Ngày 28 - 29/4, đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) kiểm tra tình hình phát triển lúa đông xuân tại 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Định.
Theo báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Ninh Bình, vụ đông xuân 2022 - 2023 toàn tỉnh đã gieo cấy được 39.554,4ha. Trong đó trà lúa xuân sớm đang ở giai đoạn trổ bông - chín sữa, trà xuân muộn ở giai đoạn phân hóa đòng - ôm đòng.
Đến thời điểm hiện tại, trên phạm vi toàn tỉnh Ninh Bình lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, điều tra tình hình sâu bệnh hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa.
Về tình hình sinh vật gây hại chính trên lúa, Chi cục Trồng trọt và BVTV Ninh Bình cho biết với tình hình thời tiết hiện nắng, mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao, là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng, sâu đục thân... phát triển mạnh.
Ghi nhận tình hình tại một số địa phương ở Ninh Bình, bệnh đạo ôn xuất hiện rải rác trên lá và cổ lá đòng tỷ lệ bệnh nơi cao 10 - 15%, cá biệt 30 - 50% (các huyện Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô...). Tính đến ngày 26/4, tổng diện tích lúa nhiễm đạo ôn của Ninh Bình là 506ha (gấp 6,1 lần so với cùng kỳ năm 2022), trên cổ bông lúa đạo ôn xuất hiện và gây hại cục bộ
Để phòng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về năng suất lúa do bệnh đạo ôn gây ra, năm nay, UBND tỉnh Ninh Bình đã sớm chỉ đạo các huyện, thành phố hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cho lúa.
Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, các địa phương đã chủ động tiến hành phun trừ theo tiến độ lúa trỗ trên những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá, ruộng xanh tốt, gần nguồn bệnh, giống nhiễm bằng một số loại thuốc đặc hiệu như: Kasoto 200SC, Bump 650WP, Katana 20SC, Kabim 30WP, Filia 525EC, Beam 75WP, Bamy 75WP...
Bên cạnh đó, khuyến cáo nông dân chủ động phun phòng trừ bệnh đạo ôn lá trên các giống lúa dễ nhiễm bệnh (nếp địa phương, TBR225, Khang dân 18, Đài thơm 8...) khi bệnh mới phát sinh; phun phòng bệnh đạo ôn hại cổ bông cho trà lúa trỗ bông trong khoảng thời gian từ 30/4 - 8/5.
Tại tỉnh Nam Định, mật độ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang nở rộ, mật độ phổ biến 0,5 - 2 con/m2, nơi cao 5 - 7 con/m2, cục bộ 15 - 20 con/m2. Mật độ trứng phổ biến 15 - 30 quả/m2, nơi cao 50 - 100 quả/m2, cục bộ 150 quả/m2 (cao gấp 2 - 3 lần cùng kỳ năm trước).
Bên cạnh đó, rầy lứa 2 (chủ yếu rầy lưng trắng) nở rộ từ 28/4 - 5/5, trùng với thời điểm sâu cuốn lá nhỏ nở rộ, dự kiến mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, cao 2.000 - 3.000 con/m2, cục bộ >3.000 con/m2. Theo đó, rầy lứa 2 có mật độ cao chủ yếu ở các huyện phía Nam gây hại cục bộ; bệnh khô vằn đã xuất hiện và phát triển trên tất cả các trà lúa, tỷ lệ bệnh phổ biến 7 - 10%, cao 30 - 40%, cục bộ >50% (mức độ gây hại cao hơn cùng kỳ năm trước).
Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, phân loại các trà lúa, xác định thời điểm lúa trỗ bông, lựa chọn loại thuốc phun và thời điểm phun thuốc đạt hiệu quả nhất.
Qua kiểm tra, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đưa ra hai lưu ý đối với vụ đông xuân 2022 - 2023 ở 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Định. Đặc biệt lưu ý đối với bệnh đạo ôn cổ bông, các địa phương chủ động theo dõi, bám sát các thông báo về tình hình thời tiết, tiếp tục lên kế hoạch phun thuốc phòng trừ cho các trà lúa vào dịp cuối tháng 4 cho đến đầu tháng 5.
Ngoài ra, các địa phương cần lưu ý đối với sâu cuốn lá lứa 2 đang phát triển mạnh ở vụ đông xuân, mật độ khá cao ở các địa phương Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình...; đồng thời đẩy mạnh công tác phòng trừ sâu cuốn lá, rầy, khô vằn.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình trong tháng 4 dao động từ 24 - 26 độ C, được xem là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông và một số đối tượng sinh vật gây hại phát sinh, đe dọa lúa vụ đông xuân 2022 - 2023, vì thế các địa phương không chủ quan, lơ là trong công tác phun trừ sâu bệnh.