biển. Nhờ Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và sinh thái đất ngập nước", một số gia đình ở xã An Thạnh 1 và An Thạnh Nam được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.

Thông qua những buổi khảo sát, học tập kinh nghiệm về mô hình du lịch cộng đồng, mô hình du lịch homestay tại các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các hộ này trở về và xây dựng các điểm du lịch. 

Cụ thể, xã An Thạnh 1 có 2 điểm là làng du lịch Trường Tiền và làng du lịch Long Ẩn. Tại đây, các sản phẩm được khai thác phục vụ khách tham quan có vườn cây ăn trái, trải nghiệm leo dừa, uống nước dừa, bơi xuồng, thưởng thức các món ăn đặc sản vùng sông nước cù lao, nghỉ đêm tại các homestay, trải nghiệm việc gói bánh, nghe kể chuyện về lịch sử vùng đất Cù Lao Dung...

Còn khu du lịch Farmstay Sân Tiên, xã An Thạnh Nam cung cấp dịch vụ ăn uống, đờn ca tài tử. Đây là địa điểm thú vị cho các đoàn khách du lịch thích trải nghiệm, tận hưởng không gian thiên nhiên như: đi cầu tre xuyên rừng, bắt ốc len, bắt vọp, câu cua biển, thưởng thức dừa nước mật ong, đồng thời có thể trực tiếp nướng vọp, sam; hoặc trải nghiệm dịch vụ tắm bùn thiên nhiên cùng các trò chơi dân gian.

Ông Đặng Quốc Trí, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết, huyện đã có kế hoạch phát triển Cù Lao Dung thành huyện du lịch. Thời gian tới, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch sẽ được xây dựng một cách đồng bộ, kết nối với các khu, điểm du lịch trong vùng và liên vùng.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.